Tây Nguyên trong đó có Lâm Đồng là địa bàn chiến lược đặc biệt quan trọng về kinh tế, chính trị, an ninh, quốc phòng.
Sáng 12/10, Ban Dân tộc, Tôn giáo, Quốc phòng – An ninh thuộc Trung ương Hội Nông dân Việt Nam đã phối hợp với Hội Nông dân tỉnh Lâm Đồng tổ chức Hội nghị tọa đàm Thông tin, tuyên truyền về dân tộc, tôn giáo cho khoảng 100 cán bộ Hội Nông dân các cấp trong tỉnh.
Hội nghị nhằm góp phần nâng cao nhận thức cho cán bộ, hội viên nông dân vùng đồng bào dân tộc và tôn giáo về các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về dân tộc, tín ngưỡng, tôn giáo.
Thông qua những thông tin, chia sẻ tại hội nghị sẽ giúp cho các cán bộ hội nông dân các cấp tại Lâm Đồng nhận diện và đấu tranh với các "đạo lạ", "tà đạo", các tổ chức tôn giáo chưa được Nhà nước công nhận lợi dụng các vấn đề dân tộc, tôn giáo gây mất an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc nhằm chống phá Đảng và Nhà nước.
Tại buổi tọa đàm, nhận định, do đời sống của đồng bào các dân tộc thiểu số vẫn còn nhiều khó khăn, về điều kiện tự nhiên, điều kiện phát triển kinh tế - xã hội, tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản thấp nhất, tỷ lệ hộ nghèo cao; tư tưởng của một bộ phận đồng bào dân tộc thiểu số còn chậm… khiến các thế lực thù địch lợi dụng các vấn đề dân tộc, tín ngưỡng, tôn giáo, nhân quyền để kích động làm mất an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, chống phá Đảng, chính quyền, chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Các đại biểu đã khẳng định vai trò của Hội Nông dân trong công tác tuyên truyền, vận động nông dân thực hiện chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về dân tộc, tôn giáo với vai trò nòng cốt của hội trong đổi mới quá trình tập hợp, tuyên truyền, vận động nông dân đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước.
Các giải pháp tuyên truyền, nông dân có đạo đã được đưa ra như: tuyên truyền để nông dân, tín đồ, chức sắc tôn giáo nhận rõ những âm mưu, thủ đoạn lợi dụng tôn giáo, gắn vấn đề tôn giáo với vấn đề dân tộc, dân chủ, nhân quyền của các thế lực thù địch nhằm chống phá cách mạng Việt Nam; Giáo dục, nâng cao nhận thức về tôn giáo và công tác tôn giáo cho đội ngũ cán bộ của hệ thống chính trị; Đấu tranh kiên quyết với những giáo sỹ, chức sắc, nhà tu hành có hành động lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để xuyên tạc chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước.
Đối với công tác dân tộc cần đẩy mạnh cơ cấu lại kinh tế theo hướng sản xuất hàng hóa, phù hợp với tập quán của từng dân tộc gắn với việc đẩy mạnh thành lập chi, tổ Hội Nông dân nghề nghiệp ; tập trung mọi nguồn lực tiếp tục đẩy mạnh các phong trào nông dân thi đua phát triển kinh tế - xã hội, tăng cường các hoạt động dịch vụ, hỗ trợ, dạy nghề, tạo việc làm; Tăng cường kiểm tra, giám sát, phản biện xã hội và tham gia xây dựng Đảng, chính quyền và trong việc thực hiện các chương trình, dự án, chính sách dân tộc; hợp tác quốc tế nhằm phát huy hết mọi thế mạnh của 54 dân tộc anh em trong xây dựng và phát triển đất nước; ưu tiên phát triển nông nghiệp 4.0 nhưng không loại trừ các hình thái sản xuất nông nghiệp truyền thống ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số.