Hậu quả khôn lường của việc trẻ em bị bắt nạt trên mạng

Bà Trần Thu Hà - nhà báo, tác giả các đầu sách về giáo dục trẻ em - cho hay, những đứa trẻ bị bắt nạt cả ngoài đời lẫn trên mạng mang những tổn thương lâu dài. Khác với những bạo hành về thể xác cha mẹ có thể nhìn thấy, những mất mát về tinh thần do bị bắt nạt trên mạng rất khó nhận ra nhưng lại để lại di chứng sâu sắc đối với trẻ.

Trong thế giới mạng, trẻ em có thể bị cô lập, bị tẩy chay, bị nói xấu trong một nhóm chat của bạn bè. Thậm chí học sinh có thể bị đăng số điện thoại lên các hội nhóm và bị gọi điện làm phiền. Có trẻ em còn bị bạn bè đăng ảnh lên các trang web khiêu dâm.

Dưới vai trò nhà nghiên cứu và tư vấn, bà Hà cho hay đã gặp rất nhiều trường hợp trẻ em bị tấn công trên mạng như nói trên. Trong khi đó, nạn nhân bị bắt nạt lại không chia sẻ với cha mẹ hay thầy cô. Chỉ khi sự việc “bung bét” rồi người lớn mới được biết.

{keywords}
Trẻ bị bắt nạt trên mạng để lại nhiều hậu quả khó lường. (Ảnh minh hoạ: Malin Joleby/in-mind.org)

Trong tài liệu được Tiktok đăng tải bằng ngôn ngữ tiếng Việt, nền tảng này đã đưa ra một số hướng dẫn để giúp hạn chế tình trạng bị bắt nạt trên mạng. Đây là hướng dẫn dành cho thanh thiếu niên, người giám hộ, các nhà hoạt động giáo dục, những người đang tìm kiếm thông tin và sự hỗ trợ về vấn đề bắt nạt và các hình thức lạm dụng có liên quan. Hướng dẫn này được thiết kế để giúp bạn xác định hành vi bắt nạt và tìm ra cách xử lý nếu bạn hoặc người quen đang bị bắt nạt.

Theo TikTok, bắt nạt có thể được định nghĩa theo nhiều cách, nhưng nó thường liên quan đến hành vi có mục tiêu cụ thể, lặp đi lặp lại và chủ ý gây tổn hại về thể chất, xã hội và/hoặc tâm lý. Hành vi này có thể được thực hiện trực tuyến hoặc ngoại tuyến bởi một cá nhân hoặc một nhóm người lên một người hoặc một nhóm người khác không có khả năng phản kháng.

Có nhiều loại hành vi bắt nạt mà các cá nhân hoặc nhóm người sử dụng để đe dọa, hạ thấp hoặc làm mất uy tín của người khác. 

Việc một người bị bắt nạt bởi những người mà họ quen biết (ví dụ như bạn cùng lớp, bạn bè, đồng nghiệp) là khá phổ biến. Bắt nạt có thể xảy ra trong hầu hết mọi môi trường xã hội, bao gồm trong trường học, trên môi trường trực tuyến, trên sân chơi và tại nơi làm việc. Những người bị bắt nạt cũng có thể bắt nạt người khác. 

Làm sao để không bị bắt nạt trên TikTok?

Để tránh việc bị bắt nạt trên ứng dụng TikTok, những lời khuyên dưới đây được nền tảng này đưa ra.

Đầu tiên, người dùng có thể cài đặt chế độ riêng tư cho tài khoản của họ để hạn chế người xem và bình luận. Tài khoản cho người dùng dưới 16 tuổi được cài đặt mặc định ở chế độ riêng tư, có nghĩa là bạn có thể phê duyệt hoặc từ chối yêu cầu theo dõi và chỉ những người dùng mà bạn đã duyệt cho phép theo dõi mới có thể xem nội dung của bạn. 

Tài khoản dành cho người dùng trên 16 tuổi sẽ được tạo ở chế độ công khai, có nghĩa là bất kỳ người dùng TikTok nào cũng có thể xem video của bạn và đăng bình luận. Tuy nhiên bạn có thể dễ dàng thay đổi điều này trong cài đặt quyền riêng tư của mình. 

Tiếp theo, cha mẹ có thể cài đặt tính năng gửi tin nhắn cho tài khoản của con để hạn chế việc bị kẻ xấu gạ gẫm, bắt nạt. Cụ thể, có thể chọn nhận và gửi tin nhắn từ  “mọi người”, “bạn bè” (những người dùng mà con bạn theo dõi, đồng thời cũng theo dõi lại con bạn) hoặc “không ai cả”.

Trên TikTok có tính năng Duet (cùng quay video với người khác) và Stitch (sử dụng lại video người khác). Đối với người dưới 16 tuổi, trong cài đặt, bạn sẽ thấy cài đặt này được đặt thành “chỉ mình tôi”. Chỉ bạn mới có thể Duet hoặc Stitch với video của chính mình. Cài đặt này không thể thay đổi được. Nếu bạn 16 hay 17 tuổi, trong phần cài đặt, bạn sẽ thấy tính năng này được đặt thành “bạn bè”.

Kẻ bắt nạt cũng có thể bình luận công khai trên các video được đăng trên TikTok. Tuy nhiên nếu người dùng dưới 16 tuổi, họ sẽ thấy cài đặt này được đặt mặc định là “bạn bè”. Điều này có nghĩa là chỉ những người theo dõi và những được theo dõi mới có thể nhận xét về video đăng tải. Người dùng có thể thay đổi cài đặt này thành “chỉ tôi” để ngăn người dùng khác nhận xét về video.

Đối với người dùng trên 16 tuổi, cài đặt mặc định là ai cũng có thể bình luận. Tuy nhiên người dùng có thể thay đổi cài đặt như trên, hoặc xoá các bình luận ác ý.

Tính năng nâng cao hơn trong phần bình luận là khả năng lọc bình luận. Khi tính năng lọc bình luận được bật, các bình luận xúc phạm sẽ tự động bị ẩn. Bạn cũng có thể tạo danh sách từ khóa tùy chỉnh để các nhận xét có chứa những từ đó sẽ tự động bị ẩn. 

Trên đây là những cách để đối phó với những bắt nạt trên TikTok. Về cơ bản, các nền tảng khác cũng có một số tính năng tương tự. Phụ huynh cần tìm hiểu để bảo vệ trẻ em an toàn trên mạng.

Dù vậy, chúng ta không thể ngăn chặn hết tất cả những thông tin độc hại đến với con em mình. Đối mặt với những thông tin độc hại trên mạng, nhiều bậc phụ huynh hành động cực đoan bằng cách cấm không cho con dùng Internet. Tuy nhiên bà Trần Thu Hà cho rằng không thể ngăn chặn học sinh lên mạng trong thời đại hiện nay vì Internet chứa đựng nguồn thông tin vô hạn, là nơi để học sinh tiếp thu kiến thức. Nhất là trong bối cảnh hiện nay tất cả học sinh phải học online.

“Phải học cách để thích nghi và sống chung với các hoạt động trực tuyến. Phải dạy trẻ làm sao để sống trong môi trường mạng một cách tự tin, khoẻ mạnh, an toàn”, bà Hà lý giải.

Hải Đăng

Trẻ em cần được học kỹ năng số để tránh bị xâm hại trên mạng

Trẻ em cần được học kỹ năng số để tránh bị xâm hại trên mạng

Hai năm qua, Covid-19 đã tạo ra một “cơn bão” thúc đẩy sự gia tăng vấn nạn xâm hại tình dục trẻ em trên mạng.