Trái cam non, cam nhỏ phải cắt bỏ bớt trong giai đoạn xử lý trái tưởng chừng như “đồ bỏ đi”, nhưng giờ đây các chủ vườn có thể đem bán và có thêm nguồn thu không nhỏ nhờ vào nghề thu mua cam non của vợ chồng anh Lê Văn Trọng (ấp Hiếu Văn, xã Hiếu Nghĩa, huyện Vũng Liêm, tỉnh Vĩnh Long).
 
Xã Hiếu Nghĩa được xem là vùng đất “vàng” để trồng cam sành vì thổ nhưỡng nơi đây khá phù hợp, cây phát triển tốt, năng suất cao, hộ làm giỏi có thể đạt 15 tấn/công, giúp đời sống người trồng cam khá ổn định.

{keywords}
Trái cam non nhỏ bằng trái hạnh (trái tắc, trái quất) được vợ chồng anh Trọng mua về phơi khô.

Theo ông Huỳnh Thanh Nhân- Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Hiếu Nghĩa, toàn xã có 1.268,4ha đất nông nghiệp, đến nay đa phần đã được chuyển sang trồng cam sành, một số ít trồng màu và cây ăn trái khác, hiện chỉ còn khoảng 50ha đất ruộng.

Với lợi thế sống ở vùng trồng cam sành, lại được người quen chỉ cho nghề mua cam non về phơi khô bán mà anh Lê Văn Trọng có thêm nguồn thu, đúng như câu nói “lúa tới đâu, bồ câu tới đó”- anh Trọng lý giải- “Không có lúa chín thì không có chim bọng, nhưng khi có lúa thì nó gom lại ăn”.

Theo chị Ngô Thị Khiêm- vợ anh Trọng, tùy vào kích cỡ mà cam non có nhiều mức giá thu mua khác nhau. Hiện, trái cam loại nhỏ nhất (cỡ trái hạnh) là 9.000 đ/kg, trái lớn hơn một chút (mua về cắt làm 2 để phơi) thì 5.000 đ/kg, nếu cân chung 2 loại thì khoảng 6.000 đ/kg, còn trái cam lớn (mua về xắt lát) thì 1.000- 2.000 đ/kg.

Khi chủ vườn dọn vườn hoặc xử lý trái thì những trái cam non không đẹp và bị thẹo vít thường sẽ cắt bỏ đi, những năm trước đây nó được xem là “đồ bỏ”, nhưng sau này thì khác, mỗi ngày 2 vợ chồng đi “lụm” cam non (đã rụng hoặc bị cắt bỏ) có thể bán được cả triệu đồng, ít nhất cũng được vài trăm ngàn đồng.

Không những vậy, việc gom cam non đi bán cũng góp phần hạn chế được ô nhiễm môi trường khi trái bị phân hủy.

Hiện, anh Trọng chủ yếu đi thu mua cam non trong bán kính khoảng 16km, chứ không đi xa quá vì “chuyên chở khó khăn”. Thường thì anh tự đi xe gắn máy để chở hàng về, mỗi chuyến anh có thể chở được 150kg cam, nếu vườn có vài trăm ký thì anh chịu khó đi vài lần vì chủ yếu là “xuất công làm lời”, còn vườn có từ 2- 3 tấn cam thì mướn xe ba rác chở về.

Sau khi mua về, vợ chồng anh Trọng phân ra làm 3 loại, cỡ nhỏ bằng trái hạnh thì để nguyên trái phơi, lớn hơn chút thì cắt làm đôi, còn lớn nữa thì xắt lát phơi, tuy nhiên phải là cam còn non, nhỏ và chưa có nước mới mua về xắt lát phơi được.

Thông thường, để có được 1kg cam khô thì phải mất 4kg cam tươi (loại xắt lát) hoặc 3,5kg cam xanh hoặc 3kg cam vàng (loại nguyên trái hoặc nửa trái).

Theo anh Trọng tìm hiểu thì cam khô chủ yếu được người ta mua về để ép lấy tinh dầu, ngoài ra bột cam có thể được dùng để bào chế dược liệu hoặc dùng trong thẩm mỹ.

Để tiết kiệm công sức, anh Trọng còn đầu tư hẳn máy xắt, chặt cam ra thành phẩm. Theo anh Trọng, đối với cam xắt lát cần phải phơi 7 ngày trời nắng mới khô, còn cam loại nguyên trái và nửa trái cũng phải phơi đến 10 ngày. Vì vậy, nghề này chủ yếu là sống nhờ trời nắng, còn tháng mưa thì phải đem ra, xúc vô cực như phơi lúa.

Bên cạnh, để phơi cam thì cần phải có khoảng sân rộng, vì vậy thấy xung quanh ai có sân trống thì anh hỏi mượn để phơi, “lúc thì tặng gia chủ thùng sữa, lúc mua bánh trái để duy trì lâu dài”- anh Trọng cười tươi và cho biết thêm khi phơi cam đã đủ độ nắng trái cam sẽ đen lại, mình phải bảo quản kỹ ở nơi khô ráo vì có nước vào cam sẽ bị ẩm, mốc.

Chúng tôi hỏi về cái duyên đến với nghề thì anh Trọng cho biết: Trước đây, anh sống bằng nghề thợ mộc nhưng đời sống gia đình anh khá bấp bênh vì chủ yếu là làm gia công, mà “lớn tuổi rồi khó leo trèo”, trong khi đóng đồ nhỏ thì công cán chẳng có bao nhiêu.

Năm 2018, anh được bắt đầu “thử vận” với nghề mới- nghề mua cam non về phơi khô bán, nhờ vậy mà anh có thêm thu nhập từ những trái cam tưởng chừng như bỏ đi của các chủ vườn.

“Không phải là người tiên phong theo nghề này, lúc mới làm tui chưa có kinh nghiệm, không nắm bắt thị trường cần gì nên có lúc phơi cam xong thì mối không “ăn”, phải đem đổ bỏ, rồi đôi khi bị hụt vốn, nhất là vô đợt có đám tiệc nhiều là phải hỏi mượn tiền để có vốn đi mua cam”- anh Trọng chia sẻ.

Song, nhờ vừa làm, vừa rút kinh nghiệm, nhất là đã tìm được đầu ra ổn định nên giờ anh Trọng có thể sống khỏe với nghề.

(Theo Báo Vĩnh Long/ Dân Việt)