Dựa vào công nghệ để thoát nghèo

Tham luận tại Diễn đàn quốc gia Phát triển DN công nghệ Việt Nam, TS Nguyễn Xuân Thành, Trường Chính sách Công và Quản lý Fulbright, cho rằng, Việt Nam là một trong những quốc gia tăng trưởng nhanh trong 30 năm qua, tuy nhiên không phải là đứng đầu. Chúng ta vẫn xếp sau Trung Quốc, Hàn Quốc, Singapore, Thái Lan, Indonesia, Malaysia và chỉ đứng trên Ấn Độ, Philippines, Campuchia và Lào.

Chuyển đổi kinh tế diễn ra theo 3 giai đoạn: từ nền kinh tế cạnh tranh dựa vào nhân tố sang nền kinh tế cạnh tranh dựa vào hiệu quả đến nền kinh tế cạnh tranh dựa vào đổi mới. Việt Nam đang chuyển từ giai đoạn 1 sang giai đoạn 2, tức chuyển dịch từ nền kinh tế cạnh tranh dựa vào nhân tố sang nên kinh tế cạnh tranh dựa vào hiệu quả.

{keywords}
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tham dự quan gian trưng bày của các DN công nghệ tại diễn đàn 

Tuy nhiên, nhờ công nghệ mà bước tiến này không phải đi theo trình tự từ 1 rồi 2 và sang 3. Nếu nắm bắt được công nghệ, chúng ta không phải đi theo chặng đường dài 30-50 năm nữa để hướng tới nền kinh tế thu nhập cao.

Theo TS Nguyễn Xuân Thành, việc có được đội ngũ các DN công nghệ hùng hậu sẽ thúc đẩy sự đổi mới nhanh hơn. DN công nghệ có thể tạo ra những công nghệ mới, hoặc sử dụng công nghệ mới làm nền tảng chính yếu cho hoạt động kinh doanh của mình. Hơn nữa, sự phát triển của DN công nghệ không phải là đơn lẻ, mà là sự đi lên của cả một cụm đổi mới, được kết nối với nhau bởi các giá trị chung và tương hỗ nhằm thúc đẩy đổi mới sáng tạo. Ngày nay, các DN công nghệ đang chiếm vị trí chủ đạo trong việc thúc đẩy tăng trưởng và quyết định năng lực cạnh tranh quốc tế ở mỗi quốc gia.

Nền kinh tế số với tự động hóa và trí tuệ nhân tạo, có thể giúp tăng năng suất lao động ở các quốc gia có thu nhập trung bình từ 0,8-1,4%/năm cho đến năm 2030. Kinh tế số đang tạo ra những mô hình kinh doanh và thị trường mới, ở các nước có thu nhập trung bình, ông Thành nói.

Giám đốc quốc gia Ngân hàng phát triển châu Á (ADB) Eric Sidgwick lưu ý, Việt Nam cần chuyển đổi sang nền kinh tế số, sử dụng công năng để nâng cao hiệu năng sản xuất. Sẽ có 3 đối tượng được thụ hưởng chính trong nền kinh tế số là công dân, DN và Chính phủ. Điểm đáng mừng là Việt Nam đang có sự chuyển dịch, hướng đến nhóm các nước sẵn sàng đón đầu kinh tế số, ông Eric Sidgwick nhận định. 

Ông Nguyễn Thế Tân, Tổng giám đốc Công ty VCCorp, khẳng định, Việt Nam hoàn toàn có thể làm được như các nước phát triển, tiêu biểu như Vingroup có thể sản xuất tự động hóa 4.0, Viettel tự làm thiết bị mạng 5G,... Theo ông Tân, Việt Nam có tiềm năng bởi sở hữu hàng trăm công ty khác trong nhiều lĩnh vực cùng đội ngũ hàng trăm nghìn lập trình viên. Trong khi các nước có nhiều chính sách phát triển ưu đãi về thuế, các chính sách, quy định của Việt Nam còn nhiều hạn chế.

Ông Trần Việt Hùng, Chủ tịch Công ty Got IT, thì nhấn mạnh đến lợi thế nguồn nhân lực trẻ, đội ngũ kỹ sư công nghệ nhiều tiềm năng nếu được đào tạo tốt của Việt Nam. Ngoài ra có nhiều người Việt đang làm việc ở các tập đoàn công nghệ lớn sẵn sàng về Việt Nam khởi nghiệp.

Loại bỏ tư duy cũ

Tuy nhiên, hạn chế của Việt Nam, theo TS Nguyễn Xuân Thành, là trong các trụ cột về năng lực cạnh tranh thì năng lực đổi mới được đánh giá yếu nhất: 33 trên thang điểm 100 vào năm 2018, con số công bố tại Diễn đàn Kinh tế thế giới. Chưa kể, những tên tuổi DN công nghệ lớn vẫn còn quá ít.

Còn ông Eric Sidgwick nhận xét, khảo sát về tính sẵn sàng cho cách mạng công nghệ 4.0 cho thấy, Việt Nam khá non trẻ, với mức xếp hạng 4.9, đứng sau nhiều nước như Indonesia, Ấn Độ, Thái Lan, Singapore... Xếp hạng thấp nhất của Việt Nam rơi vào lĩnh vực công nghệ và đổi mới sáng tạo.

{keywords}
Nắm bắt và làm chủ được công nghệ sẽ giúp Việt Nam nhanh chóng gia nhập các quốc gia phát triển (ảnh Reuters)

Về nguồn nhân lực, theo ông Trần Việt Hùng đánh giá: Thiếu đội ngũ lãnh đạo công nghệ kỳ cựu, dày dạn kinh nghiệm thị trường toàn cầu; thiếu đội ngũ kỹ sư phần mềm với khối kiến thức nền vững chắc; quá nhiều kỹ sư làm gia công phần mềm thay vì sản phẩm; sử dụng tiếng Anh chưa thành thạo,...

Còn theo ông Nguyễn Thế Tân, tồn tại lớn nhất là tư duy cũ. Hiện các DN Việt Nam chỉ được làm theo giấy phép, với các quy định cũ mà thiếu đổi mới, sáng tạo. Vì vậy DN không dám làm, không dám “chạy hết tốc độ”, không huy động được các nguồn lực trong xã hội.

Để có thể chuyển sang nền kinh tế số, tránh được bẫy thu nhập trung bình, vươn lên trở thành quốc gia thịnh vượng vào năm 2045, như mục tiêu đặt ra, liệu có thể thực hiện được?

Từ kinh nghiệm Hàn Quốc, GS Youngrak Choi, cố vấn Tổng thống Hàn Quốc, khuyến cáo: điểm mấu chốt là động lực tự thân của các DN tư nhân trong việc học hỏi, tiếp thu, nắm bắt và làm chủ công nghệ. Chính phủ đóng vai trò thúc đẩy nghiên cứu phát triển, chọn lĩnh vực ưu tiên để dồn lực đầu tư, xây dựng thể chế tốt, hạ tầng tốt, hệ sinh thái thân thiện, chuyển đổi nhanh chóng cấu trúc hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia.

TS Nguyễn Xuân Thành kiến nghị, cần hội tụ những DN ở các ngành nghề nòng cốt, tập trung ở cùng vị trí địa lý và hoạt động dưới cơ chế chung. Vai trò của Nhà nước là hỗ trợ cho những "cụm doanh nghiệp" này. Trong đó, ông Thành nhấn mạnh về khâu đào tạo nguồn lực chất lượng cho các DN công nghệ.

Ông Nguyễn Thế Tân đề xuất cơ chế hỗ trợ cái mới, coi ngành nội dung số là ngành kinh tế trọng điểm, coi trọng các công ty Việt phục vụ thị trường nội địa, coi trọng các công ty có tiềm năng xuất khẩu sản phẩm/dịch vụ công nghệ trọn gói ra nước ngoài. Cần xem lại chính sách thuế để thu hút nhân tài, giảm chi phí cho các công ty công nghệ.

Tham dự và phát biểu tại diễn đàn, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã giao Bộ TT&TT xây dựng chiến lược về phát triển DN công nghệ, trình Chính phủ vào tháng 6/2019 để làm cơ sở pháp lý cho việc triển khai nền kinh tế số.

Trần Thủy