Trải qua bao sự đổi thay, nghề thủ công truyền thống này đã dần bị mai một theo thời gian. Đến nay, làng này chỉ còn duy nhất một ông lão níu giữ nghề xưa. Và, nghề truyền thống này tưởng chừng bị mai một thì bất ngờ “sống lại” nhờ du lịch phát triển…

Đến Phương Lang, hỏi ông Trường làm nghề đóng cối xay lúa, ai cũng biết. Ông Nguyễn Trường năm nay đã bước sang tuổi 83, song vẫn còn hoạt bát và nhanh nhẹn. Ông kể, năm 10 tuổi, ông đã học nghề đóng cối xay này từ ông nội và bố của mình. Tuy nhiên, chiến tranh kéo dài, nghề đóng cối xay tre buộc phải khép lại. 

{keywords}
Ông Trường đóng cối xay tre theo đơn đặt hàng của khách.

Đến sau ngày đất nước giải phóng, ông và bà con làm nghề đóng cối xay lúa này ở đây mới có điều kiện nối lại nghề để mưu sinh. “Hồi đó, do chưa có máy xay xát lúa bằng điện như bây giờ, nên nhà nào cũng có nhu cầu mua sắm cối xay tre, nghề do đó rất thịnh hành”, ông Trường trầm ngâm nói.

Ông Trường vẫn còn nhớ như in, cứ mỗi buổi sớm sau bữa ăn sáng, ông gánh thùng đồ nghề đi đến các làng quê trong huyện và tỉnh, thậm chí không ít lần bắt xe đò ra tới Quảng Bình để đóng cối xay lúa cho khách. Việc làm hoàn chỉnh một chiếc cối xay lúa mất ít nhất 3 ngày. 

Hai ngày đầu, người thợ chuẩn bị đầy đủ các vật tư, vật liệu như tre, gỗ, đất sét và muối ăn. Sau khi chẻ xong phần tre, thì đến phần gỗ, rồi nhào đất và đóng cối. Tuy nhiên, để làm được một chiếc cối xay lúa ưng ý, xay lúa không bị dập nát đòi hỏi người thợ phải thật khéo tay. 

Ông cho biết, đó là kinh nghiệm từ khâu chọn tre, sao cho tre đủ già để tránh mối mọt, gỗ cũng phải là gỗ tốt và tất cả phải được chẻ thật mỏng và đều. Đặc biệt, phần gỗ sau khi đã đóng hoàn thành, chúng phải đều nhau để không khiến hạt lúa bị nát.

Nhưng rồi nhu cầu người dùng cối xay lúa bằng tre bắt đầu thưa dần, khi đã có máy xát lúa bằng điện thay thế. Cũng từ đó, nhiều người làm nghề này ở làng Phương Lang bắt đầu bỏ nghề dần. 

Đến cách đây 20 năm thì làng này còn duy nhất chỉ ông Trường đeo bám, giữ nghề đóng cối xay. Ông bảo, thời gian đó, không có khách, ông cũng đem tre, gỗ ra chẻ, rồi hì hục đóng cối cho đỡ nhớ nghề. Những tưởng ông cũng sẽ phải bỏ nghề như bao người khác ở làng này, nhưng rồi đến khoảng năm 2008 đến nay, có nhiều người làm du lịch, quán café, bảo tàng đã tìm đến ông đặt đóng cối xay tre. 

Hiện tại, mỗi chiếc cối xay lúa làm ra ông bán với giá 2 triệu đồng. Ông rất vui, nhưng không phải vì kiếm được nhiều tiền, mà vì nhờ còn có nhiều người quan tâm đến chiếc cối xay tre một thời gắn liền với đời sống con người, đã giúp ông duy trì và làm sống lại nghề này.

Ông Lê Đức Thọ, Phó Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di tích và Danh thắng tỉnh Quảng Trị chia sẻ, mỗi khi nhìn thấy chiếc cối xay tre, chúng ta dễ hình dung được cuộc sống của lớp ông cha thuở trước. Đó là cuộc sống gắn liền với nền nông nghiệp lúa nước quê mình, với biết bao kỷ niệm thân thương của đồng đất, rơm rạ không thể nào quên!

(Theo Báo CAND)