Công tác trùng tu đang chưa bao giờ trở thành tiếng chuông báo động như hiện nay khi đang chịu mặt trái của đồng tiền để trở thành công việc tôn tạo di tích nhằm kiếm lời một cách đại tùy tiện.
Nhà thiết kế tố tội làng mẫu Việt
Tiểu thuyết khiêu dâm ư? Đừng coi thường "50 sắc thái..."
'Nửa tỉ USD xây nhà hát chưa chắc đã đủ'
Sáng 25/1, tọa đàm “Hoạt động tôn tạo, xây mới trong công tác bảo tồn, phát huy giá trị di tích” đã diễn ra tại Viện Bảo tồn di tích và thu hút rất nhiều sự quan tâm của giới khoa học.
Trùng tu quá tay, tôn tạo quá đà
Phát biểu tại tọa đàm PGS.TS Trương Quốc Bình đã thẳng thắn nêu ra hiện trạng “Hiện nay có rất nhiều tổ chức công ty được thành lập dưới danh nghĩa làm chức năng tu bổ di tích nhưng thực chất là xây mới, phá hoại di tích một cách tùy tiện, hàng loạt mà không cần biết luật.
Công tác trùng tu đang chưa bao giờ trở thành tiếng chuông báo động như hiện nay khi đang chịu mặt trái của đồng tiền để trở thành công việc tôn tạo di tích nhằm kiếm lời một cách đại tùy tiện. Nguy cơ “làm tiền” bằng di sản của ông cha đang làm “phú nông hóa” công việc của ngành bảo tồn một cách biến chất và mất đi sự hàn lâm chân chính".
PGS.TS Trương Quốc Bình - Ủy viên Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia |
Nhiều ý kiến tại tọa đàm cho rằng việc trùng tu, tôn tạo di tích là một nhu cầu chính đáng của xã hội kinh tế thị trường hiện nay. Tuy nhiên do nguồn lực kinh phí từ nhà nước còn rất hạn chế nên nguồn lực từ việc xã hội hóa đã đem lại hiệu quả rất lớn trong công tác bảo tồn di tích.
Vấn đề đặt ra chính là tình trạng “trùng tu quá tay”, “tôn tạo quá đà” theo kiểu bất chấp luật pháp và nguyên tắc bảo tồn đang xảy ra hiện nay đang khiến nhiều người đặt ra câu hỏi: “Càng có nhiều tiền lại càng làm hỏng di tích?”
Và một lần nữa chức năng quản lý giám sát của các cơ quan quản lý nhà nước lại được đặt ra.
Nhà quản lý đang trở thành những "người Mỹ trầm lặng"
GS.TS.KTS Hoàng Đạo Kính đã thể hiện sự bức xúc ngay khi mở đạo buổi tọa đàm bằng câu nói: “Có vẻ như những nhà quản lý đang trở thành 'những người Mỹ trầm lặng'”.
Ông thẳng thắn thể hiện quan điểm riêng ngoài buổi tọa đàm khi cho rằng: “Một năm chỉ có một buổi tọa đàm như này vậy mà không hề có một đại diện của cơ quan quản lý nhà nước nào được mời tới tham dự”.
Trong khi đó, dư luận và rất nhiều nhà khoa học đang rất cần sự hợp tác và trao đổi thẳng thắn từ chính những người đang nắm giữ chức năng và quyền hạn trong lĩnh vực quản lý, đặc biệt trong vấn đề di sản.
Các tham luận trong buổi tọa đàm đều cho rằng ngoài việc nâng cao ý thức của người dân đối với di sản thì việc nâng cao khả năng quản lý và nhận thức chuyên môn với rất nhiều cơ quan quản lý nhà nước là rất quan trọng.
Bài học chùa Trăm Gian thực chất chính là bài học về sự quản lý yếu kém điển hình và cũng là minh chứng rất nhỏ cho một thực tế: “Rất nhiều di tích làm đơn trình lên các cơ quan ban ngành xin cấp phép hoặc kêu cứu đều không được trả lời đúng hạn. Và nếu có trả lời thì thường sau 3,4 tháng nên mới dẫn đến tình trạng nhân dân tự phát xâm hại đến di tích”.
Căn bệnh "nâng đời di tích"
Vấn đề là ở chỗ có quá nhiều di tích được xếp hạng khiến hàng năm kinh phí tu bổ, tôn tạo càng đè nặng lên ngân sách của nhà nước dẫn đến tình trạng di sản kêu cứu mà kinh phí không thấy đâu. Đây cũng là vấn đề nóng được đặt ra tại buổi tọa đàm.
Theo GS Hoàng Đạo Kính, nguyên nhân chủ yếu của tình trạng này đó là xuất phát từ căn bệnh thành tích, nói chính xác là căn bệnh “nâng đời di tích” giống như phong trào mà dư luận đã phê phán không lâu trước đó là “nâng đời thành thị”.
“Quá nể nang dẫn đến có quá nhiều di tích được công nhận, từ di tích được xếp hạng đến di tích cấp quốc gia. Thậm chí chưa dừng lại ở đó, có nhiều nơi còn đua tranh để nâng tầm di tích lên tầm cấp thế giới (UNESCO). Cần có một cuộc đại rà soát tất cả các di tích để phân cấp ứng xử cho đúng với những di tích đặc biệt quan trọng” – GS Hoàng Đạo Kính phát biểu tại tọa đàm.
GS.TS.KTS Hoàng Đạo Kính - Ủy viên Hội đồng di sản văn hóa quốc gia, Phó Chủ tịch Hội kiến trúc sư Việt Nam, Chủ tịch hội đồng kiến trúc. |
PGS-TS Phạm Mai Hùng cũng có cùng quan điểm khi nhắc đến một thực tế: “Trước đây khi triều đình cấp sắc phong cho một di tích thì đi theo đó là chế độ cấp ruộng đất nhằm lấy nguồn lực từ đó để nâng cấp và giữ gìn di tích. Còn hiện nay, khi trao bằng công nhận di tích thì đơn giản chỉ là một tấm bằng mà không hề có một chế độ nào để lấy kinh phí cho di tích cả".
Tuy vậy, cuộc hội thảo mới chỉ dừng ở việc nêu vấn đề, hiện trạng bức xúc của việc tôn tạo di sản mà chưa đưa ra được phương án giải quyết thực trạng nhức nhối này.
Nguyễn Hoàng