Nguyễn Tấn Minh Nhựt (hay còn có nickname Nhựt Nguyễn, SN 1991) vốn rất hứng thú tìm hiểu về thế giới các loài vật, nhất là sinh vật có kích thước nhỏ. Tháng 8/2019, Minh Nhựt tìm được một tổ kiến trong gốc cây rồi mang về, cho vào bể thủy sinh để chúng tự sinh sản.
Một lần khác, chàng trai trẻ vô tình phát hiện thấy tổ kiến có rất nhiều trứng và con non. Anh không nỡ giết mà bỏ đi thì không biết bỏ đâu nên đành giữ lại. 9X lên mạng tìm hiểu cách giữ kiến và bất ngờ khi biết có hẳn một cộng đồng nuôi kiến cảnh trên thế giới và Việt Nam.
Từ đó, chàng trai trẻ thấy thích thú và bắt đầu nghiên cứu, mày mò theo đuổi thú chơi mới mẻ này.
Hiện anh đang nuôi 5 loài kiến gồm: kiến YCA, kiến họ Camponotus, Camponotus Irritant (một số vùng gọi là kiến thợ mộc), kiến họ Odontomachus (Trap Jaw ant hay có vùng gọi là kiến nẻ) và kiến Carebara Diversa.
Riêng loài kiến Pseudoneoponera rufipes được người nuôi kiến ưa chuộng vì có kích thước lớn và vẻ ngoài "hầm hố" với hai chiếc càng to. Tuy nhiên, loại kiến này di chuyển khá chậm chạp. Chúng sở hữu đôi mắt rất tinh nhưng không thích ánh sáng nên Minh Nhựt phải dùng một tấm màn đen che tổ lại để kiến không bị stress. Bởi nếu stress, kiến sẽ ăn trứng.
"Mình chủ yếu nuôi kiến thợ mộc. Loại này tuy dễ nuôi nhưng cũng gặp nhiều thất bại. Có nhiều nguyên nhân nhưng đa phần là do bị các loài kiến nhà vào giết sạch kiến nuôi. Lúc đó, mình nhận ra tầm quan trọng của một tank kiến (tạm hiểu là chuồng nuôi kiến) chất lượng nên quyết tâm tự mày mò làm tank", Minh Nhựt nói.
Ngoài ra chuồng còn có hai hộc nhỏ bên hông: hộc ở trên chứa thức ăn, còn hộc phía dưới là nơi kiến gom rác, thức ăn thừa để làm sạch tổ. Một chiếc chuồng nuôi kiến chuẩn phải đảm bảo kín, khít để tránh tình trạng kiến xổng ra ngoài hoặc các loài kiến ngoài tự nhiên xâm nhập vào phá đàn kiến nuôi.
Một số loài kiến có tập tính thích đào bới, nếu cho vật liệu tự nhiên như đất đá vào chuồng thì chúng sẽ đào. Nếu thấy môi trường thích hợp, kiến sẽ chui xuống đất và làm tổ bên dưới. Điều này khiến người chơi kiến không thể kiểm soát hoạt động của chúng cũng như làm mất giá trị thẩm mỹ của thú vui này.
Minh Nhựt cho hay, nuôi kiến cảnh khá nhàn, ít tốn thời gian, không gian và chi phí. Anh chỉ cần bố trí một tháp nước và đường (dụng cụ cho kiến ăn tiện lợi và sạch sẽ nhất), thay một tuần/lần. Để bổ sung protein giúp kiến chúa sinh sản tốt, anh cho chúng ăn thêm mật ong và côn trùng.
Với loài kiến ăn thịt, anh cho ăn hai ngày/lần. Vì kiến có kích thước nhỏ nên lượng thức ăn phải cho rất ít. Mỗi tháng, 9X chỉ tốn khoảng 20.000 đồng tiền mua thức ăn cho kiến.
Bên cạnh đó, 9X còn giúp kiến đổ rác đều đặn vài ngày một lần để chuồng nuôi đảm bảo sạch sẽ vì kiến có tập tính hay gom rác về một chỗ, không bỏ lung tung.
Kiến sinh sản vào mùa mưa. Lúc này, kiến chúa và kiến đực sẽ bay ra ngoài để giao phối. Sau đó, chúng tìm nơi thích hợp làm tổ. Minh Nhựt "canh" thời điểm phù hợp để bắt những con kiến chúa như thế về gây dựng đàn. "Với người mới nuôi nên gây đàn như vậy, vì chưa có kinh nghiệm mà tự bắt đàn ngoài tự nhiên sẽ dễ hại đàn tự nhiên", 9X cho hay.
Thời điểm Minh Nhựt bắt đầu nuôi kiến làm thú cưng, người thân khó tính thì bảo "chuyện vớ vẩn", bạn bè thì lắc đầu cười trừ hoặc đùa anh là có vấn đề thần kinh.
"Cũng may nó chỉ là đam mê, thú chơi để thư giãn đầu óc, không ảnh hưởng đến cuộc sống và công việc của mình nên không gặp phải phản đối gay gắt", anh chia sẻ.
"Ống dưỡng Queen" có ba bộ phận, phần hộp hình vuông là nơi đựng thức ăn cho kiến vì một số loài trong suốt quá trình kiến chúa đẻ trứng không đi kiếm thức ăn. Phần ống ở giữa màu hồng là nơi kiến chúa trú ngụ, đẻ trứng. Tùy từng loại, khi kiến chúa đẻ được khoảng vài chục con, 9X sẽ cho ra tank. Phần đầu màu trắng, có một ống nhỏ bên trên dùng để châm nước, tạo độ ẩm.
9X hiện sở hữu một cửa hàng thủy sinh nhỏ nên hi vọng mô hình nuôi kiến phát triển được như một phần của thủy sinh và cá cảnh.
Ngoài kiểu chuồng nuôi có các mặt đều được gắn nam châm, anh còn đang phát triển loại tank có thể ghép nối, thông nhau bằng một lỗ nhỏ. Kiến sẽ chui qua đó và mở rộng nơi ở mà không cần thay chuồng nuôi lớn hơn.
Theo Dân Trí
Người trẻ Sài thành nuôi rồng trong góc nhà giá trăm triệu
Nuôi, huấn luyện rồng Nam Mỹ làm thú cưng đang trở thành thú vui thu hút giới trẻ. Nhiều người sẵn sàng bỏ hàng trăm triệu đồng chỉ để sở hữu loài bò sát thích ăn chay này.