Chương trình Xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh đã tạo nên diện mạo mới cho các vùng quê khi cơ sở hạ tầng phát triển, các lĩnh vực công nghiệp và dịch vụ, các mô hình phát triển nông nghiệp tích hợp đa giá trị đã được hình thành và nhân rộng, góp phần nâng cao thu nhập và cải thiện đời sống của người dân địa phương.
14 năm trước, tỉnh Lâm Đồng được chọn là 1 trong 11 địa phương của cả nước thực hiện mô hình thí điểm xây dựng xã nông thôn mới tại xã Tân Hội, huyện Đức Trọng. Khi đó, Lâm Đồng có kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, hạ tầng kỹ thuật ở nông thôn còn yếu kém và thiếu đồng bộ, đặc biệt là vùng sâu vùng xa. Kinh tế phát triển còn hạn chế nhất định, GRDP bình quân đầu người đạt 19 triệu đồng, chỉ bằng 88% bình quân cả nước.
Đến nay, GRDP bình quân đầu người đạt 85,2 triệu đồng/năm, tỷ lệ nghèo đa chiều giảm 2,05%; riêng tỷ lệ nghèo đa chiều đồng bào dân tộc thiểu số giảm 5,09%; thu nhập bình quân đầu người vùng đồng bào dân tộc thiểu số đạt 44,94 triệu đồng/người (tăng 20% năm 2022). Hệ thống đường bộ trên địa bàn tỉnh dài khoảng 9.517,08 km, trong đó riêng tuyến đường huyện, xã và đường giao thông nông thôn dài 7.238 km đường và số km được cứng hóa khoảng 6.513,95 km đạt tỉ lệ hơn 90%.
Toàn tỉnh hiện có 109 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 41 xã nông thôn mới nâng cao, 16 xã nông thôn mới kiểu mẫu. Cấp huyện có 5 đơn vị đạt chuẩn nông thôn mới; TP Đà Lạt và Bảo Lộc hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới.
Kết quả giải ngân ước đến hết tháng 1/2024, đạt gần trên 340 tỷ đồng, trong đó, giải ngân 98,5% nguồn vốn đầu tư công; trên 72% nguồn vốn sự nghiệp. Mục tiêu đến cuối năm 2024, toàn tỉnh phấn đấu có 2 xã cuối cùng đạt chuẩn nông thôn mới là xã Đạ Long và Liêng Srônh, huyện Đam Rông, nâng tổng số 111 xã nông thôn mới, đạt tỷ lệ 100%. Bên cạnh đó, toàn tỉnh có 57 xã nông thôn mới nâng cao,7 xã nông thôn mới kiểu mẫu.
Còn lại 5 huyện: Đạ Huoai, Bảo Lâm, Di Linh, Lạc Dương và Đam Rông đáp ứng đầy đủ tiêu chí nông thôn mới, đạt tỷ lệ 100%. 2 huyện Đơn Dương và Đạ Tẻh đạt tiêu chí nông thôn mới nâng cao, trong đó, huyện Đơn Dương đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu. Kế hoạch huy động tổng nguồn vốn Chương trình Xây dựng nông thôn mới năm 2024 gần 424 tỷ đồng. Cụ thể, nguồn vốn đầu tư công hơn 330 tỷ đồng; vốn sự nghiệp hơn 92,4 tỷ đồng.
Bước sang giai đoạn mới xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu, nông thôn mới thông minh, từ những thành tự đã đạt được trong hành trình xây dựng nông thôn mới hơn 10 năm qua, Lâm Đồng đang tiếp tục phát huy các lợi thế của địa phương, phấn đấu hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu chủ yếu của Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM) giai đoạn 2021-2025 theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI, góp phần tích cực vào Phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng NTM” giai đoạn 2021-2025, với mục tiêu, đến 2025 Lâm Đồng trở thành tỉnh khá của cả nước.
Năm 2025, đích đến của giai đoạn này sẽ có 100% các xã (111 xã) đạt chuẩn NTM; có ít nhất 42,3% số xã đạt chuẩn NTM nâng cao; trong đó, 15,3% số xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu. Có 100% số đơn vị cấp huyện đạt chuẩn NTM/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM, trong đó: có ít nhất 2 huyện đạt chuẩn huyện NTM nâng cao và huyện Đơn Dương đạt chuẩn huyện NTM kiểu mẫu về nông nghiệp công nghệ cao theo hướng thông minh; đến 2025, huyện Đơn Dương có 95% diện tích đất sản xuất nông nghiệp (đối với sản xuất rau, hoa) và chăn nuôi bò sữa (đối với sản xuất thức ăn, quy trình kỹ thuật nuôi) ứng dụng công nghệ cao theo hướng thông minh.
Cũng ở giai đoạn này, huyện Đức Trọng hoàn thành Đề án huyện NTM trong quá trình đô thị hóa theo QĐ số 676/QĐ-TTg ngày 18/05/2017 của Thủ tướng Chính phủ; có ít nhất 1 đến 2 xã NTM kiểu mẫu, 100% các xã ngoài đô thị đạt NTM nâng cao; tỉnh tiếp tục xây dựng NTM nâng cao và NTM kiểu mẫu đối với các xã, huyện đã được công nhận đạt chuẩn NTM giai đoạn 2010-2021; thu nhập bình quân của người dân nông thôn tăng ít nhất 1,5 lần so với năm 2020.