- Các quy định luật hóa hoạt động giám sát, phản biện trong dự thảo luật Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) sửa đổi còn khiến hầu hết các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) băn khoăn.

Sáng 16/4, UBTVQH bàn dự thảo luật MTTQ sửa đổi, trong đó nội dung liên quan giám sát, phản biện xã hội có nhiều ý kiến dù Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký MTTQ Việt Nam Vũ Trọng Kim nói rằng nếu trì hoãn thể chế hóa việc này sẽ làm mất niềm tin của nhân dân.

{keywords}
Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký MTTQ Việt Nam Vũ Trọng Kim. Ảnh: Minh Thăng

"Việc quy định trong luật để phát huy quyền làm chủ, sức sáng tạo của nhân dân trong hoạt động chính sách, chứ không có mục đích gì khác" - ông Kim phát biểu.

MTTQ đại diện nhân dân?

Trong dự thảo luật có nội dung giám sát và phản biện, đó là "việc thực hiện chính sách, pháp luật, các chương trình, dự án, đề án của cơ quan nhà nước trên một số lĩnh vực cần thiết có liên quan đến quyền, nghĩa vụ cơ bản của công dân". Như vậy, để đảm bảo cho các hoạt động này đúng luật, dự thảo luật xác định thêm vị trí của MTTQ là tổ chức "đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân".

Chủ nhiệm UB Pháp luật Phan Trung Lý cho hay, dù đồng tình nhưng loại ý kiến ủng hộ đòi hỏi phải quy định rõ hơn nhiệm vụ của MTTQ Việt Nam trong việc đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân.

Trong khi đó, đối với những ý kiến cho rằng phải cần nhắc kỹ hơn, câu hỏi đặt ra đó là để có chức năng đại diện của nhân dân, cần phải làm rõ cơ chế để nhân dân “ủy quyền” cho MTTQ Việt Nam; phương thức đại diện, phương thức bảo vệ như thế nào?

Ngoài ra, dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 quy định công dân có rất nhiều quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng. Vậy theo các quy định của dự thảo luật thì MTTQ Việt Nam có thể đại diện và bảo vệ được toàn bộ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân hay không? Bên cạnh đó, dự thảo luật chưa có các quy định cụ thể để làm rõ được chức năng "bảo vệ" của MTTQ.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cũng nhận xét dự thảo luật chưa làm rõ được vị trí "đại diện, bảo vệ" như MTTQ mong muốn, do đó việc quy định nội dung giám sát và phản biện như vậy cũng chưa rõ.

Chủ nhiệm UB Quốc phòng - An ninh Nguyễn Kim Khoa thì băn khoăn, giám sát mang tính nhân dân dễ hiểu nhưng phản biện xã hội liệu có mang tính chất nhân dân và như thế nào cần phải làm rõ. Nếu phản biện do tự thân MTTQ tiến hành sẽ khác (về bản chất) với thông qua lấy ý kiến của nhân dân.

Phản biện của cá nhân?

Chủ nhiệm UB Các vấn đề xã hội Trương Thị Mai đặt vấn đề cơ sở nào MTTQ làm chức năng đại diện, bảo vệ cho nhân dân? Cho rằng dự thảo liên quan đến hoạt động giám sát và phản biện "quá nguyên tắc", bà Mai đồng thời đặt câu hỏi liệu tiếng nói phản biện của những cá nhân trong MTTQ sẽ được quy định ra sao?

"Cần xây dựng khung pháp lý rất cụ thể, bao gồm phạm vi, quy trình, thủ tục tiến hành giám sát, phản biện từng cấp độ khác nhau, thẩm quyền khác nhau. Anh tập hợp rộng rãi thành phần, tổ chức như vậy, cả những cá nhân tiêu biểu nữa thì họ có được thực hiện giám sát không?" - bà Mai nêu vấn đề.

Chủ nhiệm UB Pháp luật Phan Trung Lý cho hay, nội dung về giám sát, phản biện của dự thảo luật được xây dựng nhằm thể chế hóa Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên CNXH, trong đó khẳng định Đảng, Nhà nước có cơ chế, chính sách, tạo điều kiện để Mặt trận và các đoàn thể nhân dân hoạt động có hiệu quả, thực hiện vai trò giám sát và phản biện xã hội.

Tuy nhiên, ông cho rằng, việc này cần được cân nhắc để bảo đảm phù hợp với kết luận tháng 1 vừa qua của Bộ Chính trị về đề án Quy chế giám sát, phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội: “Hiện nay, chưa nên đặt vấn đề xây dựng luật về giám sát và phản biện xã hội; chưa sửa đổi luật MTTQ Việt Nam về nội dung này; chưa đặt vấn đề về bổ sung, sửa đổi Hiến pháp và các văn bản pháp luật có liên quan về vấn đề này vì chưa đủ cơ sở khoa học và thực tiễn”.

Các ý kiến cũng cho rằng vai trò, cơ chế của hoạt động giám sát, hoạt động phản biện xã hội trong dự thảo luật còn quy định chung chung; quy định về nghĩa vụ của các cơ quan có thẩm quyền trong hoạt động giám sát, phản biện xã hội chưa hợp lý, hình thức phản biện xã hội quy định còn cứng nhắc, chưa linh hoạt trong hoạt động thực tiễn; chưa quy định cơ chế hoạt động giám sát, phản biện xã hội của các cá nhân tiêu biểu - một bộ phận của MTTQ Việt Nam...

Linh Thư

Các tin liên quan

Giám sát, phản biện phải 'ra tấm ra món'

Mặt trận phải được trao 'cây gậy hành động'

Mong Mặt trận không bị giới hạn khi phản biện

Trao quyền phản biện không thể khóa trái cửa