Làng quê dậy sóng
7 giờ sáng 17/2, hai bên đoạn đường gần xã Bình Ba xe ô tô đủ các biển số từ tỉnh BRVT, đến Đồng Nai, Bình Dương, TPHCM, thậm chí là xe từ các tỉnh miền Tây đổ về đậu kín. Từng tốp xe máy của các “cò” đất ngược xuôi bám theo xe ô tô chào mời mua đất. Những quán nước bên đường cũng đông kín người, câu chuyện ở đây hầu như chỉ xoay quanh việc mua đất, trao đổi giá cả. Tiếng điện thoại giới thiệu của “cò” đất vang khắp quán. Ở các bàn nước, những nhóm đã thỏa thuận giá cả nhanh chóng đặt cọc, bên mua, bên bán làm tin với nhau bằng những mẫu giấy đặt cọc do “cò” đã chuẩn bị in sẵn.
Tự đưa vào tình trạng đất tranh chấp, nhưng ông Hùng vẫn ra giá bán hàng chục tỷ đồng. |
Dọc các con đường, các mảnh giấy in các số điện thoại rao bán đất được dán khắp các cột điện thoại. Thậm chí, thông tin bán đất còn được vẽ lên mặt đường. Tình trạng lộn xộn khiến Công an huyện Châu Đức điều xe và các chiến sĩ tuần tra lui tới xử lý các xe đậu lấn chiếm lề đường và tự liên tục phát loa nhắc nhở các phương tiện không đậu đỗ lấn chiếm lòng, lề đường đảm bảo an toàn giao thông.
Khi xe của phóng viên đến khu vực này còn chưa kịp ngừng bánh, một người đàn ông trung niên đã áp sát bên cửa và nhanh chóng hỏi: “Đã có kèo mua đất chưa?”. Người đàn ông xưng tên Hùng nhanh chóng đưa chúng tôi đến mảnh đất cỏ mọc um tùm bên QL56. “Cò” Hùng giới thiệu đất có mặt tiền 70m sâu khoảng 100m bán 500 triệu đồng/1m ngang, tổng giá trị khu đất là 35 tỷ đồng. Chỉ tay qua cánh rừng cao su bên kia đường, Hùng giới thiệu: “Bên đó là dự án 800 ha của tập đoàn V. đầu tư, anh mua đầu tư khu đất của tôi là “trúng” lớn đó. Hôm nay giá này, ngày mai lại có giá khác, mua thì mua nhanh chứ mai mốt muốn cũng không có”.
Khu đất của Hùng giới thiệu có một tấm biển viết chữ nguệch ngoạc “cấm mua bán, đang tranh chấp”, một căn nhà hoang đổ nát trên khu đất này cũng có một tấm bảng cảnh báo như vậy. Tôi thắc mắc về điều này, Hùng giải thích: “Đất này tôi đang tranh chấp với ông chú đang sống bên Mỹ. Ổng giữ giấy tờ, còn tôi giữ đất, canh tác đã mấy chục năm rồi giờ nghe sốt đất họ đang tính bán, nên tôi tranh chấp để đòi quyền lợi. Số điện thoại trên đó là của tôi”. Hùng trấn an người mua: “Tranh chấp vậy thôi, chứ nếu ai mua thì tôi điện cho ông chú về ký giấy tờ bán, chúng tôi sẽ tự giải quyết ổn thỏa”. Thấy chúng tôi không dứt khoát chuyện mua bán, Hùng nhanh chóng lên xe máy, chạy rà đón đầu một xe khác đang chạy đến.
“Cò” Hùng vừa đi, một thanh niên tên Tuấn tiếp cận chúng tôi giới thiệu đang bán đất cho bà chị. Khu đất Tuấn bán có 5 mét mặt tiền QL56. Vừa báo giá khu 450 triệu đồng/m ngang, Tuấn gọi điện, rồi ngay lập tức báo lại với tôi: “Chị tôi vừa báo lại là 480 triệu đồng/mét”. Tuấn kể: “Giá đất ở đây lên liên tục, mỗi ngày mỗi giá, hôm qua em vừa nhận bán miếng đất giá 480 triệu đồng/m. Chưa kịp làm giấy nhận cọc thì người khác đã bán giá 490 triệu đồng/m cho khách khác, may không là phải đền tiền cọc cho người ta”. Tuấn cho biết đang làm Cty ở Vũng Tàu, mấy bữa nay tạm nghỉ đi phụ bán đất cho bà chị.
Đến UBND xã Bình Ba, chuyện “sốt” đất cũng được bàn tán không ngớt. Bà Nguyễn Thị Th. ở ấp Bình Mỹ, xã Bình Ba đến gặp cán bộ xã để hỏi về thủ tục sang nhượng, tách số đất. Bà Th. kể, sống ở đây đã mấy chục năm nhưng chưa bao giờ thấy người dân đổ xô đi mua đất nhiều như mấy ngày nay. Theo bà Th. trước Tết, giá đất mặt tiền quốc lộ ở đây chỉ khoảng từ hơn
100 triệu đồng /mét ngang nhưng không mấy ai mua bán. Nhưng hiện nay đã tăng lên 300 triệu đồng đến 500 triệu đồng. “Có miếng đất trong 5 ngày đã bán qua 3 chủ, mỗi lần bán giá nhảy lên. Có người mua đất giá cao, gia đình tôi thống nhất bán đi một lô 5m ngang để xây lại nhà”- bà Th. cho biết.
Coi chừng ôm nợ
Ông Nguyễn Tấn Bản, Phó Chủ tịch UBND huyện Châu Đức nói với chúng tôi: “Chuyện đông người từ các nơi đến mua bán đất ở địa phương mấy ngày qua là có thật”.
Theo ông Bản vừa qua UBND tỉnh có chấp thuận cho tập đoàn V. khảo sát, nghiên cứu đề xuất phương án đầu tư ở địa bàn huyện Châu Đức 2 khu vực, trong đó khu vực tại xã Bình Ba có quy mô 800 ha.
Trước tình hình giá đất tại xã Bình Ba đang bị đẩy lên cao bất thường, ông Hoàng Nguyên Dinh, Chủ tịch UBND huyện Châu Đức khuyến cáo người dân nên tỉnh táo, không bị tác động bởi hiệu ứng đám đông, tham gia đầu cơ đất đai, có nguy cơ cao bị thiệt hại kinh tế bản thân và gia đình.
Chủ tịch UBND huyện Châu Đức cũng ra văn bản trong đó đã yêu cầu các ban ngành, đoàn thể, chính quyền UBND các xã khuyến cáo người dân, hiện nay Tập đoàn V. mới chỉ được UBND tỉnh đồng ý chủ trương khảo sát, nghiên cứu đề xuất phương án đầu tư tại huyện Châu Đức các thông tin trên mạng internet không phải là thông tin chính thức từ Tập đoàn V.
Đại diện phòng Kinh tế Hạ tầng của UBND huyện Châu Đức, cho hay đến thời điểm này, các văn phòng công chứng, văn phòng đất đai trên địa bàn huyện chưa ghi nhận con số giao dịch mua bán nào được thực hiện, nghĩa là toàn bộ giao dịch này chỉ thực hiện trên “giấy tờ tay” với nhau. “Có thể các đầu nậu đang đầu cơ”- đại diện phòng Kinh tế Hạ tầng huyện này nhìn nhận và khuyên người dân nên bình tĩnh xem xét việc mua bán, tránh bị cuốn vào cơn sốt đất ảo. |
(Theo Tiền phong)