Những lớp học tiếng Việt của cộng đồng kiều bào ở Hà Lan đã và đang góp phần bảo tồn, gìn giữ và lan tỏa văn hóa Việt Nam cho các thế hệ thứ 2, thứ 3 sinh ra và lớn lên tại nước ngoài.
Bà Nguyễn Lan Hương (1962) là một trong số 70 đại biểu từ 23 quốc gia trên thế giới đã về Phú Thọ dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng vào dịp Giỗ Tổ Hùng Vương vừa qua. Cuộc hành hương về nguồn không chỉ thấm đẫm tình yêu đất nước, văn hóa, con người Việt Nam mà còn là sự tích lũy kiến thức với mong mỏi lan tỏa điều đó đến thế hệ người Việt thứ 2, thứ 3 sinh ra ở nước ngoài.
Người phụ nữ này hiện làm giáo viên dạy tiếng Việt ở Hà Lan. Lớp học của bà chỉ diễn ra 1-2 buổi/tuần với thời lượng không nhiều nhưng đã thu hút rất đông con em kiều bào, gia đình người Việt, thậm chí là người bản địa đến học.
Bà cho biết, trước khi sang nước ngoài định cư cùng chồng con, bà vốn là giáo viên dạy toán ở Hà Nội. Thời điểm mới sang, để vào trường học bên này, các con bà có một bài thi về tiếng mẹ đẻ. Bài thi bao hàm rất nhiều thông tin, dữ liệu và kiến thức tiếng Việt. Để ôn luyện cho con, bà về Việt Nam mang toàn bộ sách văn, tiếng Việt sang cùng con làm. Nhờ mẹ hướng dẫn, kết quả bài thi của các con bà đạt điểm cao.
Quá trình sinh sống, tiếp xúc với cộng đồng người Việt, bà nhận thấy nếu không lưu giữ, bảo tồn, tiếng Việt sẽ có nguy cơ mai một bởi mọi sinh hoạt, giao tiếp, làm việc đều sử dụng tiếng địa phương. Nhiều bố mẹ rất bận rộn, không có thời gian dạy tiếng Việt cho con…
Trước đó, ở Hà Lan cũng có vài lớp dạy tiếng Việt nhưng mang tính nhỏ lẻ và không duy trì được lâu. Sau này, Đại sứ Việt Nam tại Hà Lan là bà Ngô Thị Hòa rất có tâm huyết với công tác bảo tồn tiếng Việt ở nước ngoài đã mở một lớp dạy tiếng Việt cho con em kiều bào. Chính vị đại sứ đứng lớp dạy. Khi vị đại sứ về nước, bà Hương đăng ký tham gia giảng dạy để tiếp nối công việc này.
Từ một giáo viên dạy toán chuyển sang dạy ngôn ngữ với bà không hề đơn giản. Có phương pháp sư phạm nhưng để truyền tải ngôn ngữ một cách dễ hiểu cho mọi người, dạy từng vần điệu, từ…. bà phải tự tìm tòi nghiên cứu, soạn giáo án.
Vượt qua những rào cản, lớp học tiếng Việt trở thành sân chơi văn hóa, nơi giao lưu và học hỏi của kiều bào nơi bà sinh sống. Học viên đa dạng độ tuổi, trình độ, giới tính và ngành nghề nên bà lọc ra từng nhóm đối tượng, linh hoạt cách giảng dạy. Cá biệt có những học viên là người nước ngoài muốn học tiếng Việt vì sắp lấy vợ Việt Nam, muốn được hòa nhập với gia đình vợ... Tuy nhiên, đối tượng lớp học hướng đến vẫn là thế hệ người Việt thứ 2, thứ 3 sinh ra tại Hà Lan.
Với lối giảng dạy gần gũi, sinh động, bà đã đưa vào đó nét văn hóa truyền thống Việt Nam, từ gói bánh chưng, đồ xôi, làm bánh nướng, bánh dẻo… đến sự tích Hùng Vương cũng như những bài hát dân ca cổ truyền khơi gợi tình yêu quê hương, đất nước.
Trong một buổi học, ngoài kiến thức chung, bà đưa giáo trình riêng vào để ai cũng có thể hiểu. Ví dụ với trẻ nhỏ, bà thông qua bài hát, tranh vẽ, truyện cổ tích; Với thanh niên, bà đưa ra các hoạt động, trò chơi nhóm…
Học cụ có hôm là nón lá, áo dài, có hôm là nón quai thao… Lớp học rộn ràng tiếng ê a, ngọng nghịu của những đứa trẻ sinh ra ở Hà Lan. Có em thậm chí còn chưa được một lần về quê hương Việt Nam nhưng qua lớp học đã bắt đầu biết bày tỏ tình yêu với mảnh đất – nơi em có dòng máu đang chảy trong tim.
Mỗi bài giảng, bên cạnh học từ, ghép từ, bà đưa vào đó thơ ca, hò vè. Cứ thế những bài thơ “Quê hương” của Giang Nam, ca dao, tục ngữ truyền thống Việt… vang lên ở một nơi xa xôi cách Việt Nam gần 10.000 km.
Các em không chỉ được học tiếng Việt theo các chủ đề như: Tết Nguyên đán, Tết Trung thu, ẩm thực Việt Nam... mà còn tham gia các hoạt động văn hóa mang đậm bản sắc Việt như chơi các trò chơi dân gian: Học làm diều, thả diều, học về múa rối, đánh bi, đánh đáo, nhảy dây, kéo co, chơi lò cò…
Bà Lan Hương bày tỏ: “Tôi và những bậc cha mẹ, giáo viên người Việt ở nhiều nơi trên thế giới đang nỗ lực không ngừng để lan tỏa, gìn giữ tiếng Việt, truyền thống văn hóa Việt cho thế hệ trẻ gốc Việt lớn lên ở xứ người...
Những lớp học như thế này hoàn toàn là tâm huyết của chúng tôi và không thu phí. Chính phủ Việt Nam rất quan tâm, Bộ Ngoại giao còn mời những giáo viên như tôi về Việt Nam tham dự khóa tập huấn phương pháp dạy tiếng Việt khoảng 2 tuần. Người đứng lớp là các giáo sư, tiến sĩ trong lĩnh vực giáo dục.
Giáo viên sau khi kết thúc khóa học luôn kết nối, tạo thành cộng đồng giáo viên với nhau để chia sẻ kinh nghiệm giảng dạy và cách duy trì các lớp tiếng Việt lâu dài”.
Song song với dạy tiếng Việt thông qua hoạt động, giáo cụ trực quan, bà Lan Hương còn lan tỏa văn hóa đọc sách tiếng Việt đến học trò của mình. Các em từ mẫu giáo đến 10 tuổi, bà hay giới thiệu sách, truyện “Dế mèn phiêu lưu ký” của Tô Hoài; “sự tích Sơn Tinh – Thủy Tinh” gắn với lễ Giỗ Tổ Hùng Vương…
Học viên lớn tuổi hơn bà giới thiệu những cuốn sách của tác giả Việt. Gần đây qua một số người quen, bà đọc cuốn sách viết về chuyện xưa và nay của Hà Nội như: “Đi ngang Hà Nội” tác giả Nguyễn Ngọc Tiến hay những cuốn sách viết về thành phố mang tên Bác: TP. Hồ Chí Minh.
Trong các giờ học, bà cũng dành một thời lượng để mời học viên lên đọc đoạn văn, mẩu chuyện họ thích. Từ nội dung đó, bà phân tích về cách dùng từ, ý nghĩa nội dung. Bà cũng khyến khích các em nhỏ đọc truyện, quay video và gửi để bà sửa cách phát âm.
Đặc biệt, dịp Tết Nguyên đán, Tết Trung thu, bà lại tổ chức các buổi diễn văn nghệ, cho học trò mặc áo the, áo dài truyền thống... để hát múa. Bà Lan Hương nhờ người tìm mua các vật dụng như: mẹt, quang gánh, nón quai thao, chõng tre... mang sang Hà Lan làm đạo cụ dựng hoạt cảnh cho sinh động.
Trước buổi học về Tết cổ truyền, bà ra yêu cầu cho học viên tự tìm hiểu trước một số nội dung. Sau đó, bà Hương cùng các phụ huynh chuẩn bị đồ nấu bánh chưng, đặt lá dong ở Việt Nam... cho học sinh thực hành gói bánh, luộc bánh, hướng dẫn các em phát âm từ nếp cái hoa vàng, lá dong, bánh chưng… Sau khi luộc, những chiếc bánh sẽ chia về cho các gia đình học viên.
Giai đoạn dịch Covid-19 bùng phát, lớp học vẫn được duy trì, thông qua học online. “Chúng tôi chưa bao giờ để lớp bị gián đoạn, vì đây là cách để các em có môi trường nói tiếng Việt, thực hành tiếng Việt”, bà Hương chia sẻ.
Cùng với những thuận lợi, bà Lan Hương và các giáo viên dạy tiếng Việt cũng có lúc gặp khó. Nhiều em rất thích học nhưng do bố mẹ bận rộn, di chuyển nhà xa hơn nên không thể tiếp tục tham gia. Bà cùng các giáo viên khác phải đi vận động, thuyết phục các phụ huynh đưa con đến. Trường hợp bất đắc dĩ, phụ huynh gặp khó vì thời gian đưa đón, bà sẽ dạy online cho trẻ. Thi thoảng mời bé đó đến tham dự các chương trình, sự kiện để giao lưu tiếng Việt cùng các bạn.
Hiện bà Lan Hương duy trì lớp học theo cả hai hình thức trực tiếp và online. Ưu điểm của hình thức online là tất cả con em kiều bào trên khắp Hà Lan đều có thể tham gia học mà không bị ảnh hưởng bởi khoảng cách địa lý.
“Xây dựng lớp đã khó, để duy trì càng khó hơn. Nếu không có tâm huyết, không có lửa và sự khuyến khích của Đại sự quán Việt Nam ở Hà Lan, chắc tôi cũng khó đi đến ngày hôm nay”, bà nhớ lại.
Việc dạy và học tiếng Việt từ lâu đã là một nhu cầu thiết yếu của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, đặc biệt là thế hệ trẻ. Hành trình để dạy và học tiếng Việt ở xứ người gặp không ít thách thức, gian nan nhưng kiều bào Việt vẫn quyết tâm duy trì để gìn giữ tiếng Việt truyền lại cho lớp trẻ. Nhiều phụ huynh không chỉ hỗ trợ tinh thần mà còn cả vật chất.
Bà Lều Thị Thu Hiền, Phó Chủ tịch Hội người Việt Nam tại Hà Lan, Trưởng ban phụ huynh học sinh lớp tiếng Việt là một trong những phụ huynh tiên phong, hỗ trợ lớp từ những buổi đầu.
"Các con tôi theo học lớp tiếng Việt với cô Lan Hương đã nhiều năm. Con trai lớn sinh năm 1992, con gái sinh năm 2002. Nhờ lớp tiếng Việt mà khi về nước, các con hội nhập văn hóa Việt Nam rất tốt. Nhà tôi có quy định, ra ngoài các con dùng tiếng Hà Lan nhưng bước chân về nhà là dùng tiếng Việt. Hiện nay các cháu có thể giao tiếp, trò chuyện với người thân bằng tiếng Việt, đọc sách, viết tiếng Việt thành thạo.
Tôi nghĩ các con tôi cũng như các học viên của lớp học tiếng Việt sẽ là đại sứ truyền tải tiếng Việt, văn hóa Việt cho các thế hệ sau.
Hàng năm, tôi cũng đưa các con về Việt Nam khoảng 1 tháng, để các con trau dồi thêm vốn từ vựng tiếng Việt, tăng khả năng giao tiếp tiếng Việt của mình. Qua các lớp học tiếng Việt, các con tôi rất yêu Việt Nam, được biết đến nhiều món ăn Việt. Ngoài món Âu, hiện các cháu có thể chế biến được vài món ăn cổ truyền", bà Hiền bộc bạch.
Tại Đại hội lần thứ XIII, Đảng ta xác định tiếp tục tạo điều kiện để đồng bào giữ gìn tiếng Việt, bản sắc văn hóa dân tộc, nâng cao lòng tự hào, tự tôn dân tộc. Cụ thể hóa chủ trương đó, trong Kết luận 12/KL-TW ngày 12/8/2021 của Bộ Chính trị và Nghị quyết số 169/NQ-CP ngày 31/12/2021 của Chính phủ về công tác Người Việt Nam ở nước ngoài trong tình hình mới, việc nghiên cứu lựa chọn Ngày Tôn vinh tiếng Việt hằng năm để khuyến khích, cổ vũ đồng bào, nhất là thế hệ trẻ, học tập và giữ gìn tiếng Việt được nêu thành nhiệm vụ cụ thể.
Ngày 3/8/2022, Đề án “Ngày Tôn vinh tiếng Việt trong cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài giai đoạn 2023 - 2030” đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 930/QĐ-TTg.
Theo đó, từ năm 2022, ngày 8/9 hằng năm được lựa chọn là Ngày Tôn vinh tiếng Việt trong cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài.
Năm 2023 là năm đầu tiên triển khai Đề án “Ngày Tôn vinh tiếng Việt trong cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài giai đoạn 2023 - 2030”. Việc triển khai Đề án là cụ thể hóa chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đối với công tác về người Việt Nam ở nước ngoài, thể hiện tình cảm và trách nhiệm của Đảng, Nhà nước trong việc chăm lo cho đồng bào ta ở nước ngoài.