- "Khi bước vào làm phim, coi như đã bước lên đoạn đầu đài. Khi làm xong thì cũng có nghĩa hàng ngàn mũi tên bắn vào mình", Lưu Trọng Ninh - đạo diễn 'Khát vọng Thăng Long' nói về thách thức khi làm phim lịch sử.

'Lịch sử hay lắm, không vớ vẩn như phim'
Có gì trong tay mà làm phim cổ trang
Thách thức khi làm phim "mặc giáp sắt cưỡi ngựa"
Phim lịch sử và thương hiệu quốc gia
Câu hỏi lớn cho dòng phim cổ trang lịch sử?
Chuyện lùm xùm quanh phim "Huyền sử Thiên đô"
Nháo nhào tìm kiếm diễn viên phim cổ trang

Lưu Trọng Ninh là đạo diễn của bộ phim truyện nhựa lịch sử duy nhất được làm nhân dịp Hà Nội tròn 1000 năm, Khát vọng Thăng Long. Đây là dự án có khá nhiều chuyện hậu trường ì xèo, nhưng trên hết, là một bộ phim "xem được". Khát vọng Thăng Long tuy không giành giải Cánh diều vàng 2011 nhưng lại thắng ở hạng mục Đạo diễn xuất sắc nhất và Nam diễn viên chính xuất sắc nhất.

Tròn 1 năm kể từ thời điểm phim bấm máy (6/2010), VietNamNet đã có cuộc trò chuyện với Lưu Trọng Ninh về những thách thức mà anh gặp phải khi thực hiện Khát vọng Thăng Long. Đây cũng là lần đầu tiên, anh tiết lộ rất nhiều thông tin "mật" của bộ phim. Những khó khăn mà Lưu Trọng Ninh gặp phải có thể nói cũng là khó khăn chung mà dòng phim lịch sử Việt Nam đang phải đối mặt.

Làm phim là coi như bước lên đoạn đầu đài

Khát vọng Thăng Long có thể nói là bộ phim truyện nhựa lịch sử được chú ý nhất, nhiều thăng trầm nhất. Là đạo diễn, anh đã gặp phải những khó khăn gì trước, trong quá trình thực hiện và sau khi phim ra mắt?

Về bản chất, phim lịch sử cũng giống như tất cả các thể loại phim khác nhưng phim lịch sử VN lại ở một vị thế khác hẳn. Thứ nhất vì nó chưa có tiền lệ nhiều, chưa được công nhận. Thứ hai, phim lịch sử VN không mang một sứ mạng bình thường của một bộ phim là hàng hoá phục vụ khán giả mà lại mang sứ mạng lớn hơn nhiều là thông qua bộ phim đó người ta muốn hiểu biết về lịch sử, xem xét tư tưởng của nhà làm phim mà những điều này thì trên thế giới không xảy ra từ lâu lắm rồi.

Đạo diễn Lưu Trọng Ninh (ngoài cùng bên phải) cùng con gái và các diễn viên chính tham dự buổi ra mắt phim tại Hà Nội.

Đã là phim lịch sử thì đòi hỏi ngân sách rất lớn để đạt được độ chân thực cũng như mong muốn của những người làm phim do cần đến nhiều kỹ xảo. Trong khi đó, trong hoàn cảnh làm phim của chúng ta hiện nay, khó khăn gấp cả ngàn lần. Đầu tiên là không có bằng chứng lịch sử, không có một tác phẩm văn học lịch sử nào tả cách đối thoại cách đây 1000 năm thế nào. Người xưa ăn mặc thế nào, nhà cửa ra sao cũng không rõ. Thêm nữa, điện ảnh Việt Nam lại quá nghèo, không có nổi một trường quay. Tuy nhiên, trong tất cả điều khó khăn đó lại manh nha những điều rất thuận lợi. Đầu tiên, phim lịch sử sinh ra trong môi trường người ta đang chờ đón. Thứ hai, nó cũng đã học được những gì có trước. Thứ ba, chính thứ vô thực và ảo đó lại cho phép người đạo diễn rộng bàn tay và tư duy của mình hơn.

Nếu như Trung Quốc hay nhiều nước khác họ làm cứ làm thì ở ta, phim lịch sử thường được làm nhân dịp một ngày lễ lớn nào đó. Chính điều ấy bắt phim lịch sử VN mang thêm những sứ mệnh lớn hơn như sứ mệnh chính trị, giáo dục về lịch sử, sứ mệnh thông tin.

Phim lịch sử Việt Nam chưa đủ mạnh và đa phần khán giả thì lại quá quen với phim sử Trung Quốc nên khi xem họ luôn có tâm lý so sánh với phim Việt. Làm thế nào để phim của anh không giống phim Trung Quốc và mang màu sắc Việt?

Rất dễ, điều đó không khó. Cái gốc là tâm hồn Việt. Để làm một bộ phim lịch sử, khi đã tìm được một lối đi thì mình không sợ. Và dù là Mỹ, là Trung Quốc hay bất cứ quốc gia nào, khi làm phim lịch sử đều dựa vào lòng tự hào dân tộc. 

Một trong những điều đầu tiên tôi đặt ra khi làm Khát vọng Thăng Long là làm sao không giống phim Trung Quốc vì phim Trung Quốc đã hằn vào tâm trí khán giả VN từ rất nhiều bộ phim hay. Để thoát được ảnh hưởng của thế giới, tôi dựa vào hai yếu tố quan trọng là tâm hồn Việt và văn hoá Việt.

Cảnh trong phim "Khát vọng Thăng Long"

Khi nói chuyện với các nhà sử học trước khi bắt tay vào thực hiện bộ phim, họ nói về sử nhiều. Tôi bảo: Các ông đúng nhưng tôi làm phim không nhằm chứng minh lịch sử mà thoả mãn khát vọng của người xem hôm nay. Nếu làm đúng lịch sử thì phụ nữ 1000 năm trước phải nhuộm răng đen, đàn ông đóng khố, thô sơ và xấu xí lắm. Nếu làm phim đúng với lịch sử thì các ông có xem không?

Như anh nói ở trên, phim lịch sử VN bị gắn quá nhiều sứ mệnh. Chính điều đó đã tạo nên những áp lực khủng khiếp lên người làm phim, đặc biệt là phim được làm nhân dịp 1000 năm Thăng Long. Thực tế là trước đó đã có dự án phim nhựa về Lý Công Uẩn đổ bể. Khi bắt tay vào làm một bộ phim được dư luận chờ đợi và soi xét nhiều như vậy, anh đã phải đối mặt với những áp lực như thế nào?

Khi bước vào làm bộ phim này thì coi như tôi đã bước lên đoạn đầu đài. Còn khi làm xong bộ phim này thì cũng có nghĩa hàng ngàn mũi tên bắn vào mình. Nhưng đời một thằng nghệ sĩ, được như thế cũng đã là một hạnh phúc rồi. Tôi quan niệm: chết cho đáng chết chứ không có gì phải sợ hãi cả. Câu chuyện của chúng ta về phim lịch sử tất nhiên còn rất nhiều nỗi niềm riêng. Cái riêng mà mình chưa đạt được một phần vì vị thế của người đạo diễn còn chưa lớn, một phần là những người lãnh đạo chưa đủ tầm. Chúng ta lại chưa có những nhà sản xuất phim thực sự mà mới chỉ có những người có tiền. Nếu có nhà sản xuất thì công việc của chúng tôi dễ hơn nhiều vì họ hiểu chúng tôi muốn gì.

Ví dụ với Khát vọng Thăng Long, nếu đoạn kết không như vậy thì phim sẽ hay hơn rất nhiều nhưng nhà sản xuất muốn thế thì đành chịu. Vì vậy tôi từ chối quay đoạn kết. Nhưng nhà sản xuất nói với tôi một câu thế này và tôi thông cảm với họ: Anh ơi, em bỏ ngần ấy tiền ra, đây là phim chào mừng chứ không phải phim của riêng anh. Khi nào anh có điều kiện thì anh làm phim của riêng anh. Phim chào mừng thì phải có chuyện dời đô. Nhưng bộ phim tôi định làm có phải đề cập đến chuyện đó đâu mà là Lý Công Uẩn trong nhân gian khi chưa lên ngôi chứ không phải chuyện triều chính đó. Và dù ký mức nhuận bút 1 tỉ đồng rồi nhưng khi phim hoàn thành tôi không lấy một xu, thấy người ta lỗ thì mình nỡ nào đòi tiền họ.

Sự kiện 1000 năm là cái cớ rất tốt để các dự án phim lịch sử lớn được xúc tiến nhanh nhưng lại tạo nên áp lực lớn những người làm phim vì phải đảm bảo tiến độ, do phim kỷ niệm mà chiếu muộn thì mất ý nghĩa. Yếu tố thời gian đã ảnh hưởng thế nào đến chất lượng phim?


Khó khăn lớn nhất là vấn đề thời gian. Phim bấm máy vào 13/6/2010 và đến 10/9 đã xong cả phần quay lẫn hậu kỳ. Một bộ phim lớn như thế mà làm trong vòng chưa đến 3 tháng khi không có bất cứ một bối cảnh nào. Một cảnh có khi phải quay ở 3 tỉnh khác nhau. Đi đâu cũng thấy bê tông, đi đâu cũng thấy ăng ten, đi đâu cũng thấy dây điện. Do vậy góc máy bị khống chế khủng khiếp. Những điều đó hạn chế tác phẩm rất nhiều. Với bộ phim này, nếu chỉ được dựng lại, làm lại phần hậu kỳ thôi, thì sẽ khác. Cắt một hình là lại bị xô toàn bộ phần âm thanh, có khi phải mất thêm cả tháng nữa để chỉnh sửa mà thời gian lại không cho phép.

Phim để chào mừng là thế nào?

Anh có hài lòng khi được trao giải Cánh diều vừa rồi cho Đạo diễn xuất sắc nhất không?

Nói thật, tôi quá nhiều giải rồi. Tôi cũng chưa bao giờ tôn trọng các hội đồng giám khảo vì già thì thủ cựu, trẻ thì đố kỵ.

Đó có phải lý do anh không đến nhận giải?

Tôi có nói với nhà sản xuất từ trước rằng: Em đừng đưa phim đi dự thi làm gì vì anh biết kết cục của nó thế nào, phim sẽ không bao giờ được trao giải vàng đâu. Nhưng cô ấy vẫn là người quyết định cuối cùng. Tôi nói: Vậy em dự chứ anh không đi dự đâu.

Nhìn vào các dự án phim lịch sử được làm nhân dịp 1000 năm, gần như phim nào cũng gặp trục trặc, không chuyện nọ thì chuyện kia, có phim còn không thực hiện được. Phải chăng có một lời nguyền nào đó với các bộ phim này chăng?

Tôi không nhìn như vậy một chút nào cả. Tôi chỉ nói rằng những dự án đó tâm không sáng. Cái thì để chào mừng, cái để lấy tiền nhà nước làm ngân sách. Nó không bình thường. Nếu là tác phẩm điện ảnh bình thường thì nó sẽ không bị những chuyện này. Chẳng có lời nguyền nào, chỉ có xuất phát không sáng. Kể cả phim tôi làm cũng thế thôi. Phim làm để chào mừng là thế nào? Đáng lẽ người ta phải hiểu rằng chậm 1 năm cũng không quan trọng, kỷ niệm là cả một đời người, làm sao để có một tác phẩm hay nhất.


Vậy sau Khát vọng Thăng Long, nếu được mời đạo diễn một dự án phim lịch sử, với những khó khăn đã gặp phải anh có muốn làm nữa không?

Tôi không sợ khó khăn. Nhưng nếu bây giờ làm thì sẽ tốt hơn rất nhiều vì bài học đó, thử thách đó đã cho mình rất nhiều kinh nghiệm. Thực ra những cái xưa cũ có sức mạnh ghê ghớm. Không gian xưa, con người xưa... tự hình ảnh của nó đã thú vị lắm rồi nên có điều kiện thì làm rất tốt vì bây giờ người ta đã quá chán ngán với cuộc sống và không gian hiện đại. Hiện tại tôi đang viết kịch bản phim về truyện Kiều của Nguyễn Du và tôi rất thích dự án này.

Hạnh Phương