Đầu tư tiền tỷ, đến hạn vẫn phải tháo dỡ

Trước năm 1996, vịnh Mân Quang bắt đầu nổi tiếng với việc nuôi nghêu lồng bè. Sau đó, người dân nuôi thêm các loại thủy sản khác như cá sủ, cá dìa, cá mú,...

Đến năm 2010, việc nuôi cá lồng bè được chú trọng, người dân đầu tư nhiều hơn về cơ sở vật chất cũng như con giống.

Theo thống kê của Sở NN-PTNT TP. Đà Nẵng cho hay, tại vịnh Mân Quang hiện có 484 lồng bè, 106 chòi canh, nhà tạm của 234 hộ, nuôi trồng thủy sản các loại, chủ yếu là cá, hàu, vẹm, nghêu, bợp bợp,...

Mới đây, UBND phường Nại Hiên Đông thông báo về việc tháo dỡ lồng bè nuôi thủy sản trái phép tại vịnh Mân Quang. Thật không may, khi thời gian giải tỏa khu nuôi đang cận kề thì giá hải sản giảm manh, đầu ra khó khăn do tiêu thụ thấp.

{keywords}
Người dân đang khó khăn về đầu ra lẫn việc nuôi trồng
{keywords}
Thông báo của UBND phường về việc tháo dỡ lồng bè nuôi thủy sản trái
phép tại vịnh Mân Quang

Ông Cao Đình Hải, Chủ tịch UBND phường, cho biết, từ năm 2020 phường đã nhắc nhở người dân không thả con giống để tháo dỡ lồng bè. “Dự định dịch bệnh bớt căng thẳng, chính quyền sẽ xuống kiểm tra. Nếu vẫn còn bè thì buộc phải cưỡng chế”, ông Hải thông tin.

Bỏ ra 1,3 tỷ tiền vốn trong năm qua, anh Nguyễn Hoàng (phường Nại Hiên Đông, quận Sơn Trà) lo lắng vì hơn 7 tấn cá của mình chưa biết phải xuất đi như thế nào. Anh Hoàng cho biết, trước đây thủy sản được các lái buôn đến tận bờ thu mua và bán lại cho nhà hàng, quán nhậu nên không lo đầu ra. Nay quán xá không mở, cảng cá Thọ Quang đóng cửa nên chúng tôi không còn biết xuất bán thủy sản đi đâu.

Anh Long cho biết, nhiều hộ dân có số lượng lồng bè lớn bắt đầu kéo bè đến những nơi khác, như làng Cùi, để tránh việc phá dỡ. Đây là điều dễ hiểu khi các chủ bè đã đổ hàng tỷ đồng vào đó nên giờ tạm thời kéo sang địa điểm khác và chờ đợi chính quyền có phương án hỗ trợ nào khác.

“Mong muốn lớn nhất của người dân tại vịnh này là chính quyền sắp xếp một vùng nào đó được cấp phép để chúng tôi tiếp tục bám trụ với nghề”, anh Hoàng mong mỏi. Anh cho hay, giờ lên đất liền họ cũng không biết làm gì để sinh sống. "Cả đời bám mặt nước để chăm lo cho gia đình, thật sự chúng tôi đang không có định hướng", anh nói.

Theo ông Cao Đình Hải, những lồng bè tại vịnh Mân Quang người dân đều nuôi trồng tự phát nên không có cơ chế hỗ trợ. UBND phường đã kết nối với một số doanh nghiệp, siêu thị trên địa bàn để cùng người dân xử lý hết nguồn cá còn tồn đọng.

Ông Hải cho biết thêm, UBND phường đã kiến nghị lên quận và TP hỗ trợ người dân vay vốn Ngân hàng Chính sách xã hội để chuyển đổi nghề nghiệp; tìm một địa điểm khác để người dân nuôi trồng tiếp; hỗ trợ khó khăn khi các hộ dân này lên làm việc trên đất liền.

{keywords}
Số cá tại vịnh Mân Quang đang không có đầu ra

 

{keywords}
Anh Hoàng đang lo lắng vì số cá chưa có đầu ra
{keywords}
Anh Long đang chuẩn bị số thức ăn ít ỏi cho gần 5 tấn cá

Bị ép giá

Theo anh Hoàng, một số người đã liên hệ với anh để thu mua nhưng ép giá, đến lỗ vốn. Cá sủ giá bán trước dịch 110.000 đồng/kg, người dân thu hồi lại vốn là 80.000 đồng/kg nhưng thương lái bây giờ trả thấp hơn 75.000 đồng/kg. Hay cá dìa giá 150.000 đồng/kg lấy lại vốn thì bây giờ người dân bị ép xuống còn 140.000 đồng/kg.

Bè cá của anh Đặng Thành Long (phường Phước Mỹ, quận Sơn Trà) cũng vào tình trạng tương tự. “2 tấn cá sủ, 2 tấn cá vẩu, 7 tạ cá dìa đang không biết đi đâu về đâu”, anh Long buồn bã.

Thức ăn cho cá anh tại cảng Thọ Quang, chủ yếu là cá thu. Bây giờ cảng đóng cửa, anh Long đành mua cá cấp đông cầm cự cho gần 5 tấn cá của mình.

“Trước đây, cảng còn hoạt động cá thu chỉ 12.000 đồng/kg, đợt này cảng đóng phải mua cá cấp đông giá lên đến 15.000 đồng/kg. Thời kỳ không dịch bệnh, bè cá của tôi một ngày hết hơn 2 triệu tiền thức ăn, giờ bớt đi một nửa để cầm chừng vì dịch bệnh”, anh Long chia sẻ.

Mới đây, có người muốn mua cá mú. Ra giá 250.000 đồng/kg, khách hàng trả xuống 190.000 đồng/kg, anh Long từ chối. “Giá 210.000 đồng/kg cho cá mú đã bắt đầu lỗ, đằng này người ta còn giảm xuống 190.000 đồng/kg”, anh Long thở dài.

Thức ăn đắt đỏ, đầu ra bị ép giá, con giống ngày lại càng tăng. Chẳng hạn, cá mú trước đây 10.000-12.000 đồng/con giờ lên 35.000-37.000 đồng/con. Cá sủ 3.000- 3.500 đồng/con giờ 6.000-7.000 đồng/con.

Anh Long nói: “Cá còn nhiều, thời hạn tháo dỡ thì đến gần, chúng tôi hiện tại không biết phải làm gì tiếp theo. Số nợ tôi vay để nuôi cá đã lên đến hơn 500 triệu”.

Công Sáng

Tôm cá tăng giá nhưng chợ vắng khách mua

Tôm cá tăng giá nhưng chợ vắng khách mua

Những ngày Đà Nẵng giãn cách xã hội, các mặt hàng nhu yếu phẩm ở một số chợ vẫn dồi dào. Giá tăng nhẹ do nhân công và vận chuyển, sức mua giảm mạnh.