Lai Châu hiện có 20 dân tộc sinh sống, với dân số khoảng trên 484.000 người, trong đó trên 84% là người DTTS; riêng dân tộc Mông chiếm trên 24%.
Tính đến nay, Lai Châu có hơn 57 nghìn người theo Phật giáo, Công giáo, Tin lành và Cơ đốc Phục lâm. Hiểu rõ được tầm quan trọng và vai trò của tôn giáo trong việc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, ngoài các chương trình, đề án quan trọng để cải thiện đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào các tôn giáo.
Thời gian qua, Tỉnh uỷ, Uỷ ban nhân dân tỉnh Lai Châu đã ban hành nhiều văn bản lãnh đạo, chỉ đạo, hướng dân nhằm cụ thể hoá chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo nổi bật như Đề án số 07-ĐA/TU ngày 30/6/2022 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về “Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tôn giáo trên địa bàn tỉnh Lai Châu giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030”. Nhằm nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên và Nhân dân về tín ngưỡng tôn giáo, công tác thông tin, tuyên truyền được cấp uỷ, chính quyền các cấp đẩy mạnh với nhiều hình thức phong phú và có hiệu quả.
Thực hiện chính sách dân tộc, tôn giáo của Đảng, Nhà nước, tỉnh đã chủ động hướng dẫn, đưa các hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo đi vào nề nếp, ổn định, tuân thủ pháp luật; tập trung giải quyết các kiến nghị, nhu cầu chính đáng của tổ chức, cá nhân tôn giáo; vận động đồng bào người Mông từ bỏ tà đạo, trở về chăm lo phát triển với cuộc sống, với chính đạo và sinh hoạt theo điểm nhóm được pháp luật cho phép.
Các cơ quan báo chí, các ấn phẩm mang tính báo chí xây dựng tuyến tin, bài lồng ghép tuyên truyền về việc giữ gìn bản sắc văn hóa, phong tục, tập quán truyền thống tốt đẹp của dân tộc, không nghe, không tin, không theo các đạo lạ trên báo thường kỳ, báo giành cho đồng bào các dân tộc vùng cao, báo điện tử. Lựa chọn nội dung, biên dịch và phát trên sóng phát thanh - truyền hình 4 tiếng dân tộc (Thái, Mông, Dao, Hà Nhì),… 5 năm qua, Báo Lai Châu xây dựng hơn 2.000 tin, bài, video; Đài Phát thành - Truyền hình tỉnh đã xây dựng hơn 500 chuyên đề, gần 1500 tin, bài về công tác tôn giáo, dân tộc. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch chỉ đạo, hướng dẫn các đơn vị trực thuộc, phòng văn hóa - thông tin các huyện, thành phố tuyên truyền lồng ghép trong các hoạt động thông tin lưu động, chiếu bóng vùng cao, tuyên truyền trực quan, biểu diễn văn hóa văn nghệ, các hoạt động thể thao; xây dựng nếp sống văn hóa mới...
Nhờ vậy, đến tháng 4/2024, Lai Châu đã xóa bỏ hoàn toàn hoạt động của 3 tà đạo (“Bà cô Dợ”, “Giê sùa” và “Ân điển cứu rỗi" với các “giáo lý”, “giáo luật” chủ yếu được chắp vá, cải biên, xuyên tạc); 100%” số người tin theo đều là người dân tộc Mông; 100% người dân nhận ra việc tin, sinh hoạt theo các tổ chức trên là trái quy định pháp luật và ký cam kết từ bỏ tà đạo, chấp hành quy định của pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo.
Qua công tác nắm tình hình cho thấy, đa số những người đã từ bỏ tà đạo vẫn còn nhu cầu tín ngưỡng, tôn giáo, có nguyện vọng quay trở về sinh hoạt tại điểm nhóm Tin lành cũ, tuy nhiên, họ có tâm lý tự ti, e ngại, sợ tín đồ trong điểm nhóm kì thị, xa lánh... Do đó, cấp ủy, chính quyền địa phương và các lực lượng chức năng đã quan tâm, vận động các điểm nhóm Tin lành được chính quyền cho phép và quần chúng nhân dân tạo điều kiện, giúp đỡ họ để họ sớm tái hòa nhập với cộng đồng, không kì thị, xa lánh; đồng thời, hướng dẫn để họ tham gia sinh hoạt tôn giáo đúng quy định của pháp luật.
Tin tưởng vào đường lối, chính sách của Đảng, Trưởng các điểm nhóm tôn giáo đều phát huy vai trò, tích cực vận động tín đồ và tạo điều kiện, tổ chức đón nhận các trường hợp từ bỏ tà đạo quay trở lại sinh hoạt; xóa bỏ khoảng cách, tâm lý tự ti, mặc cảm và tạo điều kiện để họ thực hiện quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo theo đúng quy định của pháp luật Việt Nam. Đến thời điểm hiện tại, đã có hơn 1.100 người (chiếm 85%) quay trở lại tin và quay lại sinh hoạt tại các điểm nhóm tôn giáo đạo Tin lành, còn lại một số ít tìm hiểu, theo Giáo hội Cơ đốc phục lâm hoặc quay trở về phong tục tập quán truyền thống của dân tộc.