Là huyện miền núi có xuất phát điểm thấp, huyện Lâm Bình xác định “đột phá” từ giao thông chính là “chìa khóa” để nâng cao đời sống người nông dân và xây dựng NTM trên địa bàn.
Theo đó, bắt đầu xây dựng NTM, huyện đã chú trọng đầu tư xây dựng, củng cố hệ thống đường giao thông nông thôn. Hệ thống đường giao thông của huyện đã được chú trọng đầu tư, từng bước hoàn thiện, trong 10 năm huyện đã thực hiện kiên cố hóa 191,6km đường giao thông nông thôn.
Lâm Bình xác định “đột phá” từ giao thông chính là “chìa khóa” để nâng cao đời sống người nông dân và xây dựng NTM trên địa bàn. |
Huyện đã hoàn thành xây dựng nhà làm việc của Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân huyện, Bệnh viện Đa khoa huyện, Trường Trung học Phổ thông, Trung học Cơ sở nội trú huyện; 8/8 trụ sở xã được đầu tư xây dựng mới. Huyện kiên cố hóa 51,79 km kênh mương, đảm bảo trên 83% diện tích đất canh tác được tưới tiêu chủ động; bê tông hóa trên 15,35 km đường giao thông nội đồng; nâng tỷ lệ cứng hóa giao thông nông thôn trên 70%; xây dựng 21/21 nhà văn hóa thôn, đảm bảo 100% thôn có nhà văn hóa; đầu tư điện lưới quốc gia vào 6 thôn, xây dựng gần 100 km đường điện chiếu sáng tại các khu dân cư…
Toàn huyện có 3/8 xã đạt chuẩn nông thôn mới, đạt 150% chỉ tiêu Nghị quyết, nâng số tiêu chí đạt chuẩn bình quân từ 10 tiêu chí/xã năm 2015 lên 14,4 tiêu chí/xã năm 2020.
Tại huyện Lâm Bình, phát triển nông nghiệp được coi là giải pháp đột phá trong xây dựng NTM. Huyện đã triển khai nhiều chính sách nhằm phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng sản xuất lớn, quy mô hàng hóa, hình thành các vùng chuyên canh tập trung các loại nông sản thế mạnh.
Huyện Lâm Bình đã thực hiện tốt các mô hình, dự án phát triển kinh tế nâng cao thu nhập cho người dân. Huyện đã hình thành một số vùng, chuỗi cây trồng, vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa như: Duy trì đàn trâu trên 7.600 con, đàn bò gần 2.000 con, đàn dê trên 4.600 con, trên 480 ha cây lạc, phát triển trên 10 ha rau bò khai và trồng thử nghiệm hơn 7 ha cây dược liệu. Tổng sản lượng lương thực hằng năm đạt trên 17.000 tấn. Huyện đã xây dựng 11 sản phẩm OCOP giai đoạn 2019 - 2020: Lợn đen, rau bò khai - Lăng Can; lạc, dê núi, chè san Khau Mút - Thổ Bình; rượu thóc Lâm Bình, thịt trâu khô - Bình An… Giá trị sản xuất ngành nông - lâm nghiệp - thủy sản năm 2020 ước đạt trên 571 tỷ đồng (theo giá hiện hành), tăng bình quân 6,82%/năm, vượt chỉ tiêu Nghị quyết đề ra…
Hồ Nhụy
Ảnh: Quốc Huy