Lời tòa soạn:

Những ngày cuối tháng 4 lịch sử, những người lính trong CLB truyền thống kháng chiến khối vũ trang Biệt động Sài Gòn - Gia Định lại có dịp giao lưu. Những hồi ức một thời hào hùng lại được khơi dậy.

VietNamNet ghi lại hồi ức của người lính biệt động trong thời khắc thiêng liêng của lịch sử dân tộc.   

Bà Vũ Thị Minh Nghĩa (Chính Nghĩa) là cựu chiến sĩ Biệt động Sài Gòn cùng Đội 5 Biệt động tham gia trận tấn công Dinh Độc Lập trong chiến dịch Mậu Thân 1968. Sau trận ấy, bà cùng 6 đồng đội khác bị bắt và đày đi Côn Đảo. Năm 1973, bà được trao trả tại Lộc Ninh, tiếp tục tìm về, tham gia đơn vị A34 tình báo Miền.

Xe tăng của Quân giải phóng tiến vào Sài Gòn ngày 30/4/1975. Ảnh: Tư Liệu

Hòa cùng khí thế chiến thắng từ khắp nơi báo về như thác chảy, trưa 29/4/1975, đoàn A34 tình báo Miền nhập cùng đoàn xe tăng từ Đồng Dù tiến về Hóc Môn. Vượt qua cầu Sáng, lực lượng ta quyết định đánh sập cầu để địch không thể tiếp viện cho Sài Gòn. Bà Nghĩa cùng đoàn xe tăng vượt sông, đóng quân tại chợ Hóc Môn mà không gặp trở ngại gì.

Sáng 30/4 đoàn tiếp tục hành quân tiến về Sài Gòn. Chiếc radio là vật bất ly thân của đoàn quân giải phóng.

“Khoảng 9 giờ sáng 30/4, chúng tôi đi tới Trường huấn luyện Quang Trung, nghe đài phát thanh thông tin tình hình các nơi đã chiến thắng như chẻ tre. Lúc bấy giờ, cảm giác trong người tôi nhẹ nhàng như đi trên mây. Nghĩ để đi đến chiến thắng nhất định có tiếng súng, có đổ máu, nhưng cuối cùng mọi sự đều thuận lợi” - bà Minh Nghĩa hồi tưởng.

Bà Vũ Thị Minh Nghĩa xúc động nhớ lại những ngày tháng lịch sử của đất nước. Ảnh: Sao Mai

Lúc 9 giờ 30 phút, ông Dương Văn Minh, Tổng thống chính quyền Sài Gòn, kêu gọi Quân lực Việt Nam Cộng hòa hạ vũ khí đầu hàng không điều kiện quân Giải phóng Miền Nam Việt Nam. Trong bối cảnh đó, quân Việt Nam Cộng hòa lột đồ lính, tất cả giơ hai tay lên đầu hàng.

“Các anh cứ hạ tay xuống, về nhà bình thường không có gì đâu” - bà Nghĩa kể về tâm thế của quân giải phóng khi trấn an những người ở bên kia chiến tuyến.

Cứ như thế, họ tiến về giải phóng Sài Gòn mà không vấp phải sự phản kháng nào. Không những vậy, đồng bào đứng dọc hai bên đường nô nức chào mừng.

Bà Vũ Thị Minh Nghĩa tại hầm chứa vũ khí của biệt động Sài Gòn. Ảnh: Sao Mai

Ở tuổi 76, bà Nghĩa vẫn nhớ mãi cảm xúc của những ngày tháng đó: “Không khí của hòa bình, không còn chiến tranh không thể diễn tả hết bằng lời. Suốt mấy chục năm chiến tranh triền miên ác liệt, tôi luôn nghĩ nhất định sẽ có ngày giải phóng, nhưng không ngờ cuộc giải phóng êm xuôi đến vậy. Tôi được gặp lại người cậu sau bao năm chia cách, tù đày. Tôi không còn mẹ nhưng khi thấy bóng dáng người thân trong gia đình mới cảm nhận được không khí hòa bình đã hiển hiện chứ không phải lén lút gặp gỡ trong lo sợ như trước đây. Trong niềm vui và hạnh phúc, tâm trí tôi là giữ vững được tinh thần, khí thế của ngày giải phóng và không khí hòa bình mãi mãi đối với dân tộc Việt Nam”.

Hai người “má” luôn đóng chặt cửa trong nhà

Không còn chập chờn lo sợ bị lính xét nhà, không còn nghe tiếng bom pháo ầm ầm, đêm được ngủ một giấc ngon đến sáng là niềm vui sướng và mơ ước thành hiện thực của bà Đặng Thị Thiệp, cựu cán bộ đảm bảo chiến đấu và giao liên của Biệt động Sài Gòn trong ngày 30/4/1975 lịch sử.

Bà Đặng Thị Thiệp luôn sát cánh cùng chồng là nhà tình báo Trần Văn Lai. Ảnh: Sao Mai

Bà Thiệp kể, giải phóng xong, bộ đội ồ ạt vào đóng quân tại Bộ tổng tham mưu địch. 

"Sau bao nhiêu năm cửa đóng then cài, bắt gặp bộ đội ta, tôi mở toang cửa đón họ vào. Lúc đó, quá phấn khởi vui sướng, không còn nghĩ đến cái chết thường trực như trước đây nữa” - bà Thiệp kể lại.

Suốt 8 năm trời kể từ sau chiến dịch Mậu Thân 1968, bà Thiệp nuôi giấu chồng là ông Trần Văn Lai (bí danh Mai Hồng Quế, cài cắm làm nhà thầu khoán Dinh Độc Lập) khi ông bị lộ và bị chính quyền địch truy nã gắt gao. Ông Lai là người đào hầm, giấu vũ khí cho đội 5 Biệt động tấn công Dinh Độc Lập trong chiến dịch Mậu Thân 1968. Gây dựng lại cơ sở không thành khi phần lớn đồng chí, đồng đội đã hy sinh hoặc bị bắt, ông thoát ly ra chiến khu. Bị nhiễm độc nặng, tưởng chết nhưng ông được bà Thiệp chạy chữa, thuốc thang qua khỏi. Ông tìm đường ra Bắc nhưng hai lần bị bắt giam ở Quảng Ngãi. Ông Lai nay đây mai đó, rồi được bà Thiệp che giấu suốt nhiều năm dưới hầm nhà tại đường Võ Di Nguy (nay là đường Nguyễn Kiệm, quận Phú Nhuận).

Bao nhiêu tài sản, nhà cửa của nhà thầu khoán Mai Hồng Quế bị tịch thu hết, bà Thiệp vừa nuôi con, vừa lo buôn bán kiếm sống. Đó cũng là bao nhiêu năm bà sống trong lo sợ, nhiều lần bị địch bố ráp, kiểm tra bất ngờ. Nhờ khả năng cải trang và xử lý các tình huống nhanh trí, nên có lần quân địch đã giương súng lên đạn mà ông Lai thoát nạn.

Bà Đặng Thị Thiệp và bà Vũ Thị Minh Nghĩa - hai người cán bộ, chiến sĩ Biệt động Sài Gòn giao lưu cùng đoàn du khách nước ngoài, trong sự xúc động và ngưỡng mộ của các du khách tại cơ sở hầm chứa vũ khí của gia đình bà Thiệp trước đây. Ảnh: Sao Mai

Dù vậy, bà Thiệp vẫn thay chồng ra chiến khu tiếp tế tiền, vàng, vật dụng của gia đình và của các cơ sở khác đóng góp cho cách mạng gây dựng lại lực lượng.

“Tôi nghĩ cứ sống vậy, nếu có bị bắt thì phải chịu. Mỗi lần ra chiến khu thì đem con đi gửi cho người quen, đóng khóa cửa ngoài nhốt ông ở trong để cho người ta không biết. Cho đến năm 1975, hình truy nã ông Lai vẫn dán đầy ở những con đường tại Sài Gòn” - người nữ cán bộ nay đã 80 tuổi nhớ về những ngày tháng chiến tranh cơ cực.

Suốt 8 năm đó, gia đình ông bà không biết đến cái Tết là gì. Đặc biệt, ông Lai dạy các con kêu mình bằng “má” để không bao giờ có tiếng gọi “ba” trong nhà, để không ai phát hiện trong gia đình có người đàn ông. Dù vậy, ông bà vẫn sắp xếp cho các con đi học đầy đủ. 

Khi miền Nam hoàn toàn giải phóng, ông Lai về công tác tại Đơn vị tiền phương B.12 Bộ Tư lệnh Thành đội Sài Gòn - Gia Định, được giao nhiệm vụ truy quét tàn quân địch, tiếp quản nhà các sĩ quan và lính Việt Nam Cộng hòa bỏ chạy.

Biệt động Sài Gòn trong chiến dịch Hồ Chí Minh 

Cố Đại tá Trần Minh Sơn (Bảy Sơn) - nguyên Tham mưu trưởng biệt động Sài Gòn, nguyên Thành đội phó Thành đội Sài Gòn - Gia Định giai đoạn 1975 - nói về vai trò của biệt động Sài Gòn trong những ngày tháng kết thúc cuộc chiến. Khi ấy ông Mai Chí Thọ là Bí thư Khu ủy Sài Gòn - Gia Định chỉ thị Thành đội thực hiện các nhiệm vụ quan trọng gồm chuẩn bị những người rành thành phố Sài Gòn để dẫn đường cho đại quân, tổ chức các tổ thật giỏi để dẫn lực lượng chủ lực đánh các mục tiêu quan trọng như Biệt khu thủ đô và Tổng nha cảnh sát…; bảo vệ 11 cây cầu lớn dẫn vào thành phố; giải tán các phường tự lập của ngụy quân ngụy quyền.

Cụ thể, ông Bảy Sơn cho thành lập 60 tổ biệt động để chiến đấu, giữ cầu, đảm bảo điện nước, dẫn đường…

Sao Mai