- Khi chuẩn bị ly hôn, nhiều bà vợ (hoặc chồng) đã “khôn khéo” rút toàn bộ tiền trong các tài khoản cá nhân của mình để “trốn” việc phải chia đôi tài sản chung vợ chồng…

Tin bài khác:

Tôi và chồng tôi lấy nhau được 7 năm, mới đầu lấy nhau hai vợ chồng đều không có của cải vật chất gì… thậm chí phải đi vay tiền để làm đám cưới. Nay kinh tế gia đình tôi có khấm khá hơn. Tôi lại mới phát hiện anh ấy có một quỹ tiền riêng khoảng 200 triệu. Chồng tôi lập để tiền riêng của mình nhưng trước đây tôi không hề hay biết…

Xin hỏi khi ly hôn đó có được coi là tài sản chung của cả hai vợ chồng? Có thể yêu cầu Tòa án chia đôi tài sản đó nếu ly hôn hay không?

Mong luật sư trả lời giúp tôi.

Chân thành cảm ơn. (Câu hỏi của bạn Trần Thanh Bình).

Ảnh minh họa
Luật sư tư vấn:

Theo quy định tại khoản 1 điều 27 Luật hôn nhân gia đình thì “Tài sản chung của vợ chồng gồm tài sản do vợ, chồng tạo ra, thu nhập do lao động, hoạt động sản xuất, kinh doanh và những thu nhập hợp pháp khác của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân; tài sản mà vợ chồng được thừa kế chung hoặc được tặng cho chung và những tài sản khác mà vợ chồng thỏa thuận là tài sản chung”.

Như vậy trừ những tài sản hình thành trước thời kỳ hôn nhân, tài sản được tặng cho, thừa kế riêng thì mọi tài sản khác hình thành trong thời kỳ hôn nhân đều được coi là tài sản chung vợ chồng.

Theo thông tin bạn cung cấp thì khối tài sản 200 triệu của chồng bạn là số tiền chồng bạn có được trong thời kỳ các bạn đang chung sống. Việc chồng bạn lập quỹ riêng (có thể là sổ tiết kiệm, tài khoản cá nhân, thẻ ATM…) để tích lũy số tiền trong thời kỳ hôn nhân của các bạn thì đều được xem là tài sản chung vợ chồng, dù số tiền trong quỹ riêng đó là thu nhập riêng của anh ấy trong thời kỳ hôn nhân.

Trong trường hợp chồng bạn chứng minh được rằng khối tài sản này anh ta có được trước khi kết hôn và không nhập nó vào tài sản chung gia đình thì đây là tài sản riêng của anh ấy.
Tại Điều 32 Luật Hôn nhân Gia đình năm 2000 quy định:

1. Vợ, chồng có quyền có tài sản riêng.
Tài sản riêng của vợ, chồng gồm tài sản mà mỗi người có trước khi kết hôn; tài sản được thừa kế riêng, được tặng cho riêng trong thời kỳ hôn nhân; tài sản được chia riêng cho vợ, chồng theo quy định tại khoản 1 Điều 29 và Điều 30 của Luật này; đồ dùng, tư trang cá nhân.

2. Vợ, chồng có quyền nhập hoặc không nhập tài sản riêng vào khối tài sản chung”.
Tuy nhiên, thực tế hiện này khi gửi tiền tiết kiệm hoặc chuyển tiền vào tài khoản cá nhân không buộc phải có chữ ký của cả vợ chồng, do đó khi rút tiền cũng không cần phải có sự nhất trí của cả hai người. Khi chuẩn bị ly hôn, vợ (hoặc chồng) đã “khôn khéo” rút toàn bộ tiền trong các tài khoản cá nhân của mình để “trốn” việc phải chia đôi tài sản chung vợ chồng.

Vì vậy với trường hợp của bạn thì nếu tình trạng hôn nhân trầm trọng, không thể hàn gắn dẫn đến vợ chồng phải ly hôn thì bạn nên yêu cầu Tòa án xác minh số tài sản trên và để tránh tài sản chung vợ chồng bị tẩu tán, bạn cần đề nghị Tòa án áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời là phong tỏa khối tài sản đó đảm bảo cho việc phân chia sau này.

(Luật sư Hứa Trung Kiên – Văn phòng luật sư Bùi Đình Ứng – Đoàn luật sư TP.Hà Nội. ĐT: 04.38730018).

Bạn đọc muốn gửi các câu hỏi thắc mắc về các vấn đề pháp luật, xin gửi về địa chỉ banbandoc@vietnamnet.vn (Xin ghi rõ địa chỉ, số điện thoại để chúng tôi tiện liên hệ).