Lai Châu là tỉnh có nhiều tiềm năng lợi thế để đầu tư phát triển sản xuất nông – lâm nghiệp, đặc biệt là khí hậu, đất đai, thổ nhưỡng cũng như mặt hồ các công trình thủy điện trên địa bàn.
Đây là thế mạnh để các tổ chức, cá nhân, đặc biệt là các doanh nghiệp, hợp tác xã của tỉnh, nên cần phát huy thế mạnh để đầu tư cho sản xuất nông – lâm nghiệp.
Năm 2020, tỉnh Lai Châu đã ban hành và triển khai nhiều chính sách để phát triển nông nghiệp như: Chính sách chuyển đổi đất sang trồng cây cao su; chính sách phát triển vùng chè chất lượng cao; chính sách phát triển trồng quế, sơn tra, cây ăn quả và hỗ trợ phát triển chăn nuôi với tổng vốn gần 400 tỷ đồng…
Ngoài ra, còn có các chương trình như hỗ trợ phát triển hạ tầng thiết yếu các khu sản xuất hàng hóa tập trung bình quân đạt 33,7 tỷ đồng/năm; hỗ trợ Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo trên 413 tỷ đồng/năm.
Mô hình trồng Giổi xen chè, hạt Mắc ca xen chè tại xã Phúc Khoa; Mô hình chăn nuôi gia súc tập trung. Mô hình trồng chanh leo tại Thị trấn Tân Uyên; Mô hình trồng chuối, nuôi ong tại xã Pắc Ta và Hố Mít huyện Tân Uyên (Lai Châu).
Đồng bào dân tộc thiểu số ở Lai Châu tham gia sự kiện phát triển kinh tế của tỉnh. |
5 năm qua, Lai Châu đạt được nhiều kết quả toàn diện trên các lĩnh vực. Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân ước đạt 11,5%/năm; GRDP bình quân đầu người 43,7 triệu đồng, tăng hơn 2 lần so với năm 2015.
Giá trị tổng sản phẩm toàn ngành công nghiệp trong 5 năm ước đạt hơn 18.000 tỷ đồng; kim ngạch xuất, nhập khẩu ước đạt 208 triệu USD. Về dịch vụ, du lịch thu hút trên 1,4 triệu lượt người, với doanh thu ước đạt trên 1.930 tỷ đồng. Đến năm 2020, huyện Tân Uyên và 38/94 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Tỉnh ước có 37.300 hộ thoát nghèo, thoát cận nghèo; tỷ lệ hộ nghèo giảm trung bình 4,78%/năm…
Giai đoạn 2021 - 2025, tỉnh Lai Châu tiếp tục tập trung đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực, khai thác tiềm năng, lợi thế của tỉnh; xây dựng Lai Châu phát triển nhanh và bền vững.
Đến năm 2025, Lai Châu phấn đấu tốc độ tăng trưởng GRDP đạt 9 - 10%/năm; GRDP bình quân đầu người đạt 65 triệu đồng; thu ngân sách trên địa bàn đạt 3.000 tỷ đồng. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu tăng trung bình 11,5%/năm.
Về xây dựng nông thôn mới, tỉnh phấn đấu trên 57,5% xã đạt chuẩn nông thôn mới, không còn xã dưới 15 tiêu chí, có thêm 2 huyện Tam Đường, Than Uyên đạt huyện nông thôn mới; tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân 3%/năm, riêng các huyện nghèo giảm 4%/năm; giải quyết việc làm cho 8.500 lao động/năm...
Đồi chè ở Tân Uyên (Lai Châu). |
Năm 2021, tỉnh tiếp tục ban hành các Nghị quyết về chính sách phát triển nông - lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 – 2025.
Nghị quyết số 07/2021/NQ-HĐND quy định về chính sách phát triển nông nghiệp hàng hóa tập trung giai đoạn 2021-2025, bao gồm các hoạt động sản xuất, sơ chế, chế biến, bảo quản, tiêu thụ sản phẩm; ứng dụng khoa học công nghệ và áp dụng các tiêu chuẩn, quy chuẩn về an toàn thực phẩm; phát triển các sản phẩm OCOP.
Đối tượng áp dụng là các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, nhóm hộ, hộ gia đình, cá nhân; các cơ quan, đơn vị tổ chức triển khai thực hiện chính sách quy định tại Nghị quyết này.
Đặc biệt, Nghị quyết hỗ trợ sản xuất lúa hàng hóa tập trung (giống, vôi cải tạo đất); hỗ trợ phát triển chè (phát triển vùng chè tập trung chất lượng cao; phát triển và bảo tồn cây chè cổ thụ).
Hỗ trợ trồng mới cây ăn quả tập trung (giống, phân bón lót, bón thúc năm thứ nhất theo quy trình cho 100% diện tích trồng mới; hỗ trợ công chăm sóc, phân bón năm thứ 2, thứ 3 trong thời kỳ kiến thiết cơ bản).
Hỗ trợ trồng hoa, rau, củ quả (đối với hoa địa lan; đối với hoa, rau, củ quả khác); hỗ trợ phát triển cây Mắc ca; hỗ trợ chuồng trại, chăn nuôi; hỗ trợ làm hầm biogas và đệm lót sinh học.
Hỗ trợ trồng cỏ và các loại thức ăn cho gia súc; hỗ trợ phát triển nuôi ong; nuôi cá lồng; hỗ trợ phát triển sản phẩm OCOP (bao gồm sản phẩm tiềm năng và sản phẩm đã được công nhận OCOP).
Hỗ trợ sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; hỗ trợ áp dụng các tiêu chuẩn, quy chuẩn đảm bảo an toàn thực phẩm; phát triển công nghiệp chế biến nông, lâm, thủy sản.
Ngoài ra, Nghị quyết số 08/2021/NQ-HĐND quy định một số nội dung về chính sách phát triển rừng bền vững trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2025, bao gồm hỗ trợ trồng rừng sản xuất, trồng cây phân tán, mở đường lâm nghiệp và đầu tư trồng rừng phòng hộ, đặc dụng. Đối tượng áp dụng là các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, nhóm hộ, hộ gia đình, cá nhân; các cơ quan, đơn vị tổ chức triển khai thực hiện chính sách quy định tại Nghị quyết này.
Tại hội nghị triển khai các Nghị quyết về chính sách phát triển nông lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2025, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Trọng Hải đã thay mặt UBND tỉnh triển khai, phổ biến những nội dung cơ bản của Nghị quyết về chính sách hỗ trợ phát triển nông, lâm nghiệp của tỉnh.
Đại diện các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ gia đình sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh đã đặt nhiều câu hỏi tập trung vào các nội dung như: Trình tự thủ tục hỗ trợ; các đơn vị đầu mối làm thủ tục, hồ sơ; xây dựng trang web cung cấp thông tin mặt hàng, sản phẩm của các doanh nghiệp, hợp tác xã của tỉnh; việc hỗ trợ chăn nuôi nhỏ lẻ; phương thức hỗ trợ giống, định mức, quy trình kỹ thuật, hỗ trợ đất đai, hỗ trợ vay vốn tín dụng ngân hàng...
Đại diện lãnh đạo UBND tỉnh, các ngành, đại diện Ngân hàng Nhà nước đã trao đổi và trả lời làm rõ các nội dung được hỏi như: UBND tỉnh sẽ giao cho cơ quan chuyên môn hướng dẫn cụ thể về quy trình, thủ tục triển khai thực hiện chính sách, đặc biệt sẽ phân cấp cho các huyện để tạo thuận lợi cho các đối tượng được thụ hưởng chính sách.
Việc xây dựng trang web cung cấp thông tin mặt hàng, sản phẩm của các doanh nghiệp, hợp tác xã của tỉnh, UBND tỉnh sẽ giao cho cơ quan chuyên môn tham mưu.
Đối với chăn nuôi nhỏ lẻ, nếu muốn được hỗ trợ thì phải thực hiện liên kết lại với nhau thì sẽ được hỗ trợ theo chính sách bởi chính sách nhằm khuyến khích liên kết để phát triển chăn nuôi tập trung...
Chủ tịch UBND tỉnh Trần Tiến Dũng khẳng định, các ý kiến tại Hội nghị là cơ sở để tỉnh hoàn thiện việc ban hành hướng dẫn triển khai, đảm bảo chính sách thực sự đi vào cuộc sống.
Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh, các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, chủ hộ gia đình tại Hội nghị sẽ là hạt nhân để lan tỏa chính sách của tỉnh đến với các giai tầng, đối tượng được thụ hưởng chính sách trên địa bàn.
Nhấn mạnh lại ý nghĩa của các Nghị quyết khi ban hành nhằm đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung, gắn với liên kết và bao tiêu sản phẩm.
Các chính sách tỉnh ban hành trước đây chỉ tập trung vào hỗ trợ kinh tế hộ gia đình, nhưng Nghị quyết lần này tập trung vào hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác và nhóm hộ. Các hộ gia đình muốn hưởng chính sách hỗ trợ cao hơn thì phải nâng cấp lên thành tổ hợp tác và nhóm hộ; cùng tham gia, liên kết, hỗ trợ, trao đổi với nhau các tri thức về thâm canh, về ứng dụng khoa học, công nghệ, tạo sự gắn kết để cùng phát triển.
Trong Nghị quyết cũng hỗ trợ phát triển các sản phẩm OCOP vì thực tiễn thời gian vừa qua việc phát triển các sản phẩm này đã phát huy hiệu quả. Vì vậy, thời gian tới mỗi xã phải phấn đấu xây dựng ít nhất một sản phẩm OCOP... - Chủ tịch UBND tỉnh nói.
Trong Hội nghị, Chủ tịch tỉnh đề nghị các ban ngành đẩy mạnh công tác tuyên truyền về các chính sách. Đồng thời phản ánh những khó khăn, vướng mắc với lãnh đạo UBND tỉnh để kịp thời tháo gỡ; quyết tâm không để “rơi vãi” chính sách; làm sao để chính sách thực sự đi vào cuộc sống.
Quang Sơn