Cũng giống như nhiều bậc phụ huynh khác, nếu thấy con em mình dành quá nhiều thời gian vào trò chơi điện tử, bạn có thể lo lắng những đứa trẻ đã bị "nghiện game".

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã thực sự xếp "rối loạn trò chơi điện tử" vào nhóm tình trạng sức khỏe tâm thần trong Bảng danh sách Phân loại quốc tế về bệnh tật mới nhất (ICD -11). Điều đó có nghĩa là chơi game có thể được coi ngang hàng với các chứng nghiện khác.

Bảng phân loại này sẽ được chính thức thông qua vào năm 2022. Vì vậy, nếu bây giờ bạn lo lắng về việc chơi game của con em mình, bài viết này sẽ giúp bạn xác định xem chúng có thực sự trở thành vấn đề hay không?

Và liệu bạn có cần tham khảo ý kiến của bác sĩ tâm lý về hành vi chơi game của con em mình?

Làm sao để biết một đứa trẻ nghiện game, khi nào thì cần đi khám và điều trị? - Ảnh 1.

Làm sao để biết một đứa trẻ nghiện game, khi nào thì cần đi khám và điều trị?

Điều đầu tiên cần nói, rối loạn trò chơi điện tử không phải là vấn đề của riêng trẻ nhỏ. Nó có thể là vấn đề mà mọi game thủ ở mọi lứa tuổi phải đối mặt: từ trẻ em, thanh thiếu niên cho đến người trưởng thành.

Điều quan trọng tiếp theo cần nhớ là tình trạng rối loạn này không được định nghĩa bởi số giờ chơi game ít hay nhiều. Thay vào đó, WHO dựa vào sự ảnh hưởng của việc chơi game đến đời sống hàng ngày để xác định nó.

Rối loạn trò chơi điện tử được chẩn đoán, nếu một người mắc đồng thời 3 triệu chứng sau trong thời gian ít nhất 12 tháng:

1. Mất kiểm soát đối với việc chơi game (ví dụ quyết định có chơi hay không, hoàn cảnh chơi, tần suất, cường độ, thời gian chơi và khi nào thì dừng lại)

2. Tăng mức độ ưu tiên dành cho việc chơi game, vượt qua các hoạt động và sở thích thường ngày khác

3. Tiếp tục hoặc chơi game ngày càng nhiều, bất chấp những hậu quả tiêu cực đến công việc, học tập, cuộc sống gia đình, sức khỏe, vệ sinh cá nhân, tài chính hoặc các mối quan hệ xã hội.

Tiếp theo, rối loạn trò chơi điện tử chỉ tập trung vào hoạt động chơi game, nó không bao gồm các hành vi khác như lạm dụng internet, cờ bạc trực tuyến, sử dụng phương tiện truyền thông xã hội hoặc điện thoại thông minh.

Và cuối cùng, hoạt động chơi game trên bất kể thiết bị nào từ máy tính, điện thoại cho đến máy chơi game chuyên dụng đều được tính, mặc dù hầu hết những người phát triển các rối loạn này chơi game trên internet.

Làm sao để biết một đứa trẻ nghiện game, khi nào thì cần đi khám và điều trị? - Ảnh 2.

Ước tính, sẽ có khoảng 98.400 cho đến 328.000 người mắc rối loạn trò chơi điện tử ở nước ta.

Rối loạn trò chơi điện tử là một tình trạng sức khỏe nghiêm trọng

Có thể thấy, các tiêu chí của WHO chỉ ra rối loạn trò chơi điện tử là một tình trạng sức khỏe nghiêm trọng. Nhưng cũng vì tính nghiêm trọng đó, không phải bất kỳ ai chơi game cũng rơi vào tình trạng rối loạn này.

Giống như các chứng nghiện khác, tỷ lệ những người chơi game rơi vào tình trạng rối loạn trò chơi điện tử chỉ ở khoảng 0,3 đến 1%. Nhưng nếu quy ra số lượng, tỷ lệ này vẫn tạo nên những con số đáng ngại.

Ví dụ, nghiên cứu ở Australia cho thấy 67% dân số nước ngày chơi trò chơi điện tử. Có nghĩa là sẽ có khoảng 5.000-16.500 người Australia có khả năng phải nhận chẩn đoán mắc chứng rối loạn.

Con số theo một khảo sát ở Việt Nam là 35%, tương đương 32,8 triệu người chơi game. Ước tính, sẽ có khoảng 98.400 cho đến 328.000 người mắc rối loạn trò chơi điện tử ở nước ta.

Không phải ai cũng đồng ý đây là một rối loạn tâm thần

Mặc dù các tổ chức tâm thần và sức khỏe nên đứng về một phía với nhau, nhưng việc phân loại rối loạn trò chơi điện tử như một chứng nghiện vẫn còn được đem ra tranh cãi.

Hiệp hội Tâm thần Hoa Kỳ (APA) vẫn chưa bị thuyết phục bởi điều đó. Có hai vấn đề đang khiến họ băn khoăn.

Làm sao để biết một đứa trẻ nghiện game, khi nào thì cần đi khám và điều trị? - Ảnh 3.

Tác động quan trọng nhất, sau khi rối loạn trò chơi điện tử được phân loại như các chứng nghiện, đó là nó sẽ giúp các chuyên gia y tế xây dựng được phác đồ điều trị.

Đầu tiên là các rối loạn liên quan đến chơi game thường xảy ra song hành với các yếu tố tâm thần khác như sự cô đơn, lo lắng và trầm cảm. APA cho rằng các game thủ có vấn đề xuất phát từ là một triệu chứng của những tình trạng này, chứ không phải bản thân hoạt động chơi game làm nảy sinh các vấn đề đó.

Điều thứ hai mà APA cân nhắc là hiện chúng ta chưa có nhiều bằng chứng và nghiên cứu mạnh mẽ để hỗ trợ chứng rối loạn trò chơi điện tử như một chứng nghiện theo đúng nghĩa.

Các chuyên gia khác cũng đã cân nhắc trong cuộc tranh luận này, cho thấy việc phân loại chỉ đơn giản là một phản ứng đối với mối quan tâm lớn của cộng đồng, và sự hoảng loạn đạo đức liên quan đến các trò chơi điện tử.

Rối loạn trò chơi điện tử nên được điều trị như thế nào?

Tác động quan trọng nhất, sau khi rối loạn trò chơi điện tử được phân loại như các chứng nghiện, đó là nó sẽ giúp các chuyên gia y tế xây dựng được phác đồ điều trị.

Nhưng giống như việc phân loại rối loạn này, khoa học chưa có các nghiên cứu rõ ràng về con đường điều trị cho các game thủ gặp vấn đề. Một cuộc khảo sát của các bác sĩ tâm thần ở Australia và New Zealand cho thấy chỉ có 16,3% cảm thấy tự tin khi điều trị rối loạn trò chơi điện tử.

Làm sao để biết một đứa trẻ nghiện game, khi nào thì cần đi khám và điều trị? - Ảnh 4.

Để điều trị đạt hiệu quả cao nhất, kế hoạch điều trị cần được thiết kế theo nhu cầu của từng cá nhân

Có hai hình thức điều trị mà các bác sĩ tâm lý thường sử dụng phổ biến: một tập trung vào tìm hiểu tình huống của game thủ; hai là tập trung vào việc học các hành vi mới.

Điều trị thường bao gồm các buổi trị liệu với một cố vấn tâm lý. Các phiên này có thể được tổ chức theo hình thức cá nhân, nhóm nhỏ hoặc cùng với gia đình. Mỗi phiên như vậy đặt trọng tâm vào các khía cạnh khác nhau. Ví dụ, các buổi trị liệu gia đình tập trung vào khám phá và giải quyết các vấn đề trong gia đình bệnh nhân, những thứ có thể góp phần vào việc gây nghiện.

Phương pháp điều trị phổ biến thứ hai là liệu pháp hành vi nhận thức (CBT). Liệu pháp này thường được dùng bên ngoài các buổi tư vấn. CBT dựa trên tiền đề cho rằng, những suy nghĩ quyết định cảm xúc và thường được sử dụng để điều trị nhiều chứng rối loạn tâm thần như lạm dụng chất gây nghiện, trầm cảm và lo lắng.

CBT sẽ dạy cho game thủ những cách khác nhau để suy nghĩ, hành xử và ứng phó với các tình huống căng thẳng.

Ngoài ra, còn có một số phương pháp điều trị y tế khác cũng có thể đạt tới thành công khi điều trị các chứng nghiện, bao gồm liệu pháp nghệ thuật và liệu pháp tập thể dục.

Các nhà khoa học thậm chí còn đang nghiên cứu một số loại thuốc để giải quyết các vấn đề tâm thần. Tuy nhiên ở giai đoạn này, không có một phương pháp điều trị nào có thể khẳng định tỷ lệ thành công 100%.

Để điều trị đạt hiệu quả cao nhất, kế hoạch điều trị cần được thiết kế theo nhu cầu của từng cá nhân. Nó có thể liên quan đến một loạt các phiên CBT, cộng với các buổi trị liệu cá nhân, gia đình.

Phác đồ điều trị cũng phải phù hợp với độ tuổi của từng bệnh nhận, đức tin, tình trạng nghề nghiệp hoặc các yếu tố khác có thể tác động đến người bệnh.

Làm sao để biết một đứa trẻ nghiện game, khi nào thì cần đi khám và điều trị? - Ảnh 5.

Hãy khuyến khích trẻ tham gia vào các hoạt động thể chất như chơi thể thao ngoài trời thay thế cho chơi game

Quản lý việc chơi game của con em bạn

Như đã nói, chỉ có một số ít những người chơi game thực sự đáp ứng cả 3 triệu chứng mà WHO đưa ra. Nhưng nhiều bậc phụ huynh cũng sẽ lo lắng khi thấy con em mình dành quá nhiều thì giờ để chơi trò chơi điện tử.

Vậy, làm thể nào để phòng ngừa chứng rối loạn và giúp trẻ có cuộc sống lành mạnh hơn, dưới đây là một số mẹo có thể giúp bạn:

1. Khuyến khích trẻ tham gia vào các hoạt động thể chất như chơi thể thao ngoài trời. Điều này có thể làm tăng nồng độ serotonin trong máu và có tác động tích cực đến tâm trạng và các triệu chứng liên quan đến nghiện game.

2. Nói chuyện với con em của bạn để tìm hiểu điều gì khiến game hấp dẫn chúng, và tại sao chúng muốn chơi game thường xuyên. Câu trả lời của trẻ sẽ giúp bạn xác định xem chúng có gặp vấn đề nào khác để sử dụng trò chơi như một lối thoát hay không.

3. Khi bạn bắt trẻ dừng chơi game, hãy đảm bảo chúng có một hoạt động khác để chuyển sang, chẳng hạn như đi chơi cùng gia đình hoặc ăn tối. Điều này sẽ tạo ra một lý do để thoát ra.

4. Đừng buộc trẻ chấm dứt trò chơi một cách thô bạo như rút điện hoặc tịch thu điện thoại. Hãy cho chúng thời gian để kết thúc trò chơi. Liên tục được yêu cầu thoát game giữa trò chơi có thể gây bực bội cho trẻ và phản tác dụng. Hãy hỏi chúng còn bao lâu nữa để kết thúc ván game, và sau đó đảm bảo chúng rời khỏi trò chơi đúng thời gian đó.

Một sự thật là trò chơi điện tử ngày nay đã trở thành khía cạnh quan trọng trong cuộc sống của nhiều người trẻ tuổi. Quan trọng là bạn cần hướng dẫn con em mình tiếp cận chúng một cách cân bằng và lành mạnh nhất có thể.

Hãy đưa chủ đề game vào các cuộc thảo luận gia đình. Điều này đảm bảo cả bạn và trẻ cùng chia sẻ suy nghĩ về nó, cho phép bạn phát hiện sớm bất kể hành vi sai lệch nào khi trẻ chơi game quá nhiều.

Tham khảo Theconversation