TikTok vừa công bố một báo cáo quy mô toàn cầu, tìm hiểu về xu hướng hành vi của giới trẻ khi tham gia các thử thách tiềm ẩn những nguy hiểm, các trò lừa bịp có thể dẫn đến tự sát hoặc tự hại bản thân. Báo cáo dựa trên khảo sát hơn 10.000 người đến từ các quốc gia Argentina, Úc, Brazil, Đức, Ý, Indonesia, Mexico, Anh, Mỹ và Việt Nam. Nhiều chuyên gia và viện nghiên cứu được mời hỗ trợ dự án này.
Kết quả cho thấy phần lớn các thử thách mà thanh thiếu niên tiếp xúc đều vô hại, tuy nhiên nhiều em bắt gặp những trò rất độc hại.
Một thử thách năm 2020 yêu cầu trẻ em uống một lượng lớn thuốc, có thể gấp 10 lần liều thông thường. (Ảnh minh hoạ: iStock) |
Trong nghiên cứu này, trẻ vị thành niên được yêu cầu mô tả mức độ rủi ro của các thử thách trực tuyến phổ biến gần đây. Gần một nửa (48%) số em được hỏi tin rằng những thử thách này an toàn và vui nhộn, 32% cho rằng tuy có rủi ro nhưng vẫn an toàn.
Tỷ lệ trẻ đánh giá nguy hiểm là 14% và vô cùng nguy hiểm là 3%. Có 0,3% thanh thiếu niên nói họ đã tham gia một thử thách tự cho là nguy hiểm.
Trên mạng Internet vẫn lưu truyền những trò lừa bịp tự sát và tự làm hại bản thân. Chúng có điểm chung là cố gắng thuyết phục người chơi tin vào một điều gì đó đáng sợ không có thật.
Trong những trường hợp trước đây, trẻ em bị kích động bằng một đoạn tin nhắn đe doạ giả mạo, dụ dỗ các em thực hiện các thử thách với cấp độ khó tăng dần, cuối cùng là tự kết liễu bản thân.
Nếu không muốn chịu những hậu quả đáng sợ như lời hăm doạ, các em phải tiếp tục lan truyền tin nhắn và mời thêm bạn bè tham gia trò chơi. Mặc dù hành động này tưởng chừng vô hại, nghiên cứu chỉ ra rằng, 31% trẻ vị thành niên từng tiếp cận những trò lừa bịp nguy hiểm đã bị ảnh hưởng tiêu cực. Trong đó 63% số trẻ cảm thấy bị tổn hại tinh thần.
Theo báo cáo, trước khi tham gia thử thách, trẻ vị thành niên có vận dụng một loạt phương pháp đánh giá rủi ro, bao gồm xem video mọi người thử làm, đọc bình luận và nói chuyện với bạn bè. 46% thanh thiếu niên nói rằng muốn được cung cấp thông tin chi tiết về mức độ nguy hiểm và thông tin về việc thế nào là vượt quá giới hạn.
Mặc dù trẻ em cho rằng cần được hiểu biết về các mối nguy nhưng khảo sát cho thấy phụ huynh vẫn đắn đo trong việc đưa ra lời khuyên.
Nhiều bậc cha mẹ lo ngại rằng việc chủ động đề cập sẽ vô tình thúc đẩy tính tò mò, hiếu kì ở những trẻ vốn không tiếp xúc với thử thách đó. 56% phụ huynh đồng tình rằng họ không nhắc đến những trò lừa bịp này trừ khi trẻ đề cập đến vấn đề đó trước. Ngoài ra, 37% phụ huynh tin rằng các trò lừa bịp là một chủ đề rất khó nói nếu không gợi lên sự quan tâm của trẻ.
Dù vậy, các nhà nghiên cứu trong khảo sát khuyên các bậc phụ huynh nên trao quyền và hướng dẫn trẻ phương pháp tự cân nhắc, suy nghĩ thấu đáo về các rủi ro. Đây là giải pháp lý tưởng nhất khi đối phó với các thử thách tự hại nói riêng và mối nguy trên mạng nói chung.
Điều này phù hợp với những ý kiến trong một buổi toạ đàm gần đây của TikTok. Chuyên gia khẳng định phụ huynh nên làm bạn cùng con, trò chuyện với con để lắng nghe chia sẻ của trẻ nhằm đưa lời khuyên hữu ích khi trẻ lướt Internet.
Trong một sự kiện khác về sự an toàn của trẻ em trên mạng do Google tổ chức hồi tháng trước, bà Trần Thu Hà - nhà báo, tác giả các đầu sách về giáo dục trẻ em – cũng khuyên phụ huynh phải trang bị cho trẻ kiến thức về an toàn trên mạng để đề “phòng”, thay vì để sự việc xảy ra mới “chống”.
“Phải học cách để thích nghi và sống chung với các hoạt động trực tuyến. Phải dạy trẻ làm sao để sống trong môi trường mạng một cách tự tin, khoẻ mạnh, an toàn”, bà Hà lý giải.
Từ những nghiên cứu nói trên, TikTok cho biết đã phát triển một nguồn tài nguyên hoàn toàn mới chuyên giải đáp các thắc mắc của cộng đồng về thử thách và trò lừa bịp trực tuyến, nhằm giúp các bậc phụ huynh có cách tiếp cận phù hợp khi thảo luận và định hướng cho con cái.
Hải Đăng
Trẻ em gặp nguy hiểm trên mạng: Những hậu quả không thể nhìn thấy bằng mắt
Bắt nạt trên mạng ít có di chứng trên thân thể nên cha mẹ khó phát hiện, nhưng hậu quả để lại rất sâu sắc và lâu dài.