Dự án đường vành đai 1, đoạn Hoàng Cầu đến nút giao Láng Hạ - Giảng Võ (Hà Nội) sắp xây dựng tới đây sẽ lập kỷ lục mới khi chi phí làm mỗi mét đường lên tới 2,5 tỷ đồng.

Ông Nguyễn Sỹ Bảo - Giám đốc Ban Quản lý dự án trọng điểm phát triển đô thị Hà Nội cho biết, trong tháng 6/2015, Ban sẽ hoàn thiện hồ sơ trình UBND TP Hà Nội phê duyệt dự án đường vành đai 1, đoạn Hoàng Cầu đến nút giao Láng Hạ - Giảng Võ.

Đoạn đường dài 697 m, rộng 50 m, tổng mức đầu tư 1.767 tỷ đồng và được dự kiến xây dựng trong 3 năm 2015 đến 2018. Trong quá trình thực hiện dự án, hơn 640 gia đình bị thu hồi đất, nhu cầu tái định cư trên 500 căn hộ. Chi phí giải phóng mặt bằng hết 1.587 tỷ đồng.

Với thông tin vừa công bố, dự án đường vành đai 1, đoạn Hoàng Cầu đến nút giao Láng Hạ - Giảng Võ lập kỷ lục mới khi chi phí làm một mét đường lên tới 2,5 tỷ đồng.

{keywords}
Tuyến đường "đắt nhất hành tinh" Kim Liên - Ô Chợ Dừa. Ảnh: Hoàng Hà.

Trước đó, cuối năm 2006, đường Kim Liên - Ô Chợ Dừa dài 1,1 km khánh thành sau 12 tháng thi công. Đường có tổng mức đầu tư 733 tỷ đồng, chi phí trung bình 700 triệu đồng/m.

Vào thời điểm đó, tuyến đường này từng được mệnh danh là "con đường đắt nhất Việt Nam", thậm chí "đắt nhất hành tinh", trong đó 81% kinh phí dùng để thu hồi gần 56.000 m2 đất của hơn 1.000 hộ dân.

Tuy nhiên, kỷ lục này đã bị xô đổ vào năm 2013 khi đoạn nối dài của tuyến đường trên là Ô Chợ Dừa - Hoàng Cầu khánh thành. Tổng mức đầu tư cho đoạn đường dài 547 m là 810 tỷ đồng, tương đương 1,4 tỷ đồng mỗi mét. Và kỷ lục này cũng chỉ giữ được cho cho đến trước khi đoạn đường nối tiếp là Hoàng Cầu đến nút giao Láng Hạ - Giảng Võ hoàn tất.

Giáo sư Đặng Hùng Võ - nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên Môi trường cho rằng, việc đầu tư hàng nghìn tỷ đồng cho những quãng đường dài khoảng 1 km là sự lãng phí. Nhà nước phải bỏ rất nhiều tiền để bồi thường, giải phóng mặt bằng làm đường, nhưng khi giá đất hai bên đường tăng lên thì Nhà nước lại không thu được lợi nhuận gì từ giá trị này. Điều này sẽ tạo sự bất công giữa hộ bị thu hồi hoàn toàn đất và những hộ bỗng nhiên được ra mặt đường.

Nguyên thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, nhiều nước như Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan, Malaysia đã dùng cơ chế góp đất và điều chỉnh đất đai trong việc mở đường tại các đô thị. Với những người mất hoàn toàn đất được bố trí tái định cư tại chỗ. Người mất một phần đất, được ra mặt đường, mang lại giá trị cao hơn thì diện tích đất cũng phải thu hẹp lại tương ứng.

Như vậy, diện tích đất vẫn thu xếp đủ cho những người mất đất nhiều, mất ít. Một phần đất còn lại sau khi đền bù được đấu giá để lấy tiền xây dựng con đường.

Trong khi đó tiến sĩ Phạm Sỹ Liêm, Phó chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam cho rằng việc có nhiều con đường đắt kỷ lục một phần nguyên nhân do sự không minh bạch khi dự án khép kín. Vì dự án khép kín nên rất dễ bị lợi dụng để đưa ra những mức giá không ai kiểm soát được, nhất là giá đền bù giải phóng mặt bằng.

Tại kỳ họp Quốc hội cuối năm 2014, Bộ trưởng Đinh La Thăng cho biết, nguyên nhân khiến các tuyến đường ở Hà Nội đắt đỏ là tiền giải phóng mặt bằng cao, có dự án chiếm tới hơn 80% tổng chi phí.

"Giá xây dựng là như nhau nhưng đi qua khu dân cư đông đúc như vậy nên giải phóng mặt bằng rất lớn", Bộ trưởng Thăng cho biết.

Đầu năm 2015, Hà Nội lần lượt khánh thành các tuyến đường với chi phí khổng lồ như đường Nguyễn Văn Huyên kéo dài, đường Trần Phú kéo dài.

Tháng 2/2015, đường Nguyễn Văn Huyên kéo dài với tổng mức đầu tư 696 tỷ đồng được hoàn thành. Tuyến đường dài 565 m có chi phí trung bình 1,7 tỷ đồng/m. Việc giải phóng mặt bằng "ngốn" 70% nguồn kinh phí. Đường Trần Phú kéo dài được khánh thành tháng 2/2015, sau hơn 20 năm quy hoạch. Chi phí 225 tỷ đồng, chi phí trung bình 0,5 tỷ/m cho quãng đường dài 450 m.

Sở Giao thông Hà Nội đang đề xuất phương án xây dựng tuyến đường nối từ cầu Nhật Tân đến đường Thanh Niên, dài 5,53 km, tổng mức đầu tư hơn 4.700 tỷ đồng, tương đương hơn 850 triệu đồng/m.

Chi phí để xây dựng các dự án này đều lấy từ nguồn vốn ngân sách

(Theo Zing.vn)