"Nếu quy tất cả trách nhiệm để lạm phát tăng vào một mình ông Thống đốc, quả thực có phần hơi oan cho ông ấy", chuyên gia kinh tế Huỳnh Bửu Sơn nói.
Trong một chương trình tổng thể lớn là tái cơ cấu nền kinh tế, ngành ngân hàng - tiền tệ được xác định là phải tái cơ cấu đầu tiên để làm nhiệm vụ "bà đỡ" cho nền kinh tế.
Tại hội nghị triển khai nhiệm vụ ngành ngân hàng 2013, Thủ tướng Chính phủ đã chính thức "giao nhiệm vụ" chống lạm phát cho ngành ngân hàng, đích danh là Thống đốc ngân hàng Nhà nước, rõ ràng "Lạm phát cao, thống đốc phải chịu trách nhiệm!".
Chuyên gia kinh tế Huỳnh Bửu Sơn đã dành cho Tuần Việt Nam cuộc phỏng vấn nhanh.
Chỉ đạo của Thủ tướng mang tính cảnh báo
Ông khẳng định: Thống đốc Ngân hàng Nhà nước là người phải chịu trách nhiệm về chính sách tiền tệ của một quốc gia. Chính sách tiền tệ là tác động chủ yếu đến nền kinh tế. Cho nên, để nền kinh tế bị rơi vào lạm phát hay suy thoái có trách nhiệm rất lớn của Ngân hàng Trung ương, cụ thể là Thống đốc. Thủ tướng giao trách nhiệm cho cá nhân đứng đầu ngành Ngân hàng là cần thiết.
Tuy nhiên, tiền tệ không phải là tác nhân duy nhất ảnh hưởng đến nền kinh tế. Trong đó, ngân sách chi tiêu của Chính phủ, nền kinh tế thế giới như giá cả cá các mặt hàng nhập khẩu, giá năng lượng dầu mỏ cũng ảnh hưởng không nhỏ đến lạm phát trong nước.
Thưa ông Huỳnh Bửu Sơn, chỉ đạo và giao trách nhiệm rất quyết liệt của Thủ tướng như thế có thể tạo áp lực lớn lên ông Thống đốc và ngành ngân hàng, khiến họ lấy mục tiêu "chống lạm phát" làm đầu và duy nhất như đã từng làm thời gian qua, sẽ có tác động không tốt cho nền kinh tế. Cụ thể là tín dụng sẽ bị thắt chặt trong khi giới doanh nghiệp trong nước đang vô cùng khó khăn, thiếu vốn...
Nếu quy tất cả trách nhiệm để lạm phát tăng vào một mình ông Thống đốc, quả thực có phần hơi oan cho ông ấy. Nên tôi nghĩ chỉ đạo của Thủ tướng mang tính cảnh báo để thấy rằng năm 2013 chính sách tiền tệ sẽ thắt chặt hơn. Và, cũng phải có trách nhiệm của nhiều ngành liên quan nữa thì mới đảm bảo thực hiện tốt như chỉ đạo của Thủ tướng.
Lo đối phó suy thoái trước
Có nghĩa là doanh nghiệp sẽ tiếp tục khó tiếp cận nguồn vốn tín dụng?Nhưng chỉ đạo của Thủ tướng có nêu rõ là chống lạm phát nhưng nền kinh tế phải phát triển. Đó là nhiệm vụ kép?
Trong nền kinh tế có 2 trạng thái ngược nhau là lạm phát và suy thoái. Tất cả đều xấu.
Thông thường, khi lạm phát, nền kinh tế sẽ có tăng trưởng, sản xuất và tiêu dùng tăng. Còn ngược lại, kinh tế đình đốn, tiêu dùng giảm. Cho nên, để giải quyết tình trạng lạm phát và suy thoái, 2 trạng thái ngược nhau của nền kinh tế phải có những ưu tiên khác nhau, biện pháp khác nhau.
"Chỉ đạo của Thủ tướng mang tính cảnh báo để thấy rằng năm 2013 chính sách tiền tệ sẽ thắt chặt hơn", chuyên gia Huỳnh Bửu Sơn nhận định. |
Theo tôi, phải nên đối phó với suy thoái trước. Vì suy thoái làm sản xuất đình đốn, nhu cầu tiêu dùng giảm, thất nghiệp tăng cao. Sau đó, nếu xuất hiện dấu hiệu lạm phát như giá cả tiêu dùng gia tăng, ta sẽ có biện pháp khác. Nhưng chỉ sợ là lạm phát phi mã thôi chứ lạm phát ở mức bình thường thì không lo đâu. Nói chung, cần sự linh hoạt.
Vậy chính sách tiền tệ để giải quyết linh hoạt là như thế nào?
Đối phó với suy thoái, sau đó dùng biện pháp tiền tệ và tín dụng có định hướng rõ rệt can thiệp tích cực vào nền kinh tế.
Ngân hàng cho vay các doanh nghiệp hoạt động có hiệu quả, có nguồn thu nhanh như xuất nhập khẩu, thương mại, dịch vụ. Và giảm bớt đầu tư lâu dài, đầu tư bất động sản, đầu tư công không có hiệu quả.
Như vậy sẽ giải quyết được bài toán chống suy thoái lẫn lạm phát.
Tránh 'trống đánh xuôi, kèn thổi ngược'
Theo ông để tránh điều hành "giật cục" giải quyết 2 trạng thái ngược nhau này như những năm vừa qua, cần phải tránh những sai lầm như thế nào?
Đây thật ra là cái khó của thời gian qua. Trong nền kinh tế của nước ta có một số nhu cầu lợi ích từ các tập đoàn, doanh nghiệp nhà nước nên đã làm thay đổi, biến tướng định hướng chung.
Ví dụ Nhà nước muốn kiểm soát để chống lạm phát nhưng nhu cầu của các tập đoàn, công ty độc quyền như điện lực, xăng dầu luôn muốn tăng giá và thực tế tăng liên tục. Vậy là "trống đánh xuôi, kèn thổi ngược", lợi ích không tương đồng, mâu thuẫn lẫn nhau khiến cho nền kinh tế bị rối loạn, định hướng chung không thực hiện được.
Việc các công ty, tập đoàn độc quyền tăng giá gây rối loạn đâu phải là trách nhiệm của Ngân hàng? Ông Thống đốc với trách nhiệm "không để lạm phát" tăng cao nhưng đâu có thể ngăn chặn hoặc không cho tăng được?
Thủ tướng cũng đã nói "Thống đốc là thành viên Chính phủ...", có nghĩa là trong điều hành có các thành viên Chính phủ nữa.
Thật ra, nhiều chuyên gia đã khẳng định, cần nhất là ổn định kinh tế vĩ mô, chính sách về ngân sách, hạn chế và giảm những tác động tiêu cực để thúc đẩy hoạt động doanh nghiệp. Từ đó, kiểm soát tốt lạm phát, vừa tăng trưởng vừa ổn định.
Gần đây, vàng là mặt hàng vô cùng nhạy cảm với mọi người dân đã bị đưa vào diện kiểm soát. Từ ngày hôm nay việc mua bán vàng không còn tự do như trước nữa. Theo anh, biện pháp quyết liệt như thế này có thực sự cần thiết cho chính sách tiền tệ và nền kinh tế?
Kiểm soát thị trường vàng là cần thiết và rất có lợi cho kinh tế đất nước. Đâu có lý do gì mà cứ lấy ngoại tệ nhập vàng về như lâu nay? Đó chẳng khác gì thông điệp không cần đâu tư, không cần tiết kiệm?
Nhu cầu nữ trang trong nhân dân là chính đáng, cần tôn trọng. Nhưng việc trữ kim (trữ vàng) trong dân là không có lợi cho nền kinh tế mà còn có hại. Vì vậy, cần kiểm soát ngay là rất đúng đắn và cần thiết!
Xin chân thành cảm ơn ông!
Duy Chiến