- “Có lần bọn cướp biển trói ngược tay, chân tất cả thuyền viên, bó lại kéo căng người lên 30- 40 phút khiến không ai còn chút máu nào trên mặt. Lúc cởi trói thì không ai đủ sức đứng dậy nữa”, thuyền viên Hùng nhớ lại.

Sau bao ngày tháng sống trong tay hải tặc Somalia, cuối cùng 12 thuyền viên vỡ òa trong niềm vui hạnh phúc của ngày đoàn tụ cùng gia đình. Tuy nhiên, với những người thân và các thủy thủ, những ngày tháng đó sẽ mãi là ký ức buồn không thể nào quên trong suốt cuộc đời của họ.

"Nhiều lúc tôi đã nghĩ quẩn"

Ngồi bệt trong góc nhà chờ sân bay Nội Bài với vài chiếc bánh mì còn bỏ dở, chị Võ Thị Nhị (46 tuổi), mẹ thuyền viên Lưu Đình Hùng (xã Nghi Tiến, huyện Nghi Lộc, Nghệ An) thẫn thờ nhìn đồng hồ đếm ngược để mong sao đến giờ máy bay hạ cánh để chị gặp lại đứa con trai thân yêu.

Chị Nhị kể, gia đình vốn ở một làng quê nghèo, thấy mọi người đổ xô đi xuất khẩu lao động gửi tiền về nhà nên gia đình chị cũng tính cho Hùng đi xuất ngoại làm ăn.

Sau vài tháng đi làm, Hùng cũng đã gửi chút vốn về để gia đình trả nợ khoản vay ngân hàng lúc đi. Thế rồi đùng một cái chị nhận được tin tàu cá của con trai mình bị hải tạc Somalia bắt giữ.

Niềm vui của người thân và thủy thủ sau bao ngày phải sốngt rong nỗi âu lo dưới tay cướp biển Somalia.
 

Kể từ ngày nghe tin Hùng bị hải tặc bắt, chị Nhị cùng những người trong gia đình gần như suy sụp hoàn toàn. Nhiều lúc chị rối trí nghĩ quẩn rồi lại tự khóc một mình.

12 thuyền viên Việt Nam bị bắt giữ gồm: Trần Văn Toàn (21 tuổi), Lưu Đình Sơn (21 tuổi), Trần Văn Hùng (25 tuổi), Nguyễn Văn Hải (20 tuổi), Trần Huy Bình (25 tuổi), Hồ Xuân Hương (23 tuổi), Lưu Đình Hùng (22 tuổi), Trần Minh Trí (21 tuổi), Nguyễn Thanh Tú (26 tuổi), Vũ Văn Ba (21 tuổi) đều quê ở Nghệ An; Bùi Văn Hóa và Nguyễn Văn Tâm (22 tuổi) quê Hà Tĩnh.

“Cứ nghĩ đến cảnh cướp biển cầm súng dí vào người con mình tui lại thấy rùng mình. Ngày nào gia đình cũng nghe ngóng thông tin từ báo đài nhưng thông tin về  con mình không có hồi âm” - chị Nhị ngậm ngùi nói.

Trong lúc tưởng như tuyệt vọng chị Nhị bất ngờ khi nghe Hùng gọi điện về nhà hai lần trong vòng hai phút thông báo tình hình nơi ăn, chốn ở.

“Nó gọi về nói bị hải tặc giam cầm trên đảo, ăn uống vô cùng kham khổ, bữa có bữa không…Nó còn nói quẩn với vợ chồng tôi: Nếu con có mệnh hệ gì, bố mẹ và mọi người ở nhà cho con xin lỗi, không nên buồn nản quá. Nghe con nói như vậy, lòng tôi đau như cắt…” - chị Nhị buồn tủi nhớ lại.
 
Đang trong nỗi tuyệt vọng thì tối 21/7, chị Nhị nhận được điện thoại của Hùng gọi về thông báo, Hùng và 11 thủy thủ khác đã được giải cứu và sẽ về nước vào ngày 24/7.
 
“Lúc đó nghe con nói gia đình tôi vui quá, ngay ngày hôm sau tôi bắt xe ra Hà Nội chờ đón con. Giờ nó về nước vợ chồng tôi sẽ không cho nó đi đâu nữa ở nhà có cơm ăn cơm, có cháo ăn cháo”, chị Nhị nói.

Bị tra tấn đề vòi tiền chuộc 

Thuyền viên Trần Văn Hùng (SN 1987, quê huyện Nghi Lộc, Nghệ An) nhớ lại, sau khi bị 2 ca nô chở đầy cướp biển lăm le súng ống trên tay khống chế, các thuyền viên đã quay đầu bỏ trốn nhưng… không kịp vì cướp biển ập lên tàu quá nhanh.

Sau khi khống chế mọi người trên tàu, chúng cắt đứt mọi liên lạc và giam các thủy thủ dưới boong tàu.

Những ngày sống trong tay cướp biển sẽ mãi là ký ức buồn đối với người thân của các thủy thủ.

“Có lần bọn cướp biển trói ngược tay, chân tất cả thuyền viên, bó lại kéo căng người lên 30- 40 phút khiến không ai còn chút máu nào trên mặt. Lúc cởi trói thì không ai đủ sức đứng dậy nữa”, thuyền viên Hùng nhớ lại.

Trong suốt những ngày tháng bị cướp biển bắt tất cả 12 thuyền viên phải làm phục dịch, kéo ca nô. Thỉnh thoảng chúng bắt thuyền viên gọi điện báo cho các công ty để yêu cầu sớm nộp tiền chuộc.

“Có lần chúng gọi điện đòi tiền chuộc, chúng chúng đã trói hết chân tay thuyền trưởng vào nhau, kéo căng ra khiến máu không thể lưu thông được. Thuyền trưởng phải đập đầu xuống sàn để máu chảy ra”, thuyền viên Hải nhớ lại.

Lưu Đình Hùng (SN 1990, ở huyện Nghi Lộc, Nghệ An) cho hay, sau 10 tháng trên biển mà không cướp thêm được chiếc tàu nào nữa, chúng lại trở lại vịnh dồn tất cả thuyền viên vào bờ. 

Ở đây là vùng đất của cướp biển nên trẻ con cũng là cướp biển nhí. Những đứa con của cướp biển chỉ khoảng 9- 10 tuổi cũng cầm súng dí vào đầu thuyền viên, bắt làm gì thuyền viên cũng phải làm theo.

“Thuyền viên chúng tôi chỉ được 3- 4 kg gạo một ngày để nấu. Cơm nấu xong lúc nào cũng có màu đất, còn nước ngọt, chúng mang đến thì có mùi của phân dê. Đã thế, uống xong ai cũng bị đi ngoài khiến sức lực cạn kiệt nhanh chóng. Các thuyền viên phải dầm mưa, dầm nắng dưới các khóm cây chứ không có nhà ở nên sinh bệnh, sinh tật. Bệnh phải nặng lắm chúng mới cho uống kháng sinh, còn ốm nhẹ thì mặc kệ” - thuyền viên Hùng nhớ lại.

Thuyền viên Nguyễn Văn Tâm (SN 1990, ở Kỳ Anh, Hà Tĩnh) cũng cho biết: Ba tháng gần nhất trước khi được giải cứu, tất cả bị lùa đến một gốc cây lớn rồi chúng cắm cành cây khoanh vùng. Chúng phân thành các toán đứng canh gác nghiêm ngặt.

Chỉ đến khi máy bay rải tiền chuộc xuống biển, hải tặc mới thả cho thuyền viên đi dọc bãi biển cách khu vực của bọn chúng vài km vì sợ bị tấn công.

Ngay khi xuống sân bay, các thuyền viên nhanh chóng được công ty đưa ra xe về công ty để làm thủ tục về quê.

Nhưng trong ký ức của các thuyền viên những ngày tháng trong tay cướp biển sẽ còn ám ảnh mãi trong suốt cuộc đời của họ.

Trả đầy đủ lương cho lao động

Trao đổi với báo giới tại sân bay Nội Bài chiều 24/7, ông Nguyễn Xuân Tạo, Trưởng phòng Quản lý lao động, Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐTB - XH) cho biết, các thuyền viên về nước trước mắt doanh nghiệp sẽ hỗ trợ cho mỗi lao động một triệu đồng để về quê.

Đánh giá về hành trình giải cứu thuyền viên bị hải tặc bắt cóc, ông Tạo cho biết: “Các cơ quan trong nước và Đài Loan đã phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng có thẩm quyền của sở tại tìm cách xử lý vụ việc, đảm bảo an toàn cho các thuyền viên sớm đưa lao động về nước.

Về vấn đề tiền lương đối với các thuyền viên trong quá trình bị hải tặc bắt giữ trong vòng hơn 18 tháng, ông Tạo khẳng định, Cục Quản lý lao động ngoài nước đã yêu cầu doanh nghiệp và chủ sở hữu lao động phải chi trả đầy đủ tiền lương cho người lao động.


Vũ Điệp