Huyện Lâm Hà nằm trong vùng cao nguyên Di Linh và một phần cao nguyên Lang Biang, có độ cao trung bình trên 900m so với mực nước biển, diện tích tự nhiên rất rộng, lớn thứ hai của tỉnh Lâm Đồng. Tại đây có khoảng 29 dân tộc thiểu số như: Kơ Ho, Mạ, Tày, Nùng,...

Nằm trong khu vực khí hậu ôn đới, rừng đầu nguồn của hệ thống sông lớn Đồng Nai, thiên nhiên đã ban tặng cho Lâm Hà những địa danh du lịch hấp dẫn: thác Voi ở Nam Ban, thác Mưa Bay ở Phú Sơn, thác Liêng Chi Nha ở Tân Thanh, hồ Đạ Sa ở Liên Hà, hồ Ri Hin, hồ Đạ Dâng, hồ Phúc Thọ ở Phúc Thọ, hồ Tân Thanh, hồ Bãi Công ở Nam Ban, hồ thủy lợi Đông Thanh, hồ thủy điện Đồng Nai 2, 3,...

W-thacfrenn.png
Thác Prenn

Thêm vào đó, giao thông của Lâm Hà thuận lợi do gần Sân bay Liên Khương, có Quốc lộ 27 nối Quốc lộ 20 và đến tỉnh Đắk Lắk, các trục đường lớn liên thông với thành phố Đà Lạt, các huyện Đức Trọng, Di Linh,...

Trước những lợi thế đó, Đại hội Đảng bộ huyện Lâm Hà lần thứ VIII (nhiệm kỳ 2020 - 2025) xác định nhiệm vụ trọng tâm là “Khai thác tốt lợi thế có nhiều hồ thủy điện, hồ, thác nước để phát triển các dịch vụ du lịch. Trên cơ sở các sản phẩm du lịch hiện có, xây dựng tour, tuyến du lịch mà địa phương có lợi thế như: du lịch làng nghề truyền thống, du lịch canh nông..., từ đó định hình sản phẩm chủ lực để phát triển du lịch, dịch vụ của huyện”.

Theo đó, “Huy động mọi nguồn lực trong đầu tư, phát triển du lịch của huyện theo hướng chất lượng cao, bền vững; tiếp tục phát triển du lịch thể thao mạo hiểm, du lịch canh nông, du lịch cộng đồng; quan tâm đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong lĩnh vực du lịch; nâng cao hiệu quả công tác quản lý Nhà nước trong lĩnh vực du lịch; phấn đấu trong nhiệm kỳ đón trên 300 nghìn lượt khách, trong đó lượng khách quốc tế chiếm 10%; doanh thu ngành du lịch đạt trên 36 tỷ đồng, chiếm 22% giá trị ngành dịch vụ”.

Cùng với đó, là Nghị quyết số 08, ngày 26/7/2021, của Huyện ủy về “Thu hút đầu tư, phát triển du lịch trên địa bàn huyện giai đoạn 2021 - 2025 và định hướng đến năm 2030”. Theo đó, Lâm Hà đặt ra mục tiêu đến năm 2025: Tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm phấn đấu từ 15 - 20% với tổng lượt khách bình quân 60.000 - 65.000/năm, trong đó khách quốc tế trên 10%; lượt khách lưu trú 7 - 10%; bình quân lưu trú 1,5 ngày.

Phấn đấu đến năm 2025, Lâm Hà có 1 đến 2 khách sạn từ 1 đến 2 sao, 50 cơ sở du lịch. Những khu du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng sẽ được đánh thức để thực sự cất cánh ngành du lịch bằng kêu gọi thu hút đầu tư: thác Voi, hồ Phúc Thọ, thác Liêng Chi Nha, hồ Đạ Dâng và hồ thủy điện Đồng Nai 2. Sự phát triển của ngành du lịch theo đó sẽ tạo việc làm mới cho 500 - 700 lao động, trong đó 60% được đào tạo chuyên môn, nghiệp vụ.

Vào năm 2030, Lâm Hà xác định “ngành du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng, là động lực thúc đẩy các ngành khác phát triển theo hướng chất lượng và bền vững”.

Nhóm PV