Thông tin từ Phòng NN&PTNT huyện Sìn Hồ (Lai Châu), toàn huyện hiện có 69.054 con gia súc (riêng lợn có tới 40.045 con). Từ đầu năm đến nay, có 63 con gia súc (chủ yếu là trâu, bò, dê) bị chết do dịch bệnh.

Một số xã như Pa Tần, Ma Quai, Phìn Hồ, Hồng Thu, Phăng Sô Lin và thị trấn Sìn Hồ xuất hiện các ổ dịch gia súc nguy hiểm. Cấp ủy, chính quyền huyện đã kịp thời chỉ đạo các phòng chuyên môn phối hợp với hộ chăn nuôi tăng cường kiểm tra, rà soát và nghiêm túc thực hiện các biện pháp phòng dịch, dập dịch an toàn; bảo vệ, duy trì tốc độ tăng trưởng đàn gia súc trên 3,9%.

{keywords}
Huyện Sìn Hồ bảo vệ gia súc trước dịch bệnh. 

Khó khăn lớn nhất ở huyện Sìn Hồ trong công tác phòng chống dịch bệnh cho đàn gia súc là chăn nuôi nhỏ lẻ, nhiều hộ chưa thực hiện nghiêm túc các biện pháp phòng chống dịch bệnh. Nhất là các hộ đồng bào dân tộc thiểu số vẫn giữ phương thức chăn nuôi thả rông, gây khó khăn trong công tác tiêm phòng.

Tuy nhiên, với sự nỗ lực, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện phối hợp với các xã, thị trấn đã tiêm phòng được hơn 80.000 liều vắc xin cho đàn vật nuôi, đạt tỷ lệ 95% tổng đàn vật nuôi. Đồng thời, sử dụng 3.292 lít hóa chất phun tiêu độc khử trùng đảm bảo vệ sinh môi trường, giúp ngăn chặn kịp thời, không để dịch bệnh lây lan trên địa bàn.

Thời gian tới, Trạm Thú y huyện tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn người dân tiêm vắc xin phòng, chống dịch cho gia súc. Tăng cường kiểm tra, kiểm soát, nhất là những vùng có nguy cơ dịch bùng phát. Đồng thời, không ngừng củng cố mạng lưới thú y cơ sở, chuẩn bị đầy đủ thuốc đảm bảo cho công tác phòng chống dịch bệnh. Tập huấn nâng cao chất lượng mạng lưới thú y tại các xã, bản; chuẩn bị đầy đủ thuốc phục vụ phòng, chống dịch bệnh.

Theo thống kê, từ đầu năm 2021 Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện đã tổ chức thành công 5 đợt tập huấn, hướng dẫn người dân tại các xã cách trị bệnh tụ huyết trùng, lở mồm long móng, viêm da nổi cục, bệnh tai xanh... cho vật nuôi. Chủ động phát hiện, xử lý kịp thời ngay tại cơ sở, tránh để bùng phát dịch bệnh trên diện rộng. Kiểm soát chặt việc giết mổ gia súc, từ đó, góp phần ổn định đàn vật nuôi trên địa bàn.

Đối với các loại bệnh theo mùa như lở mồm long móng, tụ huyết trùng, tai xanh... việc phòng dịch diễn ra ngay tại chỗ. Các hộ chăn nuôi chủ động tiêu độc, khử trùng và vệ sinh cơ giới môi trường, tiêm phòng dịch, phun thuốc sát trùng đầy đủ, sử dụng vôi bột để khử khuẩn khu vực nuôi và nhập nguồn giống đã qua kiểm dịch theo quy định.

Trước diễn biến của các loại dịch bệnh xuất hiện tại địa phương, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện chủ động triển khai các biện pháp nghiệp vụ, kịp thời khoanh vùng hạn chế tốc độ lây lan của dịch bệnh.

Để chăn nuôi tại địa phương phát triển an toàn, UBND huyện chỉ đạo Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp phối hợp với các phòng chuyên môn, xã, bản chú trọng chăm sóc đàn vật nuôi, kiểm tra việc tái đàn bảo đảm đúng hướng dẫn.

Song song đó, tiếp tục triển khai quyết  liệt, đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp phòng, chống dịch, tránh tình trạng chủ quan, lơ là để dịch bệnh tái phát, lây lan diện rộng. Đối với các hộ vi phạm về quy định phòng dịch như giấu dịch, giết mổ lợn, trâu, bò mắc bệnh, nhập đàn không khai báo, chính quyền địa phương sẽ xử lý hành chính và tiêu hủy đàn vật nuôi.

Đẩy mạnh triển khai việc nuôi tái đàn, tăng đàn lợn đảm bảo an toàn sinh học. Tổ chức thông tin, tuyên truyền sâu rộng bằng nhiều hình thức, nhất là qua hệ thống truyền thanh cơ sở về các biện pháp chăn nuôi, tái đàn lợn, tăng đàn lợn an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh, để người chăn nuôi chủ động thực hiện.

Bên cạnh sự nỗ lực của các cấp, các ngành, việc duy trì và phát triển đàn gia súc của địa phương đến cuối năm còn nhiều thách thức cũng cần đến ý thức của người dân trong kiểm soát dịch bệnh.

Thu Hằng