- “Nếu hôm nay tôi dạy cho học sinh về cái cốc, ngày mai tôi dạy cái điện thoại, ngày kia dạy chu vi hình tam giác rồi hình chữ nhật… thì 100 kiến thức không đủ và 1000 kiến thức vẫn thấy thiếu...Làm giáo dục là mình phải chắt chiu, luôn luôn làm bất kỳ động tác gì đó, mình phải đọc được giá trị đằng sau hành động”- đó là phương pháp dạy học trong suốt 30 năm đứng lớp của nhà giáo Vũ Thị Diệu Lý.



Nguyên tắc dạy học quan trọng nhất của cô Diệu Lý là không áp đặt nên cả cô và trò cùng tham gia những hành trình này một cách rất dân chủ.

Học sinh sẽ tự làm ra kiến thức


Thay vì thuyết trình bài học cho đến khi hết giờ, nhà giáo Vũ Thị Diệu Lý biến mỗi tiết học trở thành một hành trình khám phá tri thức. Nguyên tắc dạy học quan trọng nhất của cô là không áp đặt nên cả cô và trò cùng tham gia những hành trình này một cách rất dân chủ.

Nhà giáo Diệu Lý quan niệm, dạy học là dạy cho học sinh cách tự tìm ra kiến thức, để luôn chủ động việc học mà không cần ai phải bắt ép.

Điều gì sẽ làm các trò có ý thức, có trách nhiệm, làm các con hứng thú? Muốn thiết kế được những giờ học như vậy, người giáo viên phải nắm bắt được đặc điểm tâm sinh lý học sinh, quy luật nhận thức, ghi nhớ, ấn tượng của lứa tuổi này. Vì vậy, khi làm quản lý chuyên môn ở một ngôi trường, việc tạo thế chủ động cho học sinh luôn là ưu tiên của cô.

“Hiện nay, trường học của mình lớp học thì cố định nhưng học sinh thì tự tìm đến. Tưởng như giống nhau nhưng rất khác nhau. Một lớp học bình thường, con đang trong lớp và cô giáo đi vào, tức là con đang ở thế phải học. Còn hình thức kia lại khác: Đây là phòng toán, đến giờ toán, con có thời khóa biểu, con phải tìm lớp học toán và đi vào lớp đấy. Đó là thế chủ động, con tìm đến nó. Kể cả bữa ăn, các con tự chọn, tự gắp thức ăn vào khay của con với việc cô gắp, khác hẳn.” – cô Diệu Lý cho biết.

Mỗi giờ học, cô nhường toàn bộ công việc học hành, đào xới kiến thức cho học sinh. Cô là người hướng dẫn cho các em phương pháp để làm một bài văn, cách để học một kiến thức toán, hay làm sao để nắm được nội dung của một bài Lịch sử.

Cô Lý tâm sự: “Nhiều giáo viên nói học sinh bây giờ viết một bài văn vô hồn, chúng không có cảm xúc , vốn từ hay vốn sống gì cả. Mình nghĩ giáo viên phải có nhiệm vụ mang đến những điều đó cho học sinh. Nhưng mỗi học sinh phải có một bài văn của riêng mình.”

Giờ văn tả đồ vật của nhà giáo Diệu Lý được mở đầu bằng việc học sinh được lựa chọn một loại quả ưa thích.

Cô phân tích: “Động tác học trò chọn rất quan trọng. Chọn, tức là đã có suy nghĩ, có cảm xúc. Khi trò cầm lên thì mình sẽ cho các em chơi:  Hãy cất quả đó đi và chỉ nói một câu thôi mà các bạn đoán được đó là quả gì. Công nghệ là em nào cũng phải tìm, phải suy nghĩ. Con nói được dấu hiệu đặc trưng nhất của quả đó. Nếu chưa được thì phải nói thêm được 5-10 dấu hiệu khác. Như vậy, 100% đều có một bài văn tả. Nhưng đó chỉ là tả thực thôi, rất thô, là công nghệ ai cũng làm được.

“Nhưng cô hỏi, tại sao chọn quả đó. Lý do vì  rất thích hoặc rất ghét. Yếu tố cảm xúc ở đây: tại sao thích? Làm sao để truyền cái thích, cái ghét đó cho người khác,  và nói ra để mọi người cùng biết điều đó.

Và lúc này, học trò cần vốn từ. So sánh, nhân hóa… lúc đó mới cần lý thuyết.”

“Nếu hôm nay tôi dạy cách làm ra cái cốc này thì những cái cốc khác, tôi không phải dạy nữa. Mình đã dạy cái khái quát rồi thì những cái chi tiết, học sinh sẽ tự tìm đến. Mọi người nghĩ rằng dạy 10 được 10 nhưng phương pháp là dạy 1 phải được 10. Phương pháp của mình không phải là truyền đạt vì kiến thức vô cùng.”- Nhà giáo Vũ Thị Diệu Lý chia sẻ.

Đọc được giá trị của mỗi việc mình làm

Hơn 30 năm trong nghề, nhà giáo Vũ Thị Diệu Lý vẫn miệt mài theo đuổi công nghệ giáo dục mà cô học được và tâm huyết từ khi còn giáo viên của trường Tiểu học Thực nghiệm.

Bây giờ, khi làm quản lý chuyên môn ở trường phổ thông liên cấp Olympia (Hà Nội), đôi khi, để đạt được mục đích giáo dục của mình, cô Diệu Lý không ngần ngại cho phép giáo viên thay đổi thời lượng, thứ tự các bài học trong chương trình. Các giáo viên có thể chỉ dạy một tác phẩm hay một số kiến thức toán học trong một học kỳ, nhưng bước sang học kỳ mới, những kiến thức còn lại sẽ được học sinh nắm bắt rất nhanh.

Theo nhà giáo Vũ Thị Diệu Lý, giá trị của mỗi bài toán không nằm ở công thức tính chu vi tam giác hay diện tích hình chữ nhật. Đối với cô, giá trị đằng sau mỗi bài toán đó là tư duy logic, lập luận chặt chẽ, khả năng phát hiện ra kiến thức.

Cách làm khác của cô sẽ gặp khó khăn với những kỳ thi của Bộ GD-ĐT và Sở GD-ĐT Hà Nội.

Biết được điều đó nên cô vẫn cho trò làm tất cả những bài thi của học sinh trong thành phố. Tuy nhiên, đối với cô, quan trọng nhất là quá trình học của học trò. Vì thế, cô luôn luôn dự giờ để kiểm soát quá trình này. Mỗi ngày đến trường, các nhân viên sẽ rất khó tìm vì lúc nào cô cũng thoăn thoắt bước đi trên các hành lang, quan sát các lớp học.

Bù lại, cô không phải chịu nỗi nhức nhối vì có quá nhiều học sinh chán học, học gạo. Cô tự hào nói: “Bản thân việc các con được tự mình làm ra mọi thứ đã khiến hứng thú với việc học rồi.”

Có người đặt ra câu hỏi, cách dạy của cô là  học ít, chơi nhiều, tự do nên học sinh thích? Nhà giáo hơn 30 năm kinh nghiệm phân tích:

“Nghĩ sâu hơn một chút, nếu đến trường, các con cứ lờ phờ và chơi thì mãi cũng chán. Cái thích, cái đam mê là mỗi một ngày về có điều gì chia sẻ với bố mẹ, có điều gì mới, mới là cái thích thực sự. Lớp học mà quá tự do, con  sẽ bị các bạn làm phiền, không thích được. Lớp học phải rất nề nếp, học sinh phải tuân thủ các quy định trong giờ học.”

Để học sinh biết mình phải làm gì, bước vào năm học đều có một tuần định hướng và các em sẽ viết mục tiêu của mình, dù rất nhỏ như đánh răng sạch hơn hay rất lớn như trở thành học sinh xuất sắc.

Thế nhưng, điều quan trọng với cô không phải là học sinh có thực hiện được mục tiêu. Đằng sau mỗi hành động này, học sinh sẽ hiểu rằng, nếu không có mục tiêu, sẽ không biết làm gì. Nếu có mục tiêu, sẽ biết làm thế nào đạt được nó. Nhà giáo dũng cảm này cũng nói, kể cả 12 năm học, nếu học trò không thực hiện được mục tiêu của mình thì điều quan trọng là sẽ nhận ra được vì sao mình thất bại.

Vì thế, với mỗi giáo viên, mình luôn phỏng vấn các bạn: Tại sao bạn làm cái này? Làm cái này học sinh được cái gì? Đánh giá tiết học là học sinh được gì sau tiết học chứ không phải xem cô dạy hay hay là không hay.”

“Làm giáo dục là mình phải chắt chiu, luôn luôn làm bất kỳ động tác gì đó, mình phải đọc được giá trị đằng sau hành động đó. Mình nói gì, làm gì trước học sinh đều  phải biết giá trị đằng sau câu nói của mình chứ không phải cái mà mình đang nói. Giá trị của nó là gì? Nó có vào được trong học sinh không? Khi mọi ngời thận trọng những việc đó thì chắc chắn ai cũng trở thành những nhà giáo dục tốt thôi.”- là tâm nguyện của nhà giáo Vũ Thị Diệu Lý.

Bài 2: “Nghề giáo có hậu”

  • Nguyễn Hường

MỜI VIẾT BÀI VỀ NHỮNG THẦY CÔ ẤN TƯỢNG
Bạn đọc thân mến!
Trong cuộc sống, các bạn đã được học hành hay gặp gỡ những người thầy, người cô có phương pháp giáo dục tốt, cách dạy dỗ đặc biệt, truyền cảm hứng và khát vọng cho mình.
Để chia sẻ những bài học, kinh nghiệm và cảm xúc của mình về những người thầy - người cô, mời bạn đọc tham gia viết bài cho chủ đề này.
Bài viết bằng tiếng Việt có dấu, không quá 1.200 chữ, có thông tin đầy đủ về tác giả và nhân vật được đề cập.
Bài được chọn đăng sẽ hưởng chế độ nhuận bút của tòa soạn. Bạn đọc gửi về theo địa chỉ: bangiaoduc@vietnamnet.vn.
Cảm ơn các bạn