Vào năm 2011, Microsoft đã chi 8,5 tỷ USD để mua lại Skype nhằm đưa dịch vụ Video call và điện thoại Internet về dưới quyền của mình, điều này đã gây ra các cuộc thảo luận sôi nổi trong ngành. Hai năm sau, Microsoft muốn hợp tác với Apple, với hy vọng trở thành một công ty điện thoại thông minh chính thức, nhưng nỗ lực này lại thất bại.
Năm 2013, bộ phận điện thoại di động của Nokia được mua lại với giá 7,2 tỷ USD, nhưng CEO Satya Nadella của Microsoft đã đóng cửa bộ phận này sau khi nắm giữ vị trí cao nhất. Ngoài ra, Microsoft, cố gắng chen chân vào thị trường hệ điều hành di động bằng cách định vị Windows mobile là một giải pháp thay thế cho sự độc quyền của Apple và Android, tuy nhiên, hệ điều hành này chỉ chiếm được thị phần rất nhỏ.
Dù liên tục gặp thế khó, công ty phần mềm lớn nhất thế giới vẫn chưa từ bỏ lĩnh vực kinh doanh viễn thông. Thay vào đó, họ chuyển sự chú ý sang thị trường doanh nghiệp và chính các nhà khai thác. Trong năm qua, Microsoft, Verizon, Vodafone, Deutsche Telekom và các nhà khai thác khác đã hợp tác để ra mắt mạng riêng dựa trên 5G mới, cho khách hàng doanh nghiệp trong các ngành như sản xuất và hậu cần.
Giờ đây, ngày càng nhiều công ty tin tưởng vào 5G để thay đổi cách thức hoạt động của họ. Họ tin rằng việc giảm thiểu độ trễ của việc truyền dữ liệu qua mạng quan trọng hơn nhiều so với việc liên tục cập nhật công nghệ không dây. Mặc dù trên thị trường tiêu dùng, với sự ra mắt của iPhone mới, công nghệ không dây đã bắt đầu thu hút sự quan tâm của người dùng.
Đối với Yousef Khalidi, Phó chủ tịch mảng kinh doanh nhà mạng Azure của Microsoft, cho rằng 5G đòi hỏi nhiều sức mạnh tính toán hơn, đó là số phận của Microsoft khi bước vào thị trường này.
Microsoft khẳng định mình là đối tác của các nhà khai thác mạng và cam kết giảm độ trễ bằng cách đưa các trung tâm dữ liệu (giúp hỗ trợ mạng 5G) đến gần hơn với các khách hàng thương mại. Tháng trước, Microsoft đã tung ra phiên bản dịch vụ đám mây công cộng của Azure cho ngành viễn thông, như một tín hiệu cho thấy ý định mới nhất của hãng.
Tất nhiên, Microsoft không phải là công ty duy nhất có tham vọng như vậy. Những gã khổng lồ trong ngành như Google, Amazon, IBM cũng đang sử dụng vị thế trong lĩnh vực đám mây như một bàn đạp, để đạt được lợi ích từ nhu cầu của khách hàng doanh nghiệp đối với dịch vụ 5G.
Mặc dù thị trường doanh nghiệp chỉ chiếm một phần nhỏ trong doanh thu hàng quý hiện tại của các gã khổng lồ, nhưng đây vẫn là một thị trường có lợi nhuận và phát triển nhanh chóng, và nó cũng là một thị trường đáng để cạnh tranh. Tổ chức nghiên cứu Analysys Mason dự đoán rằng, đến năm 2025, giá trị thị trường của "đám mây mạng" bao gồm các chức năng phần mềm và cơ sở hạ tầng đám mây sẽ đạt 36 tỷ USD, với tốc độ tăng trưởng kép hàng năm là 40%.
So với các đối thủ cạnh tranh như IBM, Microsoft dường như đã tiến một bước xa hơn, công ty đã bắt đầu phát triển phần mềm riêng để vận hành mạng viễn thông. Trong năm nay, Microsoft cũng đã mua lại hai công ty chuyên nghiệp là Metaswitch và Affirm Networks. Động thái này cho phép Microsoft đứng ở vị trí trung tâm trong kỷ nguyên 5G khi viễn thông và công nghệ ngày càng được tích hợp. Đồng thời, các giao dịch này cũng khiến Microsoft, Nokia, Ericsson cạnh tranh gay gắt với Huawei.
Nhà phân tích Caroline Chapel của Analysys tin rằng đối với các công ty như Microsoft, “hợp tác không chỉ đơn thuần là hợp tác”. Cũng như tháng trước, Microsoft đã ký một dự án tích hợp điện toán đám mây và 5G với Verizon, công ty viễn thông lớn nhất của Mỹ.
Khi ngày càng có nhiều tập đoàn viễn thông xây dựng 5G thành một hệ thống dựa trên phần mềm tách biệt khỏi các phần cứng (quá trình này được gọi là ảo hóa), một số nhà mạng có thể chọn xây dựng mạng của họ trên các nền tảng đám mây công cộng thay vì sử dụng trung tâm dữ liệu riêng biệt. Caroline Chapel nói: "Chiến tích lớn nhất mà tất cả các nhà cung cấp nền tảng đám mây theo đuổi là chính mạng viễn thông".
Nhưng đối với các nhà mạng, sự nhiệt tình từ các công ty công nghệ lớn lại là con dao hai lưỡi. Trong 20 năm qua, các nhà mạng ra sức tẩy chay những gã khổng lồ công nghệ toàn cầu, những gã khổng lồ này đã đe dọa “ăn bữa trưa” của các nhà mạng bằng cách cung cấp các sản phẩm nhắn tin và gọi thoại miễn phí.
Tháng trước, tại cuộc họp chung được tổ chức bởi Financial Times và Hiệp hội các nhà khai thác mạng viễn thông châu Âu, José María Alvarez Pallete, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành của Telefónica Group đã phát động một “cuộc tấn công” vào sức mạnh của các công ty công nghệ trong lĩnh vực dữ liệu.
Ông chỉ ra rằng có sự khác biệt lớn về giá trị giữa ngành viễn thông đang thu hẹp và ngành công nghệ đang bùng nổ, vì vậy ông kêu gọi Ủy ban châu Âu "chấm dứt việc trưng thu thế hệ mạng mới" và ông cũng tuyên bố ủng hộ Brussels (thủ đô thực tế của Liên minh châu Âu) thực hiện các biện pháp quản lý chặt chẽ hơn đối với các công ty công nghệ lớn.
Một giám đốc điều hành viễn thông nói rằng việc Microsoft sở hữu Skype đồng nghĩa với việc công ty Mỹ là một "đối thủ cạnh tranh". Công ty có thể nhắm mục tiêu trực tiếp vào một số lĩnh vực nhất định của thị trường viễn thông, chẳng hạn như cung cấp mạng riêng cho các doanh nghiệp, điều này sẽ chỉ làm trầm trọng thêm mối lo ngại của các nhà khai thác viễn thông về ý định cuối cùng của Microsoft.
Trên thực tế, một số người tin rằng Microsoft có tiềm năng thâm nhập sâu hơn vào ngành viễn thông. Công ty nghiên cứu CCS Insight hồi tháng trước đã gợi ý rằng Microsoft có khả năng mua lại tập đoàn Nokia Phần Lan và trở thành một công ty thiết bị viễn thông cung cấp thiết bị điện toán đám mây, phần mềm và tần số vô tuyến.
Bất kỳ động thái nào như vậy sẽ là lần thứ ba Microsoft cố gắng sử dụng Nokia như một kênh để đạt được chỗ đứng lớn hơn trong lĩnh vực viễn thông, sau khi bước vào lĩnh vực hệ điều hành và điện thoại di động.
Phong Vũ
5G của Mỹ đang ở đâu so với Trung Quốc?
Xét theo nhiều phương diện, Trung Quốc không chỉ đi trước mà còn bỏ xa Mỹ khi nói tới 5G.