So với các tỉnh đồng bằng, công cuộc chuyển đổi số ở các tỉnh miền núi gặp khó khăn gấp bội khi hạ tầng kỹ thuật còn yếu kém, nguồn lực đầu tư ít, trình độ dân trí còn thấp. Tuy nhiên, chuyển đổi số chính là phương thức để giúp rút ngắn khoảng cách phát triển giữa miền xuôi và miền ngược nhanh nhất.

Bởi vậy, Lai Châu rất chú trọng thực hiện nhiều giải pháp để đẩy mạnh chuyển đổi số, đáp ứng yêu cầu phát triển hiện tại và tương lai.

W-Laichau.png

Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh đã xác định trong Nghị quyết số 09-NQ/TU ngày 25/2/2022 về Chương trình Chuyển đổi số Lai Châu giai đoạn 2021 -2025, định hướng đến năm 2030 là nhiệm vụ đột phá, quan trọng, vừa cấp bách, vừa lâu dài, gắn chặt với quá trình phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, góp phần thúc đẩy sự phát triển của tỉnh theo hướng nhanh và bền vững. Đây chính là chủ trương quan trọng để xác định thực hiện Chuyển đổi số không phải của riêng ai, mà là của cả hệ thống chính trị. Trên cơ sở Nghị quyết các Đề án, Kế hoạch về Chuyển đổi số trong các ngành, lĩnh vực được ban hành, định hướng công cuộc Chuyển đổi số đi đúng định hướng của Đảng và Nhà nước.

Về hạ tầng số: Hạ tầng mạng truyền dẫn băng thông rộng cáp quang được các doanh nghiệp đặc biệt quan tâm và đầu tư. Đến nay, toàn tỉnh có 14.433 km cáp quang đã đáp ứng được cơ bản nhu cầu sử dụng của nhân dân và chính quyền địa phương. Hạ tầng mạng thông tin di động trên địa bàn tỉnh được các doanh nghiệp chú trọng xây dựng, phát triển và thực hiện phủ sóng (2G/3G/4G) đến 100% các xã/phường/thị trấn, 97% thôn/bản/tổ dân phố.

Đến nay, toàn tỉnh có tổng số thuê bao điện thoại hiện tại đạt 405.320 thuê bao, thuê bao Internet đạt 49.345 bao gồm hình thức ASDL, xDSL và FTTH; ngoài ra còn có Internet thông qua thiết bị 3G, 4G. Tổng số thiết bị trạm thu phát sóng thông tin di động BTS trên địa bàn tỉnh là 1.989 thiết bị.

Về dữ liệu số: Trên địa bàn tỉnh đã có 18 cơ sở dữ liệu của các sở, ban, ngành và địa phương; Tỷ lệ các ứng dụng có dữ liệu dùng chung được kết nối, sử dụng qua Nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu cấp tỉnh (LGSP): 53,8%; Tỷ lệ số dịch vụ dữ liệu có trên Nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia (NDXP) được đưa vào sử dụng chính thức tại Tỉnh: 53,33%.

Về nền tảng số: Nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu cấp tỉnh (LGSP đã hoàn thiện và được đưa vào vận hành chính thức, đảm bảo liên thông hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu của tỉnh với cơ sở dữ liệu của bộ, ngành. Ngoài ra, tỉnh còn tập trung thúc đẩy 10 nền tảng số phục vụ chính quyền, 03 nền tảng số phục vụ doanh nghiệp và 06 nền tảng số phục vụ người dân được phê duyệt tập trung thúc đẩy sử dụng như: Nền tảng hóa đơn điện tử, Nền tảng thanh toán điện tử, Nền tảng bản đồ số, Sàn thương mại điện tử voso.vn, Sàn thương mại điện tử postmart.vn...

Về Kinh tế số: Năm 2022, kinh tế số chiếm 8,569% tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh. Doanh thu năm 2022 của dịch vụ viễn thông, công nghệ thông tin là gần 400 tỷ đồng. Số lượng người từ 15 tuổi trở lên có tài khoản giao dịch tại ngân hàng đạt 84,22%.100% doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh thực hiện giao dịch điện tử trong các hoạt động về tài chính.

Về Xã hội số: Tỷ lệ thuê bao điện thoại di động sử dụng điện thoại thông minh đạt 72,9%. Tỷ lệ hộ gia đình được phủ mạng Internet băng thông rộng, cáp quang đạt 41,5%. Tỷ lệ dân số trưởng thành có điện thoại thông minh đạt 59,72%.

Đoàn Bổng và nhóm PV