Trong khi lãnh đạo Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam khẳng định các doanh nghiệp thành viên đang có lãi, đại diện tổ điều hành thị trường xăng dầu lại phủ nhận. Doanh nghiệp đầu mối xăng dầu đang xin tăng giá do “lỗ”

Lãnh đạo tổ điều hành thị trường xăng dầu (chịu sự quản lý của liên bộ Công Thương và Tài chính) cho rằng hiện tại, doanh nghiệp (DN) xăng dầu không có lãi và việc tăng chiết khấu bán hàng cho đại lý là do cạnh tranh để bán hàng.

Cần làm rõ lãi - lỗ

Mới đây, một lãnh đạo Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam cho biết sau khi trừ tất cả các khoản thuế, phí...,các DN đầu mối nhập khẩu xăng dầu đang có lãi khoảng 270 đồng/lít xăng, 290 đồng/lít dầu hỏa và 130 đồng/kg dầu FO. Nếu cộng thêm lợi nhuận định mức, các DN đầu mối đang có lãi 430-590 đồng/lít, tùy từng mặt hàng.

Giá xăng dầu thế giới vừa có phiên giảm thứ 5 liên tiếp. Theo đó, giá dầu thô WTI giao tháng 7 giảm 50 cent, xuống còn 93,65 USD/thùng trên sàn New York - Mỹ. Thị trường Singapore (nơi Việt Nam chọn làm giá tham chiếu) cũng có sự sụt giảm giá đáng kể, giá xăng bình quân từ ngày 18 đến 24-5 giảm 2,4% và xoay quanh mức 111,2 USD/thùng.

Tuy nhiên, một lãnh đạo của tổ điều hành thị trường xăng dầu lại phủ nhận việc DN xăng dầu đang có lãi. Theo vị lãnh đạo này, nếu tham chiếu giá nhập khẩu từ Singapore trong 10 ngày gần đây, giá xăng dầu chẳng những không giảm mà còn tăng. Giá xăng tại Singapore từ khoảng 106 USD/thùng đầu tháng 5 đã tăng lên 112-113 USD/thùng trong vài ngày gần đây. Giá dầu thô cũng quanh mức 100 USD/thùng chứ không giảm. “DN xăng dầu đang lỗ 150-200 đồng/lít xăng và ít nhất 200 đồng/lít dầu” - vị lãnh đạo này nói.

{keywords}

Phản biện lại khẳng định của đại diện cơ quan quản lý Nhà nước, chuyên gia kinh tế - TS Lê Đăng Doanh tỏ ra ngạc nhiên: “Trong khi Chính phủ đã giảm thuế nhập khẩu xăng dầu từ 19% xuống còn 18% và giá bình quân mặt hàng này của thế giới đã giảm thì không hiểu doanh nghiệp lỗ kiểu gì?”. Theo ông Doanh, từ trước đến nay, chuyện lỗ - lãi của DN xăng dầu thường không rõ ràng và không kiểm chứng được nên việc đánh giá lỗ - lãi cũng khó bởi không có đủ căn cứ. “Kêu lỗ thì phải chỉ rõ lỗ ở đâu, khi nào. Không thể cứ kêu lỗ để tăng giá” - TS Lê Đăng Doanh nói.

Tăng chiết khấu để... “cắt lỗ”!

Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Tấn Phát, Giám đốc Công ty CP Thương mại Nam Sài Gòn (đại lý phân phối của Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam - Petrolimex), cho biết Petrolimex đang trích chiết khấu bán hàng cho đại lý 670 đồng/lít bao gồm cả chi phí vận chuyển và tiền mặt. Mức chiết khấu này đã được ấn định khoảng 1 tháng qua. Công ty CP Thương mại Nam Sài Gòn là một trong những đại lý gần kho hàng của Petrolimex nhất trong khu vực TPHCM nên chi phí vận chuyển thấp, những đại lý xa kho hàng hơn có thể được chiết khấu cao hơn.

Về thắc mắc tại sao kêu lỗ mà DN xăng dầu lại tăng mức chiết khấu bán hàng cho các đại lý, một lãnh đạo của tổ điều hành thị trường xăng dầu cho rằng nguyên nhân DN tăng chiết khấu là để “cắt lỗ”. Theo vị lãnh đạo này, DN xăng dầu đang bị tồn kho lớn nên buộc phải tăng chiết khấu để đẩy mạnh bán hàng đã nhập. Mục đích cuối cùng là bán hết hàng, lấy tiền trả ngân hàng và nhập hàng mới chứ không phải do lãi nên đẩy bớt lợi nhuận sang đại lý. “DN chấp nhận tăng chiết khấu và chịu lỗ một chút để bán hết hàng còn hơn để tồn kho, mất cả vốn lẫn lãi” - vị này cho biết.

Theo nguồn tin của Báo Người Lao Động, đã có một số DN đầu mối xăng dầu đề nghị tăng chiết khấu bán hàng cho đại lý, tăng giá bán do lỗ. Đề nghị này đang được liên bộ Tài chính - Công Thương xem xét.

(Theo NLĐ)