Theo nhiều doanh nghiệp dệt may, do giá thành, mẫu mã, chất lượng các sản phẩm vải, sợi của Việt Nam chưa cao nên nhiều doanh nghiệp may mặc Việt Nam buộc phải nhập khẩu bên ngoài. Điều đó dẫn tới cùng một Hiệp hội nhưng các doanh nghiệp vẫn chưa bắt tay được với nhau thông qua hoạt động cung ứng nguyên phụ liệu.
Chia sẻ về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Hà, Giám đốc Công ty TNHH Dệt Phú Thọ (đơn vị sản xuất sợi) cho biết, chúng tôi luôn hy vọng các đơn vị trong chuỗi dệt may có thể cung cấp được nguyên liệu lẫn cho nhau. Như vậy, các doanh nghiệp đều chủ động được nguồn nguyên liệu trong sản xuất cũng như là cung ứng. Việc này sẽ giảm chi phí cung ứng nguyên liệu.
“Đại dịch xảy ra khiến việc nhập khẩu nguyên liệu cũng như xuất nhẩu gặp rất nhiều khó khăn. Tôi mong các doanh nghiệp trong ngành cố gắng kết nối được với nhau thì sẽ hỗ trợ cho nhau một cách tốt nhất. Trong đó, vai trò của Tập đoàn dệt may Việt Nam và Hiệp hội Dệt may Việt Nam cần được thể hiện mạnh mẽ hơn trong việc kết nối các doanh nghiệp với nhau. Theo tôi được biết, kể cả các doanh nghiệp trong Tập đoàn dệt may thì việc cung cấp nguyên liệu lẫn cho nhau cũng đang rất là khó”, ông Hà nói.
Kỳ vọng doanh nghiệp dệt may bắt tay nhau hình thành chuỗi nội địa |
Đồng tình quan điểm này, ông Thân Đức Việt, Tổng Giám đốc Tổng công ty May 10 cũng cho rằng: “Tôi kêu gọi các doanh nghiệp chúng ta sẽ cố gắng bắt tay với nhau, trở thành 1 cái chuỗi cung ứng hoàn chỉnh để chúng ta còn hưởng những ưu đãi từ các Hiệp định tự do thương mại”.
Ông Việt khẳng định quan điểm, doanh nghiệp trong ngành cần nâng cao liên kết chuỗi và thậm chí phải hy sinh trong một vài năm đầu, thậm chí là 5 năm, để chúng ta thắt chặt quan hệ đi cùng nhau. Tổng công ty May 10 luôn sẵn sàng mua các nguyên phụ liệu trong nước nếu các doanh nghiệp Việt Nam đáp ứng được mẫu mã và đáp ứng được chất lượng. Kể cả giá cao hơn nhập khẩu ở Trung Quốc nhưng trong bài toán tổng, việc mua nguyên phụ liệu trong nước giúp cho sản phẩm của May 10 xuất khẩu sẽ được hưởng ưu đãi thuế trong các FTA như CPTPP, EVFTA, RCEP.
Ủng hộ chủ trương kết nối, ông Nguyễn Ngọc An, Chủ tịch HĐTV Công ty May Đại Hà Thịnh ở Hưng Yên cho biết, các doanh nghiệp dệt may ở đây đã lập CLB hoạt động kết nối rất chuyên nghiệp.
Sản xuất dệt may cần những cú bắt tay nội địa |
Ông An kể: “Với đơn hàng, chung tôi có một quy định. Khi có một đơn hàng, doanh nghiệp đưa lên trên nhóm để các doanh nghiệp khác biết là đơn này đã ký rồi. Nếu đối tác đó có đến chúng tôi, chúng tôi sẽ không nhận nữa. Hoặc quy định khác là, mỗi một đơn hàng có điều kiện đòi hỏi khác nhau, tôi đưa các thông tin của khách hàng lên để xem nhà máy nào đủ điều kiện thì sẽ ưu tiên nhường cho nhà máy đó kí hợp đồng. Hầu như chúng tôi đến với nhau một cách tự nguyện cũng không có khoản phí nào”.
“Mô hình như May 10 đưa ra là khá phù hợp cho thấy, trong việc kết nối, vai trò của doanh nghiệp đầu tầu là rất quan trọng. Các doanh nghiệp dệt may phải bắt tay được với nhau, cung ứng và hình thành được tổ hợp chuỗi cung ứng khép kín thì mới có thể nắm bắt được cơ hội trong các FTA tới đây”, ông Ngô Khải Hoàn, Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp, Bộ Công Thương đánh giá.
Băng Dương