Thu trăm triệu từ quế hữu cơ

Vừa kết thúc vụ khai thác quế thứ 2 trong năm nay, anh Triệu Toàn Phú – người dân tộc Dao ở thôn Khe Mạ, xã Phong Dụ Thượng (Văn Yên, Yên Bái) hớn nhở khoe nhà mình có 9 ha quế được trồng trên đất khai hoang. Mỗi năm anh thu hoạch 2 vụ, vào tháng 3 và tháng 8 theo phương thức thu tỉa hoặc khai thác trắng. Trong đó, nếu chọn cách khai thác trắng thì từ khi trồng đến khi thu hoạch toàn bộ phải mất 10 năm.

Với 9 ha trồng quế, gia đình anh chọn cách trồng luôn phiên, mỗi năm thu hoạch và trồng mới trên 1ha. Làm như vậy thì năm nào cũng có quế thu hoạch. Theo đó, năm nay gia đình bóc vỏ quế bán được 250 triệu đồng. Sau trừ đi chi phí trồng mới, chi phí sinh hoạt của gia đình, anh để dành được 180 triệu đồng.

Gần chục nay năm nào cũng thu được từng đó tiền. Có năm trừ đi chi phí số tiền còn lại khoảng 120 triệu, cũng có năm để dành được khoảng 180 triệu đồng. Tiền này anh đem cất đi đến giờ cũng được 1,5 tỷ đồng, anh tiết lộ.

Anh Phú kể, quế là cây đặc sản ở địa phương, gia đình anh trồng quế được nhiều năm nay nhưng đều là trồng tự phát. Đến mùa thu hoạch, giá bán vỏ quế khô chỉ được 40.000 đồng/kg.

Năm nay, gia đình tham gia nhóm trồng quế theo quy trình hữu cơ, lúc trồng không được bón không, không được sử dụng thuốc diệt cỏ.

“Tôi còn phải ghi chép nhật ký từng ngày chăm sóc để làm tài liệu cho cán bộ dự án thực hiện thủ tục xin cấp chứng nhận sản phẩm rồi đem đi xuất khẩu nữa”. Anh cũng cho biết, trồng cây quế hữu cơ, vỏ quế bóc ra được doanh nghiệp thu mua toàn bộ với giá 60.000 đồng/kg, cao gấp rưỡi so với khi bán cho thương lái.

{keywords}
Gia đình anh Phú có tiền tỷ nhờ trồng quế bóc vỏ bán

Bà Nguyễn Thị Phượng, thôn Làng Trạm, xã Phong Dụ Thượng cũng cho biết, gia đình có 10ha trồng quế. Tất cả đều là quế hữu cơ. Năm nay bà thu tỉa được 10 tấn vỏ tươi, tương đương 5 tấn vỏ khô, bán được 250 triệu đồng. Thân gỗ chặt bán với giá 1,2 triệu đồng/m3.

Ngoài số quế khai thác từ rừng quế gia đình mình trồng, bà Phương còn đứng ra làm đại lý thu mua quế từ bà con nông dân tại 3 xã: Phong Dụ Hạ, Xuân Tầm và Phong Dụ Thượng rồi bán lại cho các nhà máy chế biến xuất khẩu quế. Năm nay, cơ sở của bà thu mua gom 600 tấn vỏ quế khô, trong đó có hơn 200 tấn được cấp chứng nhận quế hữu cơ.

Quế thành cây xoá đói giảm nghèo

Trao đổi với phóng viên, ông Lò Văn Mạnh – Phó bí thư kiêm Chủ tịch UBND xã Phong Dụ Thượng cho biết, trước đây, người dân sản xuất quế chủ yếu nhỏ lẻ, với diện tích cây quế toàn xã chỉ khoảng 300ha. Đến nay, có có 94% số hộ toàn xã tham gia trồng với diện tích khoảng 2.000ha. Trong đó đa phần đều phát triển theo hướng hàng hóa quy mô lớn. 

Từ năm 2018, phía xã đã chỉ đạo, phối hợp với một số doanh nghiệp cùng tuyên truyền vận động nhân dân địa phương chuyển đổi mô hình từ trồng quế tự nhiên sang trồng quế tuân thủ quy trình sản xuất sạch, trồng quế hữu cơ để xuất khẩu sang các nước châu Âu, Mỹ…

Theo ông Mạnh, quế không chỉ giúp người dân xóa đói, giảm nghèo, làm giàu mà nó còn là biểu tượng kinh tế, văn hóa của cộng đồng người dân tộc Dao, góp phần phủ xanh đất trống, đồi núi trọc và bảo vệ môi trường rừng.

{keywords}
Mô hình trồng quế sạch, quế hữu cơ đã giúp người dân thoát nghèo, có thu nhập ổn định

Hiện tại, xã Phong Dụ Thượng có khoảng trên 200 hộ dân tham gia trồng quế hữu cơ có liên kết với doanh nghiệp để xuất khẩu sang châu Âu. Các hộ dân này đều được đào tạo quy trình trồng, chăm sóc, khai thác và vận chuyển để đảm bảo sản phẩm đưa ra thị trường đúng chuẩn.

“Dù quy trình trồng và chăm sóc nhiều phức tạp, nhưng giá quế hữu cơ lại được doanh nghiệp thu mua cũng cao hơn quế trồng theo phương thức truyền thống”, ông Mạnh chia sẻ.

Theo UBND huyện Văn Yên, hiện tổng diện tích cây quế trên địa bàn huyện lên đến 40.019 ha. Trong đó, đã được xác lập chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm tại 8 xã nằm ở hữu ngạn sông Hồng gồm: xã Phong Dụ Thượng 1.998 ha, Phong Dụ Hạ 2.112 ha, Xuân Tầm 3.371 ha, Châu Quế Hạ 4.789 ha, Tân Hợp 2.624 ha, Đại Sơn 3.168 ha, Viễn Sơn 2.600 ha, Mỏ Vàng 4.695 ha.

Mô hình trồng quế hữu cơ đảm bảo các mục tiêu phát triển rừng, bảo đảm đa dạng sinh học và môi trường tài nguyên thiên nhiên. Hướng phát triển này cũng đang được huyện nhân rộng ra các xã. Bởi, quế không chỉ là cây đặc sản mang lại giá trị kinh tế cao mà còn mà còn có tác dụng phủ xanh đất trống, đồi núi trọc, phòng hộ, chống xói mòn đất.

Bài: Nguyễn Mạnh Hưng - Nhóm PV

Ảnh: Phạm Thu Huyền - Nhóm PV