Ngày 3/8, khoảng 150 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh nông sản tham dự Hội nghị kết nối, xúc tiến tiêu thụ nông sản, sản phẩm OCOP tỉnh Lâm Đồng.

Sự kiện còn có sự tham gia của ông Phạm S - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng, đại diện Sở NN&PTNT tỉnh cùng 25 đơn vị quản lý các sàn thương mại điện tử lớn như Shopee, Lazada, Droppii, TikTok… Cùng với đó, 40 gian hàng các sản phẩm OCOP, sản phẩm nông thôn tiêu biểu, đặc trưng địa phương của Lâm Đồng được trưng bày, giới thiệu.

Hội nghị kết nối, xúc tiến tiêu thụ nông sản, sản phẩm OCOP tỉnh Lâm Đồng. 

Thương mại điện tử là giải pháp giúp phát triển nông nghiệp

Ông Nguyễn Văn Châu, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Lâm Đồng, cho biết những năm gần đây, Lâm Đồng là một trong những địa phương có thế mạnh phát triển các loại nông sản. Địa phương chú trọng các hoạt động kết nối, xúc tiến và quảng bá để giới thiệu các loại nông sản, sản phẩm OCOP ra thị trường.

Trong đó, ngành nông nghiệp thường xuyên làm việc với các doanh nghiệp thương mại, nhà phân phối trong và ngoài nước để đẩy mạnh, đưa nông sản phát triển trên các sàn thương mại điện tử, từng bước số hóa thương mại nông sản của tỉnh. “Chúng tôi chú trọng đa dạng hóa phương thức tiêu thụ, góp phần mở rộng thị trường tiêu thụ nông sản, tạo cơ sở để phát triển toàn diện, bền vững và hiện đại. Hội nghị lần này giúp kết nối, xúc tiến để tiêu thụ nông sản, sản phẩm OCOP Lâm Đồng trên các nền tảng công nghệ", ông Châu cho biết thêm.

Những sản phẩm OCOP đặc trưng của Lâm Đồng trưng bày. 

Hiện gần 280 sản phẩm nông sản OCOP của tỉnh Lâm Đồng đã được cập nhật trên các trang thương mại điện tử do Trung ương và địa phương quản lý, tính từ tháng 12/2022. Cùng với đó, các trang thương mại điện tử do Bộ TT&TT quản lý và các sàn thương mại điện tử khác, như TikTok, Shopee, Lazada, Tiki, Sendo… đã mở rộng không gian để tiêu thụ sản phẩm nông sản của Lâm Đồng. 

Ông Phạm S - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng phát biểu tại Hội nghị. 

Ông Phạm S nhìn nhận, ngành nông nghiệp được xem là kinh tế trọng điểm, giữ vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế địa phương. Địa phương xem thương mại điện tử là giải pháp trọng tâm để hình thành nền nông nghiệp bền vững, có sức cạnh tranh cao và theo kịp xu thế chuyển đổi số trong nông nghiệp.

Đây cũng là tiền đề để doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ gia đình sản xuất, kinh doanh nông sản thêm động lực phát triển. Nhờ đó, những đơn vị này mạnh dạn mở rộng sản xuất, đầu tư thiết bị, dây chuyền tạo ra sản phẩm có chất lượng, mở rộng thị trường.

“Thương mại điện tử đã góp phần đa dạng hóa phương thức tiêu thụ nông sản, giúp các doanh nghiệp quảng bá sản phẩm và tăng kết nối”, ông Phạm S cho biết. Theo ông Phạm S, sản phẩm OCOP của tỉnh tăng nhanh về số lượng và chất lượng với 214 sản phẩm, xếp thứ 12/63 tỉnh, thành trên cả nước.

Doanh nghiệp kiến nghị xây dựng tổ công nghệ số cộng đồng

Là doanh nghiệp sản xuất mắc ca, bà Nguyễn Thanh Huyền cho biết, 5 năm trước, doanh nghiệp của bà tạo ra những sản phẩm mắc ca đầu tiên. Khi đó, công ty đã hướng tới phương án tiêu thụ, bán hàng qua kênh thương mại điện tử, như nền tảng mạng xã hội Facebook, hay Lazada, Shopee và các website.

Bà Thanh Huyền chia sẻ, doanh nghiệp tạo ra sản phẩm, nhưng để đưa được tới tay người sử dụng cần phải xây dựng đội ngũ bán hàng, theo các kênh phân phối truyền thống, đại lý phân phối. Tuy nhiên, khi áp dụng được môi trường kinh doanh là thương mại điện tử, bà Thanh cùng các cộng sự có thể bán hàng trực tiếp cho khách trên mọi miền đất nước, mà không cần phải qua khâu trung gian.

Lâm Đồng có 214 sản phẩm OCOP, xếp thứ 12/63 tỉnh, thành trên cả nước.  

Bà Huyền nêu lên thực trạng, thương mại điện tử là môi trường kinh doanh tốt. Tuy nhiên, doanh nghiệp sẽ gặp khó khăn, vì chi phí quảng cáo trên nền tảng mạng xã hội hiện khá cao, so với biên độ lợi nhuận nông sản. Vì thế, bà bảy tỏ mong muốn được chính quyền tỉnh Lâm Đồng quan tâm, có biện pháp hỗ trợ trong việc quảng bá, thúc đẩy tiêu thụ nông sản trên nền tảng thương mại điện tử.

Mặt khác, bà cũng kiến nghị tỉnh cần xây dựng, triển khai các gian hàng trên sàn thương mại điện tử và các tổ công nghệ số cộng đồng, vì đây lực lượng trực tiếp hỗ trợ người dân sử dụng thiết bị số, công nghệ số, đưa sản phẩm lên các sàn thương mại điện tử.

Ông Phạm S - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng giới thiệu các sản phẩm nông sản của địa phương đã lên sàn thương mại điện tử. 

Lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng và đại diện các sở ngành ghi nhận các ý kiến đóng góp của doanh nghiệp tại hội nghị. Sắp tới, phía địa phương sẽ thực hiện các giải pháp nhằm hỗ trợ doanh nghiệp phát triển hơn nữa trong tương lai. 

Nguyễn Xuân Ngọc, Lê Tuyết Nhung, Nguyễn Thái Khang, Trần Thị Ngọc Minh, Nguyễn Thị Diệu Bình