Ngày 19/5/1941, Mặt trận Việt Nam độc lập đồng minh (gọi tắt là Mặt trận Việt Minh) ra đời, thay cho Mặt trận Dân tộc thống nhất phản đế Đông Dương, với khẩu hiệu chính là: "Phản Pháp, kháng Nhật, liên Hoa, độc lập". Việc quyết định thành lập Mặt trận Việt Minh là một chủ trương hết sức sáng suốt của Trung ương Đảng và Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, có ý nghĩa quan trọng vào sự phát triển phong trào cách mạng giải phóng dân tộc mà đỉnh cao là thắng lợi của Cách mạng tháng Tám năm 1945. 

Với chủ trương, chính sách đúng đắn, từ cuối năm 1941, Mặt trận Việt Minh đã thu hút được ngày càng đông đảo các tầng lớp, giai cấp có tinh thần yêu nước và chống đế quốc thực dân vào các hội cứu quốc như: Hội Nông dân Cứu quốc, Hội Phụ nữ Cứu quốc, Hội Thanh niên Cứu quốc, Hội Công nhân Cứu quốc... Các hội cứu quốc đều là thành viên của Mặt trận Việt Minh, được thành lập ở nhiều tỉnh ở miền Bắc, một số tỉnh miền Trung và các thành phố lớn, như: Hà Nội, Hải Phòng.

{keywords}
Hình ảnh, tài liệu, hiện vật giới thiệu về vai trò, định hướng, chỉ đạo của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc và sự ra đời của Mặt trận Việt Minh tại phòng trưng bày chuyên đề “Mặt trận Việt Minh – Đại đoàn kết dân tộc", tại Bảo tàng Lịch sử Quốc gia hồi năm 2016.

Mặt trận Việt Minh có cơ sở rộng rãi trong cả nước, trung tâm là Cao Bằng. Cuối năm 1941, tại Cao Bằng xuất hiện một số xã, tổng hoàn toàn tham gia Việt Minh. Đến năm 1942, Cao Bằng có 3 trên tổng số 9 châu hoàn toàn Việt Minh, xã nào cũng có Ủy ban Việt Minh. Bên cạnh Cao Bằng là trung tâm của phong trào cứu quốc cả nước, Mặt trận Việt Minh cũng được phát triển mạnh mẽ tại các tỉnh Lạng Sơn, Bắc Cạn, Thái Nguyên,… Sang năm 1943, Ủy ban Việt Minh liên tỉnh Cao - Bắc - Lạng lập ra 19 ban xung phong “Nam tiến” để liên lạc với căn cứ địa Bắc Sơn - Võ Nhai và phát triển lực lượng cách mạng xuống các tỉnh miền xuôi.

Từ thực tiễn phong trào Việt Minh trong hai năm (1941 - 1942) có những bước phát triển đáng kể và những biến đổi của tình hình thế giới, Ban Thường vụ Trung ương Đảng đã họp từ ngày 25 - 28/2/1943 ở Võng La (Đông Anh, Phúc Yên) để bàn về việc mở rộng Mặt trận Dân tộc Thống nhất và xúc tiến chuẩn bị khởi nghĩa vũ trang. Hội nghị chủ trương mở rộng hơn nữa Mặt trận Việt Minh, liên minh với các đảng phái, nhóm yêu nước cả trong và ngoài nước. Thực hiện chủ trương đó, năm 1943, Hội Văn hoá Cứu quốc - một thành viên của Mặt trận Việt Minh đã được thành lập. Tháng 6/1944, Đảng ta đã giúp những trí thức tiến bộ, yêu nước thành lập Đảng Dân chủ Việt Nam, thu hút họ vào Mặt trận Việt Minh.

Trong hai năm (1943 - 1944), các đoàn thể của Mặt trận Việt Minh được thành lập và phát triển nhanh chóng ở khắp các tỉnh, thành phố, trong các nhà máy, trường học. Tại Hà Nội, tổ chức Việt Minh đã được phát triển mạnh trong các nhà máy xe lửa Gia Lâm, nhà máy sửa chữa ô tô AVIA, STAI, ở các trường trung học Bưởi, Gia Lâm, trường Kỹ nghệ thực hành,... Tại Sài Gòn, Gia Định và một số thành phố khác ở miền Nam, tổ chức Việt Minh đã được thành lập với nhiều tổ chức thành viên như công hội, thanh niên, phụ nữ,... Đặc biệt tại Việt Bắc, trên cơ sở các “xã hoàn toàn”, “tổng hoàn toàn”, các căn cứ địa cách mạng đã được thành lập ở khắp các tỉnh.

Bước sang đầu năm 1944, tình hình nước ta và thế giới chuyển biến có lợi cho cách mạng. Cuộc chiến tranh chống phát xít bước vào giai đoạn kết thúc. Trước sự phát triển của Mặt trận Việt Minh và trước yêu cầu của cách mạng, các đội Cứu quốc quân được thành lập. Các đội Cứu quốc quân đã tích cực vận động quần chúng tham gia các hoạt động của Mặt trận, mở rộng căn cứ cách mạng, phát triển vũ trang tuyên truyền.

Đầu tháng 5/1944, Tổng bộ Việt Minh ra chỉ thị cho các cấp sửa soạn khởi nghĩa và kêu gọi nhân dân “sắm vũ khí đuổi thù chung”. Không khí chuẩn bị khởi nghĩa sôi sục trong khu căn cứ. 

Đầu năm 1945, Chiến tranh thế giới thứ hai bước vào giai đoạn kết thúc. Ngày 9/3/1945, Nhật nổ súng lật đổ Pháp. Quân Pháp ở Đông Dương chống cự yếu ớt và nhanh chóng đầu hàng. Phát xít Nhật độc chiếm Đông Dương, “trao trả độc lập” cho Bảo Đại và dựng lên Chính phủ bù nhìn Trần Trọng Kim. Trước tình hình đó, ngày 12/3/1945, Ban Thường vụ Trung ương Đảng đã ra “Chỉ thị Nhật - Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta”. Chỉ thị đã xác định: Đế quốc phát xít Nhật là kẻ thù chính - kẻ thù cụ thể trước mắt - duy nhất của nhân dân Đông Dương. Tại hội nghị, Ban Thường vụ Trung ương Đảng quyết định phát động một cao trào kháng Nhật cứu nước mạnh mẽ, làm tiền đề cho cuộc tổng khởi nghĩa giành chính quyền.

Để tích cực chuẩn bị cho tổng khởi nghĩa, các cơ sở Mặt trận Việt Minh được chú trọng mở rộng nhằm tranh thủ mọi lực lượng yêu nước, thực hiện chính sách đoàn kết, phân hoá hàng ngũ kẻ thù. Ngày 12/4/1945, Mặt trận Việt Minh đã ra lời kêu gọi Mấy lời tâm huyết ngỏ cùng các vị quan chức ái quốc Việt Nam và Mấy lời tâm huyết ngỏ cùng các vị huynh thứ ái quốc.

Cùng với việc củng cố, mở rộng Mặt trận, đề ra chủ trương, chính sách đúng đắn, Đảng và Mặt trận Việt Minh còn kịp thời đề ra khẩu hiệu đấu tranh đúng đắn, phù hợp: “Phá kho thóc giải quyết nạn đói”. Chủ trương này đã đáp ứng đúng nguyện vọng bức thiết của nhân dân và qua phong trào này quần chúng nhân dân đã nhận rõ rằng muốn giành quyền sống cho mình phải đoàn kết dưới ngọn cờ của Việt Minh đấu tranh đánh đổ ách thống trị của phát xít Nhật và bè lũ tay sai của chúng. Khẩu hiệu này có ý nghĩa to lớn đã “thổi bùng ngọn lửa căm thù trong đông đảo nhân dân và phát động quần chúng vùng dậy với khí thế cách mạng hừng hực tiến tới khởi nghĩa giành chính quyền”.

Với chính sách mở rộng và phát triển tổ chức Việt Minh, từ tháng 5/1945, trong phong trào thanh niên, sinh viên ở Nam Bộ đã ra đời tổ chức “Thanh niên Tiền phong”. Tổ chức này được thành lập từ Sài Gòn, sau đó lan rộng ra hầu khắp các tỉnh Nam Bộ. Tính chung ở Nam Bộ đến tháng 8/1945, tổ chức đã có trên 1 triệu đoàn viên, riêng ở thành phố Sài Gòn số đoàn viên có tới 20 vạn. Ở nhiều tỉnh trên khắp đất nước, tổ chức Việt Minh đã có cơ sở trong các công sở, các đội bảo an binh và chính các cơ sở này đã góp một phần không nhỏ vào việc giành chính quyền ở các cấp trong ngày tổng khởi nghĩa.

Chính sách đại đoàn kết dân tộc “kháng Nhật cứu nước” của Mặt trận Việt Minh đã thu hút ngày càng đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia và tác động mạnh mẽ góp phần dẫn tới sự phân hoá trong các tổ chức chính trị, đảng phái ở nước ta lúc bấy giờ. Nội các Trần Trọng Kim đã bị phân hoá trước thắng lợi của cao trào cách mạng. Trước sức mạnh của quần chúng nhân dân, một số thành viên của nội các này đã ngả theo cách mạng, trong đó có một số trí thức có tên tuổi.

Ngày 11/8/1945, Chính phủ Nhật chấp nhận đầu hàng Đồng minh không điều kiện. Ngày 16/8/1945, Mặt trận Việt Minh tổ chức Đại hội Quốc dân Tân Trào đã quyết định tổng khởi nghĩa và kêu gọi nhân dân toàn quốc đứng lên giành lấy chính quyền, xây dựng một nước Việt Nam dân chủ cộng hoà trên nền tảng hoàn toàn độc lập. Tổng khởi nghĩa Tháng Tám diễn ra nhanh chóng, chỉ trong vòng chưa đầy nửa tháng, chính quyền thống trị của đế quốc gần 100 năm và chế độ quân chủ tồn tại nghìn năm ở nước ta về cơ bản bị sụp đổ hoàn toàn.

Văn Lợi