Theo báo cáo hoạt động ngân hàng tuần gần nhất của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), mặt bằng lãi suất huy động của các tổ chức tín dụng vẫn giữ xu hướng giảm từ cuối năm 2020 đến nay.
Trong đó, lãi huy động tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng hiện phổ biến ở mức 0,1-0,2%/năm; tiền gửi kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng ở mức 3,1-3,8%/năm; kỳ hạn 6 tháng đến dưới 12 tháng là 4-6%/năm và kỳ hạn từ 12 tháng trở lên là 5,6-6,8%/năm.
So với cuối năm 2020, lãi tiền gửi bình quân trên thị trường đã giảm 0,3-0,6 điểm %/năm tùy kỳ hạn. Trong đó, lãi suất có xu hướng giảm sâu hơn ở các kỳ hạn ngắn với biên độ trên dưới 0,6 điểm %.
Gửi dưới 6 tháng lãi cao nhất 4%/năm
Từ cuối 2020, hàng loạt ngân hàng đã ra thông báo giảm lãi suất huy động ở các kỳ hạn ngắn này. Thậm chí, xu hướng giảm các ngân hàng tự điều chỉnh còn mạnh hơn mức trần NHNN đưa ra.
Theo thống kê, cuối năm 2020 vẫn có 6 nhà băng niêm yết lãi suất tiền gửi kỳ hạn 1 tháng đến dưới 6 tháng 4%/năm. Tuy nhiên, đến nay chỉ còn GPBank đưa ra mức lãi suất huy động này.
Ngược lại, lãi tiền gửi kỳ hạn dưới 6 tháng hiện phổ biến dao động trong khoảng 3,1-3,95%/năm. Đặc biệt, có một số nhà băng chỉ đưa ra mức lãi suất dưới 3%/năm cho các khoản tiền gửi kỳ hạn tương tự.
Ngoài GPBank, một số ngân hàng có lãi suất tiền gửi kỳ hạn dưới 6 tháng cao hiện nay là SCB, Kienlongbank, NamABank, OCB, PVComBank, VietABank… phổ biến trong khoảng 3,8-3,95%/năm.
Biểu lãi suất tiền gửi tiết kiệm tại quầy của một số ngân hàng hiện nay:
Nếu lựa chọn nhóm ngân hàng thương mại Nhà nước như Agribank, VietinBank, BIDV mức lãi suất người gửi nhận được sẽ chỉ là 3,1-3,4%/năm. Thậm chí, Vietcombank hiện niêm yết tiền gửi kỳ hạn 1 tháng ở mức 2,9%/năm, thấp nhất thị trường. Tiền gửi kỳ hạn 3 tháng tại nhà băng này hiện cũng chỉ ở mức 3,2%/năm.
Nếu lựa chọn nhóm ngân hàng tư nhân cỡ lớn như Sacombank, Techcombank, VPBank, SHB, hay MBBank… mức lãi áp dụng với các khoản tiền gửi này cũng chỉ là 3-3,4%/năm.
Gửi tiền 6 tháng vào đâu lãi cao nhất?
Với tiền gửi 6 tháng, đây từng là kỳ hạn được nhiều ngân hàng niêm yết ở mức cao khi không còn bị khống chế trần lãi suất. Ngoài ra, đây cũng là kỳ hạn thể hiện sự phân hóa rõ nhất trong việc huy động vốn của các nhà băng.
Tuy nhiên, sau nhiều đợt giảm liên tiếp, hiện lãi suất kỳ hạn này cũng giảm mạnh về mức 4-6%/năm. Thậm chí, Vietcombank hiện đã đưa lãi suất kỳ hạn này xuống 3,8%/năm, trong khi nhóm VietinBank, BIDV, Agribank niêm yết ở 4%/năm. Đây cũng là nhóm niêm yết lãi suất kỳ hạn này thấp nhất thị trường.
Ở chiều ngược lại, ngân hàng niêm yết lãi suất cao nhất ở kỳ hạn này là CBBank với mức 6,3%/năm. Mức này thấp hơn nhiều so với lãi suất tối đa kỳ hạn 6 tháng hồi cuối năm 2019 là 7,99%/năm và cuối năm 2020 là 6,65%/năm.
Ngân hàng niêm yết lãi suất tiền gửi kỳ hạn 6 tháng cao nhất hiện nay là CBBank, ở mức 6,3%/năm. Ảnh: Hoàng Hà. |
Ngoài CBBank, số ít ngân hàng có lãi tiền gửi kỳ hạn 6 tháng trên 6%/năm hiện nay là Kienlongbank (6,2%); VietABank (6,1%); NCB (6,05%); NamABank (6%). So với chính các ngân hàng này 3 tháng trước, mức lãi kể trên đã giảm 0,3-0,6 điểm %.
Trong khi đó, mặt bằng lãi tiền gửi kỳ hạn 6 tháng tại các ngân hàng tư nhân lớn hiện cũng ở mức thấp như SHB 5,2%/năm; HDBank 5,15%/năm; ACB 4,9%/năm; Sacombank 4,6%/năm; MBBank, VPBank cùng 4,8%/năm; hay Techcombank là 4,4-4,8%/năm…
Không còn lãi suất 7% với kỳ hạn 12 tháng
Cuối tháng 11/2020, lãi suất kỳ hạn 12 tháng cao nhất vẫn ở mức 7,22%/năm, nhưng đến nay thị trường đã không còn mức lãi suất này cho kỳ hạn tương tự. Thay vào đó, lãi tiền gửi 12 tháng cao nhất hiện chỉ là 6,9%/năm tại Kienlongbank.
Theo khảo sát, cuối năm 2020, nhiều ngân hàng vẫn niêm yết lãi kỳ hạn 12 tháng trong khoảng 7-7,2%/năm đến nay đều giảm về dưới 6,8%/năm như SCB, VietABank, NCB, CBBank…
Hiện tại, cũng chỉ có 4 nhà băng niêm yết lãi tiền gửi 12 tháng trên 6,5%/năm gồm Kienlongbank (6,9%); SCB (6,8%); VietABank (6,6%); CBBank (6,55%). Mức lãi suất kể trên đã giảm 0,5 điểm % so với chính các nhà băng này 3 tháng trước.
Còn lại, hầu hết ngân hàng tư nhân cỡ vừa và nhỏ hiện đều niêm yết lãi tiền gửi cùng kỳ hạn dao động từ 6% đến 6,4%/năm.
Nhóm ngân hàng thương mại tư nhân cỡ lớn hiện đưa ra mức lãi tiền gửi kỳ hạn này ở 5,8-6%/năm, trong khi lãi tiền gửi kỳ hạn tương tự tại nhóm ngân hàng quốc doanh cố định ở 5,6%/năm.
Riêng Vietcombank hiện niêm yết lãi tiền gửi kỳ hạn này thấp nhất khối, ở mức 5,5%/năm. Tuy nhiên, đây chưa phải mức thấp nhất thị trường. VPBank hiện mới là ngân hàng có mức lãi tiền gửi kỳ hạn 12 tháng thấp nhất khi chỉ niêm yết ở mức 4,9-5,3%/năm áp dụng tùy theo giá trị tiền gửi.
Tương tự, lãi suất Techcombank áp dụng cho kỳ hạn tương tự gửi từ tháng 3 năm nay là 5,1-5,4%/năm (áp dụng với khách hàng thường) và 5,2-5,5%/năm (áp dụng với khách hàng ưu tiên).
(Theo Zing)