Ông Thanh (51 tuổi, sinh ra ở quận 8, TPHCM) bắt đầu khởi nghiệp nuôi cá cảnh từ cách đây 27 năm. Về sau, quận 8 quy hoạch nên ông chuyển đến nhiều nơi trên địa bàn TPHCM để thuê đất nuôi cá cảnh. Ông nuôi nhiều loại cá cảnh nhưng quy mô không lớn.
Ông Thanh cho biết, cách đây 2 năm, nhận thấy nhu cầu nuôi cá Koi làm cảnh đang phát triển mạnh nên ông thuê 3.000m2 đất ruộng ở Tân Kiên, Bình Chánh để đào ao nuôi. Cái khó trong việc nuôi cá Koi ở ruộng chính là việc cải tạo môi trường nuôi. Ao phải sâu từ 1-1,5 m. Bờ ao phải được làm kỹ để tránh triều cường tràn vào. Đồng thời cần phải xử lý nước trong ao về đúng với môi trường nuôi cá Koi rồi mới thả cá.
Cá Koi con sau 4 tháng là có thể xuất bán. Cá đẹp nuôi càng lâu giá càng cao. Những con cá lớn nặng từ 3-4 kg, dài 60 cm. |
Cá Koi giống được ông Thanh mua từ trại cá Koi ở Bình Qưới, Thanh Đa, TPHCM. Trại cá giống này đã thành công sinh sản cá Koi F1 từ cá chép thuần chủng của Nhật. Cá Koi không phải là cá bản địa, nhưng bản chất cũng gần giống cá chép Việt, nên sau một thời gian cá Koi cũng thích nghi với môi trường tự nhiên.
Nguồn nước sử dụng để nuôi cá Koi được lấy từ nước trồng lúa, nước mưa. Sau đó được kiểm tra và điều chỉnh bằng vi sinh để phù hợp với môi trường sống của cá Koi.
Ông Thanh có 2 ao nuôi cá Koi, mỗi ao có diện tích khoảng 700 m2. Mật độ trung bình một con cá Koi/m2. |
Từ đam mê nuôi cá, ông đã nghiệm ra nhiều điều trong chọn lọc tự nhiên. Khi môi trường thay đổi, có vài con cá bị bệnh nếu dùng thuốc chữa sẽ vô tình gây bệnh cho những con cá khỏe mạnh.
"Nhiều người nuôi cá thường nghĩ rằng, cá bệnh sẽ làm cho nguồn nước bị ô nhiễm, cần phải thay nước mới, làm như vậy sẽ gây sốc môi trường, cá rất dễ chết. Cách tôi thường sử dụng là làm cho môi trường nuôi được cân bằng trở lại bằng vi sinh tự ủ, bằng vôi", ông Thanh chia sẻ.
Theo ông Thanh, hệ thực vật trong môi trường nuôi gồm có cỏ, rau muống mọc bò ra ngoài mặt nước sẽ trở thành "máy lọc nước" để làm sạch nguồn thức ăn dư thừa, phân cá thải ra. Bên cạnh đó, rễ cỏ luồn vào trong đất sẽ hút hết các chất hữu cơ gây hại như sắt, phèn. Cỏ còn giúp chống xói mòn bờ ao gây đục nước và tạo một không gian kín đáo, giúp cá yên tâm, không bị căng thẳng khi bơi lội sát bờ.
Bình vi sinh PSB do ông Thanh tự ủ, có tác dụng làm sạch lượng thức ăn dư thừa còn tồn đọng trong ao. Sau 5-7 ngày, ông Thanh sẽ sử dụng 2 bình 6 lít rải đều trên mặt ao 700 m2 . |
"Con vi sinh này nó hoạt động giống như nhân viên vệ sinh, nó ăn hết những chất hữu cơ dư thừa trong nước, đồng thời nhả ra chất khí có lợi cho môi trường sống của cá", ông Thanh nói.
Trên mặt ao cũng có hệ thực vật để tăng cường sự trao đổi chất trong nước. Đây cũng là điều kiện rất tốt cho sự phát triển của cá. Nguồn thức ăn cho cá Koi cũng khá đa dạng, có thể sử dụng đạm từ động vật, các loại tinh bột, rau củ quả.
Ông Thanh cho biết, con cá đẹp là cá không bị khiếm khuyết đuôi, vây, tay bơi, râu, nắp mang, mỏ miệng, mắt... Độ thon, dày của lưng, chiều ngang phải cân đối.
Có 3 loại cá Koi thường thấy, cá Koi Nhật Bản là loại thuần chủng được nhập trực tiếp từ Nhật Bản về Việt Nam, đây là loại có giá thành cao nhất.
Cá Koi F1 là loại của ông Thanh đang nuôi, giống từ 70-80% so với cá thuần chủng. Chúng được lai từ bố mẹ đều là cá chép Nhật thuần, nhưng nuôi tại Việt Nam. Giá thành cũng tương đối cao nhưng vẫn rẻ hơn so với Koi thuần chủng. Tùy theo độ tuổi, giá cá Koi F1 tại TPHCM dao động từ 350.000-500.000 đồng/kg. Riêng cá Koi con của F1 (cá Koi Việt Nam) có giá từ 200.000-300.000 đồng/kg.
Cá Koi là một loại cá chép (Cyprinus carpio) thông thường đã thuần hóa, lai tạo để nuôi làm cảnh, cá được nuôi phổ biến tại Nhật Bản, có quan hệ họ hàng gần với cá vàng. Cá chép Koi và các mảng màu trên cá được người Nhật coi là điềm may mắn, được xem là quốc ngư Nhật Bản. Do cá Koi của Nhật thuộc loại xuất sắc, nổi tiếng nên chúng rất đắt giá. Tại nhiều phiên đấu giá ở Nhật, giá trị một con cá Koi có thể lên đến 2 triệu đô. |
(Theo Dân Trí)
Cá chép thân dài 1m, vảy ánh kim giá 200 triệu đồng
Chú cá được rao bán với giá lên tới 200 triệu đồng khiến dân tình xôn xao.