- "Đời được cái này mất cái kia. Tôi đã được nhiều rồi, nên tôi chấp nhận. Người ta lập gia đình khi người ta cảm thấy hạnh phúc. Còn nếu biết không hạnh phúc thì "đâm đầu" vào bể ải làm gì? Khổ mình, khổ người ta".


Nghệ sĩ piano Đặng Thái Sơn đã chia sẻ như vậy trong cuộc giao lưu trực tuyến với độc giả VietNamNet chiều 27/11.

Nghệ thuật không có chỗ cho những số phận sống trên nhung lụa

{keywords}

Linh Nguyen, Nữ - 18 Tuổi: Bác Đặng Thái Sơn thường cảm thấy thế nào khi có buổi biểu diễn đứng trước khán giả? Có bao giờ bác cảm thấy bị run và hồi hộp không ạ? Những lúc như vậy, bác thường làm gì để khắc phục sự hồi hộp của mình và mang đến cho khán giả những màn trình diễn ấn tượng nhất?

NSND Đặng Thái Sơn: Tôi luôn hồi hộp chứ! Vì người nghệ sĩ cũng hay yêu mình, nên sợ mình đánh dở sẽ bị người ta chê người, nên ai mà chẳng hồi hộp. Nhưng hồi hộp có 2 loại, tích cực và tiêu cực. Hồi hộp tích cực làm cho mình đánh phấn chấn hơn, hồi hộp tiêu cực dễ khiến mình đánh xảy ra "tai nạn". Tôi thường khống chế hồi hộp tiêu cực bằng cách tự nhủ: đêm diễn này là đêm cuối cùng trong đời. Lúc đó những chuyện run sợ trở nên nhỏ bé.

Nguyen Anh Thanh, Nam - 23 Tuổi: Theo ông, tại sao những người giỏi ít ở VN mà đa số định cư ở nước ngoài. Trong trường hợp của ông thì sao?

- Chẳng cứ gì xảy ra ở VN, mà tình trạng này còn xảy ra rất nhiều tại các nước Châu Á khác như Trung Quốc, khối ASEAN, những nước đang phát triển. Tôi cũng không phải là ngoại lệ. Điều này cũng dễ hiểu vì khi sự phát triển của mình càng cao mình cần điều kiện và môi trường phát triển thích hợp.

Nina, Nữ - 40 Tuổi: Theo anh thì cách chơi piano của anh chịu ảnh hưởng của những ai? Anh ấn tượng nhất với ai trong số các nghệ sĩ piano mà anh đã gặp?

- Từng giai đoạn phát triển, tôi chịu ảnh hưởng của các nghệ sĩ khác nhau. Hồi tôi chuẩn bị cuộc thi Chopin năm 1980, Vladimir Horowitz và Arthur Rubinstein. Sau đó tôi thích sự cân bằng của Anfred Brendel, Arthur Michaelangeli. Ấn tượng nhất với thiên tài Svjatoslav Richter.

Quoc Nguyen, Nam - 62 Tuổi: Tôi được biết phụ thân của ông từng nằm trong nhóm Nhân văn giai phẩm. Bố mẹ ông ly dị, chia nhau từng cái xoong, cái nồi và chiếc xe đạp cũ... Và cho đến hôm nay ông đã đi nhiều nước trên thế giới từ đông sang tây, xin ông cho biết những hoàn cảnh thực tế ấy đã tạo ảnh hưởng gì đến sự nghiệp của ông và cả với danh hiệu nghệ sĩ nhân dân của ông?

- Luật chung trong nghệ thuật là không có chỗ cho những số phận sống trên nhung lụa. Và thành công trong nghệ thuật cũng đòi hỏi phải trả giá. Những tình cảnh không dễ dàng đó đã giúp cho tôi quyết chí, phát triển nội tâm phong phú và nhạy cảm hơn. Danh hiệu nghệ sĩ nhân dân là tôi được tặng chứ bản thân không xin.

{keywords}

Lê Hải, Nam - 34 Tuổi: Debussy là một nhạc sỹ mở ra một con đường mới trong âm nhạc, vào thời của ông thì nó hoàn toàn mới lạ. Vậy theo ông hiện nay nhạc của Debussy đã trở nên dễ nghe với số đông khán giả trên thế giới chưa? Hay nó vẫn còn rất “mới” nhất là với khán giả Việt Nam? Nếu nó vẫn còn khó nghe thì ông có cảm thấy có khoảng cách giữa ông và khán giả không?

- Đúng vậy. Nhạc Debussy hiện nay trên thế giới đã phần nào trở thành "cổ điển". Ở VN ít nhiều vẫn còn khó "tiêu hóa" - theo toàn bộ nghĩa của nó.

Khán giả có nhiều mức độ khác nhau. Tạm có thể chia ra làm 3 loại: thành phần 1 - chẳng hiểu tí gì, "đi xem" là chính. Thành phần 2: bắt đầu nhìn thấy được những kĩ xảo như màu sắc, đường nét, thấy được cái khó cái dễ. Thành phần cuối cùng, cũng là thành phần mà tôi chia sẻ được nhiều nhất, là những người nhìn thấy được sau những nốt nhạc một nội dung, một sự tưởng tượng, hiểu được người đánh muốn nói gì.

Phương Nam, Nam - 28 Tuổi: Nhạc sỹ Đặng Hữu Phúc và Đỗ Hồng Quân đều được đào tạo đàn piano một cách bài bản chuyên nghiệp từ nhỏ và cả hai đều là những người chơi piano giỏi. Vậy các nhạc sĩ viết nhạc cho piano có nhất thiết phải chơi giỏi đàn piano không? Nếu không chơi giỏi thì có thể viết được cho piano không?

- Muốn viết nhạc cho piano, người viết nhạc dứt khoát phải biết đàn nhạc cụ này, hiểu những đặc trưng riêng của nó. Người viết nhạc càng giỏi đàn piano thì bài viết ra càng "khó" hơn. Quy luật này đã được chứng minh từ nhiều thế kỉ.

Mai Lê, Nữ - 38 Tuổi: Ông đã có rất nhiều đóng góp cho sự phát triển của âm nhạc Việt Nam, nhất là lĩnh vực biểu diễn đàn piano. Trong tương lai ông có dự định gì để tiếp tục giúp đỡ cho các pianist trẻ VN có thể vươn đến đỉnh cao của thế giới không?

- Ngay ở trong chương trình lần này đã có sự giới thiệu tài năng thế hệ trẻ của Việt Nam. Đây là lần đầu tiên tôi diễn song tấu piano với Lưu Hồng Quang 4 nhạc phẩm của Francis Poulenc. Ngoài ra cũng thường xuyên tạo dịp, tạo cơ hội cho những tài năng trẻ của Việt Nam được thụ giáo dài hạn và ngắn hạn ở nước ngoài. Và tham gia vào ban tổ chức Cuộc thi piano quốc tế tại Hà Nội. Ước mơ trong tương lai, sẽ gây dựng một quỹ phát triển tài năng trẻ trong nước. Và nếu được, là một trường năng khiếu.

Đời được cái này mất cái kia

{keywords}

Nguyên Đăng Huy, Nữ - 29 Tuổi: Thế giới bây giờ đã rộng mở, thế giới phẳng, và trong tất cả các lĩnh vực, nếu không có loại một, loại nhất thì người ta có thể dùng loại hai, loại ba… Nhưng trong nghệ thuật, người ta luôn đòi hỏi loại nhất mà thôi. Chỉ có vàng 10 mà thôi. Đã được nghe ông đàn rồi, khó lòng để chúng tôi lại đi nghe những buổi hoà nhạc tầm tầm nữa. Theo ông trên thế giới bây giờ khán giả có đòi hỏi như vậy không?

- Theo tôi thì ai mà chẳng thích loại 1, nhưng không phải ai cũng đủ khả năng mua vé những loại Top. Nên một số người cũng phải tìm những giải pháp khác nhau như: tự an ủi, hoặc là ngồi nhà coi Youtube.

Đức Trịnh, Nam - 58 Tuổi: Hiện nay khán giả ở Việt Nam khi nghe hoà nhạc vẫn chưa có thói quen im lặng để tập trung nghe, nhất là hiện tượng dùng điện thoại di động để quay lén nghệ sĩ rồi đưa lên youtube. Ông bình luận về hiện tượng này thế nào? Trong buổi diễn sắp tới của ông tại Nhà Hát Lớn Hà Nội, Ban tổ chức đã có cách gì để hạn chế việc này chưa?

- Hiện tượng này làm tôi thật buồn. Hầu như nó không được kiểm soát ở Việt Nam. Vì chất lượng quay bằng Iphone, Ipad khác quá xa so với máy thu chuyên nghiệp, nên làm giảm chất lượng, méo mó buổi diễn. Chưa nói đến những điều kiện biểu diễn khác. Mặc dù tôi rất hiểu một số người làm như vậy với những thiện chí như để tạo dịp cho những người khác không có điều kiện tới phòng hòa nhạc được nghe.

Tôi chân thành yêu cầu các khán giả tôn trọng nghệ sĩ. Nếu hiện tượng này còn xảy ra, chắc nó sẽ gây ra nhiều ảnh hưởng cho các dự kiến biểu diễn ở trong nước.

Phương Nam, Nam - 30 Tuổi: Tôi được biết Cuộc thi piano quốc tế tại Hà Nội có nguy cơ bị hoãn vì thiếu kinh phí. Là một trong những người sáng lập cuộc thi này, nghệ sĩ có phương án nào để "cứu" nó không?

- Đây là một cuộc thi trên thực tế dựa trên mô hình xã hội hóa, nên trong giai đoạn kinh tế khủng hoảng khó khăn thì khả năng bị trì hoãn là rất có thể. Thôi thì chỉ biết sống bằng hy vọng và mong có sự chú ý quan tâm hơn từ phía Nhà nước như các quốc gia khác.

{keywords}

Lan Phương, Nữ - 36 Tuổi: Ở Nhà hát lớn Tp HCM có 2 cây đàn Steinway, mỗi cây 2 triệu đô mà lại ít dùng. Ông cũng từng nói học sinh phải có đàn tốt mới biết âm thanh hay, sau đó ý tưởng này đã bị phản đối vì người ta cho rằng ngày xưa ông không có đàn tốt mà vẫn chơi hay được?

- Cải chính ngay, piano Steinway Grand Concert giá cũng chỉ tối đa 200.000 USD. Quay lại câu hỏi của bạn, đúng là hồi niên thiếu tôi không có đàn tốt, nhưng không thể quên tôi đã trở thành người pianist chuyên nghiệp thực thụ sau hàng năm trời học tại nhạc viện ở Liên Xô, nơi mà điều kiện đàn là chuẩn.

Trương Quý Văn, Nam - 27 Tuổi: Lời đầu tiên cho cháu được chúc bác mạnh khỏe ạ! Cháu rất yêu thích tiếng đàn của bác, tiếng đàn làm cháu có hơi thắc mắc về cuộc đời của người chơi. Cho cháu mạn phép hỏi vì sao đến giờ bác vẫn chưa lập gia đình ạ? Bác có ý lập gia đình?

- Đời được cái này mất cái kia. Bác đã được nhiều rồi, nên bác chấp nhận. Người ta lập gia đình khi người ta cảm thấy hạnh phúc. Còn nếu biết không hạnh phúc thì "đâm đầu" vào bể ải làm gì? Khổ mình, khổ người ta. Hơn nữa, chắc nó cũng là cái "dớp" trong gia đình tôi, toàn là li dị cả. Tôi lại nghĩ làm âm nhạc nhiều lúc cũng cần một sự cô đơn.

Ban Văn hóa
Ảnh:
Lê Anh Dũng