Có khoảng 1% cặp vợ chồng không có con do người chồng không may không có tinh trùng trong tinh dịch (y học gọi là vô tinh).

Cứ 100 ông chồng bị vô tinh thì có 70 ông là do tinh hoàn không sinh tinh trùng hay sinh tinh rất kém. Ðiều trị vô sinh cho những người kém may mắn này là một thách thức của các bác sĩ nam khoa.

Làm sao để các tế bào sinh tinh trùng của họ hoạt động trở lại, làm sao để có được tinh trùng, dù chỉ vài con, để họ có thể có con nhờ thụ tinh trong ống nghiệm... là trăn trở của những người đã chọn chuyên ngành nam khoa. Sự ra đời của kỹ thuật vi phẫu trích tinh trùng tinh hoàn (microdissection TESE hay microTESE) giúp tìm ra những con tinh trùng ẩn náu sâu bên trong tinh hoàn thật sự là một cuộc cách mạng trong điều trị vô sinh nam giới.

MicroTESE là gì?

Năm 1999, bác sĩ phẫu thuật tiết niệu - nam khoa Schlegel (người Mỹ) đã giới thiệu một kỹ thuật mới để tìm tinh trùng trong tinh hoàn đối với những người tinh hoàn bị hư, không sinh tinh - đó là microTESE. BS. Schelegel nghiên cứu thấy những trường hợp vô tinh do hai tinh hoàn không sinh tinh thì mô tinh hoàn bị hư hại không đồng nhất, chỗ hư nặng (chẳng còn tế bào sinh tinh nào) và chỗ hư nhẹ (vẫn còn tế bào sinh tinh, thậm chí còn tinh trùng). Tuy nhiên, số tinh trùng này quá ít nên tự chết trong tinh hoàn chứ không kịp bơi một chặng dài, kéo dài khoảng 70 ngày, để ra ngoài khi tinh dịch được xuất ra. Nhờ kính hiển vi phẫu thuật phóng đại mô tinh hoàn, bác sĩ phẫu thuật sẽ “bới móc” toàn bộ mô tinh hoàn để tìm những chỗ còn ống sinh tinh có tinh trùng.

{keywords}
Vi phẫu tích mô tinh hoàn (microTESE) tìm những nơi có ống sinh tinh giãn to, trong đó thường có tinh trùng.

Để dễ hình dung, tinh hoàn người vô tinh giống như sa mạc Sahara, toàn cát. Nhiệm vụ của người bác sĩ nam khoa là tìm ra những ốc đảo có nước, có cây xanh bên trong sa mạc mênh mông đó. Nếu cứ cưỡi lạc đà đi vào sa mạc thì khả năng tìm ra ốc đảo là hầu như không có, nhưng với vệ tinh thám sát bên trên, bác sĩ sẽ định vị được các ốc đảo hiếm hoi đó (hình 1).

Sau khi Schelegel công bố kỹ thuật microTESE, các bác sĩ khắp thế giới đã áp dụng cho những bệnh nhân vô tinh và tất cả đều ghi nhận hiệu quả kinh ngạc của kỹ thuật mổ này. Ở Việt Nam thực hiện thành công kỹ thuật này từ năm 2010.

Làm sao để thực hiện kỹ thuật thành công?

Trang thiết bị vi phẫu không phải là yếu tố quan trọng vì hầu như các trung tâm nam khoa, hiếm muộn đều dễ dàng mua sắm các thiết bị không quá đắt tiền này. Yếu tố quyết định là con người. Để microTESE thành công thì bác sĩ phẫu thuật cần có nhiều kinh nghiệm về vi phẫu và phẫu thuật mô tinh hoàn. Và các kỹ thuật viên tìm tinh trùng đều phải là những người siêu hạng trong việc đọc mô tinh hoàn. Bố trí phòng phẫu thuật, sự đồng bộ của êkíp gây mê, êkíp mổ và êkíp đọc mô tinh hoàn là không thể thiếu.

Tinh trùng kiếm được nhờ microTESE sẽ được làm gì?

Tinh trùng này được sử dụng để làm thụ tinh trong ống nghiệm. Nếu người vợ cũng được chích thuốc kích trứng để làm thụ tinh thì người chồng sẽ được mổ microTESE trước 1 ngày hay cùng ngày vợ được hút trứng. Nếu vợ chưa được kích trứng thì tinh trùng được trữ đông. Khi vợ được tiêm thuốc kích trứng thì tinh trùng sẽ được rã đông để làm thụ tinh nhưng quá trình đông - rã đông có thể làm hư hại một vài tinh trùng quý giá này. Tỉ lệ thành công của thụ tinh trong ống nghiệm với các tinh trùng microTESE cũng tương đương tỉ lệ thành công với các trường hợp dùng tinh trùng trong tinh dịch.

MicroTESE cũng có thể được thực hiện lần thứ 2, thứ 3 nếu như lần mổ đầu bác sĩ mổ tìm thấy nhiều tinh trùng. Do đó, nếu tinh trùng trữ đông không đủ để làm thụ tinh thì bác sĩ có thể mổ microTESE lần nữa cho một số trường hợp.

Biến chứng có thể xảy ra

Đau tức tinh hoàn sau mổ và nhiễm trùng vết mổ bìu là hai biến chứng có thể gặp ngay sau mổ microTESE. Về lâu dài, biến chứng teo tinh hoàn, giảm testosteron không xảy ra do microTESE chỉ lấy ra rất ít mô tinh hoàn nên không làm tinh hoàn bị mất nhiều mô, trong đó có các tế bào tiết ra testosteron.

Khả năng tìm thấy tinh trùng bằng microTESE

Khoảng 60-70% trường hợp vô tinh do hai tinh hoàn teo, không sinh tinh sẽ được tìm thấy tinh trùng bằng kỹ thuật microTESE. Đặc biệt, khả năng tìm thấy tinh trùng ở bệnh nhân bị quai bị làm teo hai tinh hoàn là xấp xỉ 100%. Nếu như trước đây, bệnh nhân bị quai bị làm teo tinh hoàn không thể có con thì nay họ có thể có hạnh phúc làm cha mẹ.

Tinh hoàn teo do ẩn cũng có nhiều hy vọng tìm thấy tinh trùng nhờ microTESE, xấp xỉ 90%. Những người bị bệnh di truyền làm teo tinh hoàn như hội chứng Klinefelter 47, XXY có 50-70% khả năng được tìm có tinh trùng. Người bị bệnh mất đoạn nhiễm sắc thể Y AZFc cũng có 50% được tìm có tinh trùng bằng microTESE.

MicroTESE là kỹ thuật trích tinh trùng hiệu quả và an toàn cho những trường hợp vô tinh do hai tinh hoàn teo. Tinh trùng thu được từ microTESE sẽ được dùng làm thụ tinh trong ống nghiệm và cho kết quả có con tương đương với thụ tinh trong ống nghiệm bằng tinh trùng trong tinh dịch. MicroTESE đã mở rộng chân trời điều trị vô sinh, giúp các cặp vợ chồng bị vô tinh có thể có con của chính mình - điều mà trước đây không thể thực hiện được.

Biện pháp cứu cánh cho những cặp đôi hiếm muộn

Biện pháp cứu cánh cho những cặp đôi hiếm muộn

Tính đến thời điểm bắt đầu tư vấn, gần 100 cặp vợ chồng vô sinh, hiếm muộn đăng ký sẽ được tiếp cận với những phương pháp hỗ trợ sinh sản tiên tiến nhất mà Việt Nam chưa thực hiện được.

Mang tiền tỷ sang Tây chữa hiếm muộn, vẫn quay về nhờ bác sỹ “nội”

Mang tiền tỷ sang Tây chữa hiếm muộn, vẫn quay về nhờ bác sỹ “nội”

“Có trường hợp sản phụ 18 lần mang thai mà vẫn không giữ được, mất tiền tỷ sang nhờ bác sỹ ngoại, nhưng cuối cùng vẫn phải về Việt Nam. Những ca hiếm muộn khó khăn nhất, cuối cùng đều tìm đến bác sỹ Cần…” – chị N.T.H kể.

Nhật ký huấn luyện 'tinh binh khỏe' của người đàn ông hiếm muộn

Nhật ký huấn luyện 'tinh binh khỏe' của người đàn ông hiếm muộn

Với phương pháp đơn giản, dễ thực hiện, anh Phú đã tự chữa thành công bệnh tinh trùng yếu và chuẩn bị đón đứa con đầu lòng.

Điều không ngờ dẫn tới vô sinh

Điều không ngờ dẫn tới vô sinh

Ở người trẻ, nguyên nhân vô sinh phần nhiều do thói quen sinh hoạt, lối sống không lành mạnh, nạo hút thai, quan hệ tình dục không bảo vệ.

Theo Sức khoẻ & Đời sống