Người Việt lừa người Việt
Đã 2 tháng kể từ thời điểm được người thân chuộc về từ Campuchia, anh P.Đ.T (SN 1989, trú huyện Đức Thọ, Hà Tĩnh) vẫn chưa hết bàng hoàng nhớ lại: "Tôi cứ nghĩ không còn sống sót để trở về quê, may là người nhà vay mượn 100 triệu đồng để chuộc tôi về. Ở nơi đó chẳng khác nào địa ngục, ám ảnh đến nỗi mỗi lần nhớ lại tôi đều rùng mình, sợ hãi".
Anh T. kể, ngày 26/11/2021, do công việc ở quê thu nhập không ổn định, anh được Nguyễn Tiến Dũng (SN 1998, trú xã Kim Song Trường, Can Lộc, một trong những người bị Công an Hà Tĩnh khởi tố liên quan đến đường dây mua bán người sang Campuchia) giới thiệu sang Campuchia làm việc "đi không mất phí, được bao trọn gói, lại tìm được việc nhẹ lương cao".
Tuy nhiên, khi đến Campuchia, anh được dẫn đến làm việc tại một công ty do người Trung Quốc làm chủ.
“Lúc này có một người Việt phiên dịch nói với tôi rằng, anh đã bị bán sang đây và phải ở lại làm việc...”, anh T. kể lại.
Trái với công việc “tư vấn khách hàng chơi game” như lời đối tượng Dũng môi giới, tại đây anh T. cùng hàng nghìn nạn nhân khác bị ép làm công việc lừa đảo trên các “app” (phần mềm lừa đảo) do người Trung Quốc lập ra.
“7 tháng tôi làm việc nhưng chỉ có tháng đầu tiên tôi được trả 15 triệu tiền lương, còn những tháng khác tôi bị bán đi từ công ty này sang công ty khác, không có đồng lương nào. Nhiều công ty, mình làm không được thì họ nhốt lại, đánh không cho ăn”, anh T. nhớ lại.
Bị bắt làm việc trong môi trường đầy rẫy súng đạn, canh giữ nghiêm ngặt, anh T. sợ hãi, nhiều lần nghĩ cách trốn chạy nhưng không thực hiện được bởi “ngoài cổng lúc nào cũng có khoảng 5 người canh giữ, súng đạn luôn sẵn sàng nên tôi rất sợ. Chứng kiến cảnh có người Việt trong chạy trốn bị rượt đuổi, nhảy từ tầng 15 xuống đất tử vong, tôi càng sợ, càng khao khát được về nhà”, - lời anh T.
Cách đây 2 tháng, anh T. lấy lý do “người thân mất cần về gấp thì họ yêu cầu tôi nộp 5.000 USD nhưng tôi nài nỉ xin nộp 4.000 USD tương đương gần 100 triệu đồng tiền Việt và được chúng đồng ý”.
Sau khi người thân nộp 100 triệu đồng qua tài khoản của nhóm buôn người, T. được thả và bắt xe qua cửa khẩu Mộc Bài.
“Từ Mộc Bài tôi thuê xe chở đến bến xe An Sương (TP.HCM), rồi từ đây về nhà. Về đến nơi, tôi ôm vợ con khóc vì lúc đó mới chắc mình còn sống, còn khoản nợ vay để chuộc, tôi về kiếm việc làm, sẽ trả dần”, anh T. cho hay.
Muôn kiểu lừa đảo tại Campuchia
Sau hơn hai tuần vượt tường rào, thoát khỏi vòng vây của nhóm buôn người, trở về nhà, anh N.Đ.H (SN 1981, trú TP Hà Tĩnh) kể, giáp Tết Nhâm Dần, qua lời giới thiệu của một người quen biết, anh H. vượt biên sang Campuchia để làm công việc “tư vấn khách hàng chơi game”.
"Họ nói thế nhưng thực chất 100% người Việt bị lừa bán sang Campuchia bị ép làm công việc lừa đảo”, anh H. nói.
Vào buổi chiều muộn một ngày giữa tháng 12/2021 (âm lịch), anh H. được “môi giới” móc nối rồi mua vé máy bay miễn phí để vào TP.HCM.
“Tại đây họ đưa tôi cùng nhóm người vào ở chung một khách sạn, đến giữa đêm, họ chở chúng tôi đến sông, đi xuồng máy vượt sông, đi bộ qua bờ đê, rồi đi đường đồng ruộng mất khoảng 6h đồng hồ. Lúc đưa tôi đến công ty, một người Việt phiên dịch nói rằng tôi bị bán 2.500 USD; khi đó mới ngã ngửa là mình bị lừa”, anh H. cho hay.
Theo lời anh H., 7 tháng ở Campuchia, anh bị bán qua 7 công ty, mỗi công ty có một kiểu lừa đảo riêng và đều do người Trung Quốc làm chủ.
“Ở mỗi công ty, tôi phải làm công việc khác nhau nhưng gần như chung mục đích lừa tiền của mọi người, trong đó lừa đảo người Việt mình là chủ yếu. Họ tạo ra các app lừa đảo như các trò game, chứng khoán, Shopee, hẹn hò tình yêu, ngân hàng, CSGT… rồi ép những người Việt bị bán sang tìm mọi cách để lừa tiền của người dân tin tưởng trên mạng.
Ví dụ app tình yêu thì gái giả trai, trai có thể giả gái, nhắn tin hẹn hò, lừa đảo tiền của người tin tưởng. App về Shopee họ cũng tạo ra một Shoppe giống như thật, dẫn dụ người tiêu dùng. Tại app này, họ đăng bán các mặt hàng ảo, giá rẻ hơn so với giá trị thực rồi yêu cầu khách hàng đặt cọc trước để họ gửi hàng. Người dùng tin tưởng sẽ chuyền tiền và bị mất tiền cọc. Tất cả họ điều hành rất bài bản, công phu, có người bị lừa tiền tỷ”, anh H. cho biết.
Vượt tường rào trốn vòng vây của nhóm buôn người
Vỡ mộng với “việc nhẹ lương cao”, lại bị ép lừa đảo người khác, anh H. giả vờ mất trí nhớ để trốn tránh công việc, “tôi bảo mình bị mất trí nhớ, nói trước quên sau nên không thể làm được việc. Vì thế họ đã bán tôi từ công ty này đến công ty khác. Lần thứ 7 bị bán, họ giam lỏng, bắt tôi nhịn đói suốt hai ngày, chờ tìm công ty để bán”, anh H. kể.
Cách đây hơn hai tuần, một người Việt phiên dịch nói lại rằng: “chuẩn bị đưa đến thành phố xa, nên tôi biết mình sắp bị bán thêm lần nữa”.
2h sáng, khi nhóm người đưa anh H. cùng 6 người đi cùng từ khách sạn ra để đưa đến “thành phố xa”, anh H. đảo mắt xung quanh thấy phía trước có một bờ tường cao khoảng 3 mét, để ý sơ hở “tôi dùng hết sức chạy, nhảy qua tường rào hơn 3 mét tiến về phía trước. Thấy tôi chạy, 6 người khác cũng chạy theo, nhưng chỉ có tôi trốn thoát, ngoảnh lại thấy 6 người bị chúng bắt lại, dẫm đạp giữa đường”, anh H. nói.
Sau khi vượt qua tường rào, dò dẫm trèo thêm qua bốn mái nhà khác để ra được đường lớn, anh H. nghĩ mình may mắn hơn những người đồng hương còn lại. Ra đến đường lớn, anh H. thuê xe ôm của người Campuchia và trả tiền phí 5 triệu đồng.
“Do lo sợ nhóm buôn người sẽ tìm tôi ở các ngả đường lớn nên tôi thuê xe ôm đi đường vòng. Vượt qua mấy chục cây số đến cửa khẩu Tho Mo, gần cửa khẩu Mộc Bài. Từ cửa khẩu này tôi thuê xe ô tô chở thẳng về sân bay TP.HCM với giá 1,5 triệu đồng, từ đây tôi mua vé máy bay về nhà”, anh H. cho biết.
Cũng theo anh H., hiện đang có hàng nghìn người Việt bị “giam lỏng” tại các công ty lừa đảo ở Campuchia.
“Hàng nghìn người Việt dính bẫy bên đó, có người thì bị chích điện, đánh đập dã man. Đa số người dân khi trở về không dám ra trình báo công an, mang tâm lý lo lắng, bởi sang đó chính họ cũng bị ép đi lừa đảo”, anh H. chia sẻ thêm.