Đưa thế giới đến với Việt Nam, với tiếng Việt

Ngày 03/8/2022, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 930/QĐ-TTg về việc phê duyệt Đề án "Ngày Tôn vinh tiếng Việt trong cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài giai đoạn 2023 - 2030".

Việc tổ chức xây dựng Ngày Tôn vinh tiếng Việt trong cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài trở thành dấu mốc quan trọng hàng năm trong đời sống văn hóa, tinh thần của cộng đồng với những hoạt động thiết thực nhằm tôn vinh sự giàu đẹp của tiếng Việt, nâng cao nhận thức về ngôn ngữ và văn hóa dân tộc đối với kiều bào trên toàn thế giới và bạn bè quốc tế, đặc biệt là thế hệ trẻ. Lan tỏa mạnh mẽ tình yêu tiếng Việt, trở thành động lực thúc đẩy phong trào dạy và học tiếng Việt trong cộng đồng, qua đó góp phần giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa, truyền thống dân tộc. Đồng thời đặt nền tảng cho giai đoạn mới về phát triển vị thế tiếng Việt trên nhiều lĩnh vực giáo dục cộng đồng. 

Thông qua việc tôn vinh ngôn ngữ dân tộc, góp phần xây dựng cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài ổn định, đoàn kết, vững mạnh, tích cực đóng góp cho quê hương, đất nước; thúc đẩy việc công nhận cộng đồng người Việt là một dân tộc thiểu số chính thức tại những địa bàn có đông người Việt sinh sống. 

Đề án Dấu ấn Việt Nam là một hoạt động tôn vinh ngôn ngữ Việt Nam trong cộng đồng kiều bào. 

Hội Liên lạc với người Việt Nam ở nước ngoài đã phối hợp với một số cơ quan, đơn vị truyền thông triển khai Đề án “Dấu ấn Việt Nam”.

Đại sứ Nguyễn Phú Bình, Chủ tịch Hội Liên lạc với người Việt Nam ở nước ngoài bày tỏ quan điểm, “Chúng ta phải coi tiếng Việt là nền tảng lớn nhất của dân tộc, của văn hóa. Việc phải dạy tiếng Việt như thế nào, dạy văn hóa như thế nào cho thế hệ trẻ người Việt Nam ở nước ngoài là sự trăn trở của các bậc phụ huynh và các cơ quan, ban ngành trong và ngoài nước. Chính vì thế, Hội Liên lạc với người Việt Nam ở nước ngoài muốn quảng bá văn hóa, góp phần vào việc dạy tiếng Việt một cách hiệu quả. 

Từ chỗ trước đây chúng ta chỉ có một cách duy nhất là in sách giáo khoa gửi cho các trường ở nước ngoài. Hiện nay chúng ta đã mở rộng ra rất nhiều hình thức dạy học khác nhau, giáo trình khác nhau, bằng các phương tiện khác nhau. Tôi nghĩ, bằng phương pháp này, chúng ta sẽ dần dần từng bước đưa tiếng Việt ra nước ngoài, không chỉ với cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, giới trẻ và kể cả bạn bè quốc tế cũng biết tiếng Việt, góp phần đưa tiếng Việt trở thành thứ tiếng quan trọng trên thế giới.

Thông qua ngôn ngữ, chúng tôi muốn truyền tải những tinh hoa của đất nước ra ngoài, trong đó chúng ta hiểu rằng, đất nước và con người là trọng tâm, cụ thể hơn, ngoài ngôn ngữ, các di sản văn hóa và những truyền thống lịch sử, trí tuệ Việt Nam… Phải thu hút sự quan tâm của đồng bào ta ở nước ngoài, để bà con gắn bó, tự hào về quê hương, đất nước. Qua đó, bà con hỗ trợ cho công tác thông tin, tuyên truyền, đối ngoại, để đưa Việt Nam đến với thế giới, đến với bạn bè khắp 5 châu. Đồng thời đưa thế giới đến với Việt Nam, với tiếng Việt”.

Trong khi đó, ông Mai Phan Dũng, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài phân tích, Việt Nam có chiến lược về ngoại giao văn hóa do Bộ Ngoại giao chủ trì có lộ trình rất lớn với 5 cánh hoa. 

Thứ nhất là làm sâu sắc thêm quan hệ với bạn bè quốc tế. Thứ hai là góp phần cho Việt Nam hội nhập tốt hơn vào đời sống quốc tế. Thứ ba là quảng bá những giá trị, hình ảnh, đất nước, con người Việt Nam. Thứ tư, vận động các doanh nghiệp UNESCO cho Việt Nam. Thứ năm là tiếp thu tinh hoa văn hóa của nhân loại. Trong đó nhiệm vụ rất lớn đó là vừa là hội nhập nhưng vẫn bảo vệ được các giá trị văn hóa.

“Khi xây dựng Đề án Tôn vinh tiếng Việt Nam trong cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, để thực hiện chiến lược ngoại giao văn hóa đó, chúng tôi cũng cố gắng bảo vệ, bảo tồn và phát huy giá trị tốt đẹp của đất nước ta, để bạn bè hiểu hơn về đất nước chúng ta.

Đề án Dấu ấn Việt Nam hoàn toàn nằm trong mục tiêu đó, hỗ trợ thực hiện chiến lược ngoại giao văn hóa, hỗ trợ Đề án Tôn vinh tiếng Việt trong cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài. Trong mục tiêu, các giá trị hướng tới của đề án rất là rõ: “Bảo tồn, tôn vinh, giáo dục, quảng bá, kinh tế”. 

Như vậy, chúng ta có đầy đủ các mục tiêu để bảo tồn, các giá trị văn hóa truyền thống, giáo dục về lịch sử, về truyền thống dân tộc, quảng bá, làm phong phú hơn các sản phẩm, tinh thần văn hóa và có cả các mục tiêu về thúc đẩy, xúc tiến thương mại về kinh tế”, ông Dũng nhấn mạnh. 

Theo ông Mai Phan Dũng, đây là cách tiếp cận rất là hay, qua một chương trình tiếng Việt nhưng có những nội hàm thu hút. Trong 12 số của Đề án “Dấu ấn Việt Nam” năm 2023, sẽ trải dài trên tất cả các lĩnh vực khác nhau. Tuy nhiên, ở đó tập trung nhiều vào việc giới thiệu, bảo tồn, quảng bá và giáo dục các giá trị văn hóa, tinh thần của Việt Nam, tiếp cận ngôn ngữ qua nội hàm.

Trao đổi về vấn đề này, TS Đinh Văn Tiến, giảng viên Đại học Khoa học xã hội và nhân văn chia sẻ, “Đề án Tôn vinh tiếng Việt cho cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài là chương trình rất là tốt. Vì hiện nay, bản thân các gia đình đang sinh sống tại nước ngoài, đặc biệt là thế hệ sau, sinh ra và lớn lên tại nước ngoài, không hề biết tiếng Việt hoặc truyền thống văn hóa Việt Nam.

Trong bối cảnh Việt Nam đang hội nhập, việc gìn giữ bản sắc băn hóa, ngôn ngữ tiếng Việt là vấn đề cấp bách của Đảng, Nhà nước, Chính phủ và các cơ quan ban ngành. Bởi vậy, Đề án này không chỉ có ý nghĩa lưu giữ, đưa tiếng Việt vươn xa mà còn mang giá trị phát huy bản sắc văn hóa".

Lan tỏa văn hóa Việt Nam

Hàng năm, Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài tổ chức rất nhiều hoạt động dành cho kiều bào như: Xuân quê hương, Giỗ Tổ Hùng vương, thăm Trường Sa, nhà giàn DK1, hàng chục chương trình liên quan đến xúc tiến thương mại cho doanh nhân, trí thức, kiều bào…

Tất cả các hoạt động đó nhằm thực hiện nhiệm vụ củng cố khối đại đoàn kết, huy động kiều bào đóng góp vào sự nghiệp xây dựng và phát triển, bảo vệ Tổ quốc. Đó là kết nối, bảo vệ, quảng bá các giá trị của ngôn ngữ tiếng Việt. Mỗi hoạt động có một đối tượng, mục đích riêng, có những hoạt động chỉ dành riêng cho giới trẻ, tri thức….

Kiều bào tham dự chương trình về nguồn, trải nghiệm văn hóa truyền thống ở Phú Thọ. 

Trong các hoạt động thì có hoạt động nền tảng là về nguồn để bà con hiểu về quê hương, đất nước, hiểu về văn hóa, lịch sử, truyền thống. Qua các chương trình, kiều bào thấy được sự nỗ lực của Đảng và Nhà nước với công tác bảo vệ chủ quyền, độc lập, toàn vẹn lãnh thổ. Đây là nhiệm vụ rất thiêng liêng, khơi dậy được lòng tự hào, tự tôn dân tộc, càng thêm gắn kết, gắn bó với quê hương đất nước.

Bên cạnh sự nỗ lực của Nhà nước, Chính phủ, nhiều Việt kiều yêu nước cũng tâm huyết với công tác lưu giữ, phát huy những giá trị văn hóa Việt Nam ra thế giới. 

Chị Lê Nguyễn Minh Phương, Phó chủ tịch Hội người Việt Nam ở Hàn Quốc là một người luôn đau đáu với việc lan tỏa văn hóa Việt cho các con mình và thế hệ trẻ Việt Nam sinh ra, lớn lên tại Hàn Quốc. 

Trong cuộc sống hàng ngày, chị vẫn duy trì nếp sống Việt Nam, cùng các con trải nghiệm Tết Nguyên đán, Tết Trung thu theo phong cách truyền thống, ẩm thực Việt… Theo thời gian, văn hóa Việt Nam “ngấm dần” vào tâm thức và lớn lên cùng các con. Từ những nét văn hóa đó, các con sẽ hiểu thêm yêu dòng máu Việt Nam, thêm yêu ngôn ngữ mẹ đẻ.

Tiến sĩ khoa học giáo dục Hoàng Xuân Bình đã sinh sống ở Ba Lan được 35 năm. Đây cũng là quãng thời gian dài ông gắn bó với việc truyền tải văn hóa và ngôn ngữ Việt Nam ra nước ngoài. Ông cũng là người sáng lập trường tiếng Việt đầu tiên ở Ba Lan và có 10 năm làm hiệu trưởng ở đây. Đến nay, trường vẫn luôn duy trì khoảng 200 học sinh học hàng ngày; thứ bảy và chủ nhật gắn với các hoạt động văn hóa. 

Ông mong muốn lan tỏa những dấu ấn Việt Nam truyền bá ra nước ngoài cho con em kiều bào và bạn bè quốc tế được biết đến. Thông qua các hoạt động kinh tế, văn hóa, ngoại giao để củng cố thêm tiếng Việt và lan tỏa tiếng Việt ra nước ngoài cho bạn bè quốc tế. 

“Khi ngoại giao văn hóa, truyền tải tiếng Việt ở nước ngoài, chúng tôi tập trung vào mấy vấn đề: thứ nhất là văn hóa, đây là con đường dễ nhất. Ngoài trình diễn những văn hóa liên quan đến tiếng Việt, nội dung của tiếng Việt, ca hát, ẩm thực, kinh tế, chúng tôi cũng mong muốn bạn bè quốc tế biết được những điều cụ thể về văn hóa Việt Nam. 

Ví dụ: về văn hóa Việt Nam, chúng tôi quảng cáo mạnh nhất là phở, bánh mì, là những cái rất cụ thể. Ở Ba Lan có hàng nghìn cửa hàng hàng ngày đang bán phở và bánh mì nhưng phải làm sao để những tinh hoa đó đến với bạn bè quốc tế gần nhất, tự nhiên nhất. 

Về văn hóa nghệ thuât, trong mười mấy năm chúng tôi chỉ tập trung cho vấn đề dân ca quan họ. Trong các hoạt động ngoại giao cụ thể, từ các ngày văn hóa của trường, từ các ngày văn hóa của Việt Nam… chúng tôi thông qua nghệ thuật chèo, nghệ thuật múa rối nước, ca trù… để giúp mọi người hình dung ra văn hóa Việt Nam”, ông nói. 

Ông cho rằng, cái khó nhất của người Việt Nam ở nước ngoài là thời gian cho con em học tiếng Việt vì hàng ngày, mọi người đều dùng ngôn ngữ bản xứ. Để thúc đẩy việc học tiếng Việt cho các con em kiều bào, ông cùng các cộng sự triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ, tạo môi trường tiếng Việt cho đủ các lứa tuổi, để họ cùng giao lưu, chia sẻ và thực hành tiếng Việt. 

“Học tiếng Việt không chỉ là học ngôn ngữ mà đây còn là cách gắn kết con em người Việt với nhau, biết nói cái cơ bản của tiếng Việt, để có thể duy trì văn hóa với gia đình, quê hương, đất nước. Mỗi lần về Việt Nam, các con được sống trong môi trường văn hóa Việt, ngôn ngữ Việt. Hoặc những chương trình đi trại hè rất ý nghĩa, đó là điều kiện để các con hiểu biết về văn hóa, tiếp xúc trực tiếp với bạn bè trong nước. 

Chúng tôi mong rằng có những chương trình có thể mở rộng thêm đối tượng, mở rộng thêm hình thức khác nhau nữa, để các con có thể gắn kết với Việt Nam, tiếp tục lan tỏa, duy trì sự gắn kết đó ra nước ngoài”, ông Hoàng Xuân Bình chia sẻ.

Nguyễn Lê và nhóm PV, BTV