Báo New York Times danh tiếng của Mỹ vừa có bài viết gây chấn động về văn hóa doanh nghiệp, môi trường làm việc tại tập đoàn Amazon. Thậm chí, bài viết khẳng định môi trường làm việc khắc nghiệt đến mức thiếu tình người tại Amazon, không cảm thông cho cả những người bị ung thư, sảy thai hay có người thân vừa qua đời. Các nhân viên Amazon bị yêu cầu làm việc tới tận đêm khuya, thậm chí nửa đêm còn phải gửi email công việc, nhiều người thường xuyên phải “khóc tại bàn làm việc”, là nạn nhân của cách đối xử "khó chấp nhận nổi".

Bài viết đã gây nhiều tranh cãi, thậm chí ngay sau khi bài viết được đăng lên, CEO Jeff Bezos đã lên tiếng phủ nhận nội dung bài báo. Theo ý kiến của trang Columbia Journalism Review, bài viết trên New York Times phần lớn phản ánh ý kiến chủ quan của người viết, phụ thuộc quá nhiều vào các nguồn tin ẩn danh. Những trích dẫn được đưa ra từ một số nhân vật cụ thể trong bài viết nhằm tăng tính thuyết phục cho nội dung, tuy nhiên lại quá thưa thớt. Columbia Journalism Review là một trang web chuyên về nghiệp vụ báo chí, được thành lập năm 1961 dưới sự bảo trợ của Trường Báo chí thuộc trường Đại học Columbia.

Bài viết trên New York Times đã thâm nhập vào những bí mật thuộc hàng “thâm cung bí sử” của Amazon, dựa vào ý kiến của nhiều nhân viên cũ và nhân viên hiện đang làm việc tại Amazon, tuy nhiên, hầu hết họ đều đưa ra ý kiến dưới dạng ẩn danh. Điều này có vẻ khó tránh khỏi. Song, một khi New York Times đã đặt ra vấn đề đó, nó sẽ kéo theo rất nhiều câu hỏi khác. Những bằng chứng đó có mức độ xác thực, tin cậy đến đâu? Chúng có thể hiện trung thực điều kiện và cảm xúc, tình cảm của nhân viên khi làm việc trong một tổ chức khổng lồ như Amazon? Liệu New York Times có bỏ qua những nguồn tin đối lập, những người không kêu ca, phàn nàn về điều kiện cũng như nguyên tắc làm việc tại Amazon, để tránh hiện tượng “trông cây thấy rừng”?

Jodi Kantor và David Streitfeld, hai tác giả của bài viết trên New York Times, nói rằng họ đã phỏng vấn hơn 100 cựu nhân viên và nhân viên hiện tại của Amazon – một công sức điều tra thực sự không nhỏ nhằm miêu tả “hậu cung” của hãng bán lẻ lớn nhất thế giới. Nhưng ngay cả 100 tiếng nói đó cũng chỉ như một “lời thì thầm” trong công ty có hàng ngàn nhân viên, và chắc chắn đó không phải là một mẫu phỏng vấn ngẫu nhiên.

Tác giả của bài viết trên New York Times cũng đề cập đến một phần tính cách của CEO Jeff Bezos, có thể là để lý giải cho điều kiện làm việc khắc nghiệt tại Amazon. Theo đó, Jeff Bezos từng khiến bà của ông phải bật khóc. Câu chuyện kể người bà của CEO Amazon hút thuốc lá và ông muốn bà không hút nữa, nhưng ông không van xin hay thể hiện tình cảm gì. Ông chỉ làm một bài tính toán, với mỗi điếu thuốc bà sẽ mất đi bao nhiêu thời gian. Cuối cùng, ông nói “tổng cộng bà đã mất đi 9 năm cuộc đời”. Bà của ông đã phải bật khóc vì cách làm này của ông. Lúc đó, Jeff Bezos mới chỉ 10 tuổi.

Cho đến thời điểm này, bài viết đã nhận được gần 6.000 bình luận. Với lượng tham gia bình luận đông đảo của độc giả như vậy, câu chuyện về Amazon được xem là bài viết thu hút nhiều bình luận nhất trên trang nytimes.com, vượt qua câu chuyện về Tổng thống Nga Viladimir Putin năm 2013. Cũng như các nguồn tin ẩn danh trong bài viết, những bình luận – xuất phát từ nhiều người nói là họ làm việc tại Amazon – khá thẳng thắn, khiêu khích nhưng vẫn chỉ là những ví dụ mang tính chọn lọc. Trong một bài thể hiện quan điểm, Biên tập cộng đồng của trang Times Margaret Sullivan đã lưu ý rắng: “những bằng chứng chống lại Amazon, dù rất mạnh mẽ, vẫn mang tính giai thoại là chính, chứ không phải là những thống kê dữ liệu khoa học”.  

Ngay sau khi bài báo về Amazon lên báo New York Times, CEO Jeff Bezos đã có bài phản pháo, phủ nhận các nội dung trong bài của Times đồng thời gửi tâm thư cho các nhân viên. Hiện nay, không chỉ CEO Amazon mà rất nhiều nhân viên Amazon đã cùng tham gia cuộc tranh luận về văn hóa công ty và bài viết của New York Times. Theo số liệu, cổ phiếu Amazon vẫn ổn định sau khi xuất hiện cuộc khủng hoảng này.

Mặc dù chưa rõ tính chân thực về câu chuyện về Amazon là như thế nào, song nó đang lan rộng sang cả nền văn hóa doanh nghiệp của các tập đoàn công nghệ lớn như Google, Microsoft, Facebook, Apple…. Thậm chí, trang New Yorker còn có bài viết bình luận, đặt ra ý kiến về nền văn hóa doanh nghiệp Amazon và thực tế của nền kinh tế mới hiện nay. Trong khi đó, tạp chí Fortunes lại có bài viết phân tích về 3 bài học lớn rút ra từ câu chuyện Amazon. Theo đó, một trong những bài học khi sống trong nền kinh tế kinh doanh hiện đại, đó là hầu như sức khỏe, hạnh phúc của người nhân viên rất ít khi được quan tâm. Phải nói rằng những căng thẳng, stress do phải làm việc nhiều giờ liền, sự bất an và mâu thuẫn gia đình do công việc gây ra tại Amazon mà New York Times phản ánh đã mang đến những thái độ tiêu cực, và gây hậu quả nghiêm trọng về sức khỏe. Fortunes cho biết nghiên cứu gần đây ước tính có trên 120.000 người lao động tử vong tại Mỹ và tốn kém khoản chi phí chăm sóc sức khỏe 190 tỷ USD mỗi năm, do những căng thẳng liên quan đến công việc.