XEM CLIP:

 

Ngoài nét độc đáo của những ngôi nhà cổ hàng trăm năm tuổi, xã Hải Chánh, huyện Hải Lăng, Quảng Trị còn được biết đến là thủ phủ của mứt gừng.

Mứt gừng ở đây được người dân bắt đầu làm từ khoảng 30 - 35 năm trước.

Lúc bấy giờ, loại mứt này chỉ được chế biến để dùng trong dịp Tết cổ truyền. Sau đó, khi được nhiều người biết đến, người dân ở thôn Mỹ Chánh làm để kinh doanh.

{keywords}
Gừng thường được nhập ở các tỉnh Tây Nguyên, theo người dân thì gừng ở nơi đó thường có độ cay và nồng hơn so với các nơi khác.

Hiện tại làng nghề mứt gừng Mỹ Chánh chỉ còn khoảng 11 hộ làm cung cấp trong dịp Tết. Những năm trước, cả làng nghề có thể làm ra khoảng 70-75 tấn/năm, nhưng năm nay, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên lượng mứt ít hơn, khoảng 35 - 40 tấn.

Khác với các nơi khác, mứt gừng Mỹ Chánh có hương vị độc đáo riêng, nên được nhiều nơi ưa chuộng đặt mua. Thị trường tiêu thụ chính ở các tỉnh, thành trong cả nước như Quảng Bình, TT-Huế, Nghệ An, Hà Tĩnh, Hà Nội, TP.HCM…

Để cho ra một bì mứt chính hiệu, người thợ sẽ phải tiến hành 6 công đoạn liên tục.

Từ việc nhập khẩu gừng ở các tỉnh thành Tây Nguyên, đem về rửa sạch bằng máy rồi cắt ra từng lát mỏng. Sau đó, gừng được cho vào nồi đun, chờ tới khi nước sôi thì vớt ra, và tiếp tục đưa qua một bể nước lạnh. Khi đã được rửa sạch chất bẩn, gừng vào công đoạn chế biến.

Tiếp đến, người thợ sẽ ướp gừng cùng với đường khoảng 20 - 30 phút, sau đó rim trên lửa vừa thêm khoảng 30 - 35 phút đến khi nào đường kẹo lại và bọc vào gừng.

Công đoạn đảo mứt cần phải cẩn thận nhất. Bởi chỉ cần người thợ đảo không đều tay trong tích tắc, mứt ra lò sẽ bị cháy đen và có vị đắng. Công đoạn cuối cùng là để nguội mứt và đưa đi đóng gói.

Là một trong những hộ làm mứt lớn bậc nhất trong thôn, ông Hồ Ngọc Tuấn (58 tuổi, trú tại thôn Mỹ Chánh, xã Hải Chánh) cho biết, năm nay do tình hình dịch bệnh nên hộ của ông chế biến mứt với số lượng chỉ bằng một nửa so với năm trước.

“Năm nay hộ của tôi mất trắng thị trường Hà Nội do những người vận chuyển ở ngoài kia đều bị cách ly. Vào những năm trước, cứ hễ đến tháng 11,12 âm lịch thì bếp nhà tôi lại “sống dậy” để bước vào vụ làm mứt với số lượng khoảng từ 10 - 13 tấn. Thế nhưng, trong năm nay chỉ làm ra bằng nửa so với năm trước”, ông Tuấn nói.

Hiện là giai đoạn cao điểm nhất của làng nghề, riêng gia đình ông đã tạo việc làm cho gần 50 người trong làng với mức tiền công 150 nghìn đồng/người/ngày để sản xuất mứt gừng.

{keywords}
Sản phẩm mứt gừng hoàn thiện và được đưa đi đóng gói.

Chủ tịch UBND xã Hải Chánh Bùi Văn Sinh cho biết, do ảnh của dịch Covid-19 nên năm nay sản lượng của làng nghề mứt gừng Mỹ Chánh có sụt giảm, giá cả cũng giảm khiến bà con đang gặp khó khăn.

“Để phát huy, bảo tồn làng nghề cũng như nâng cao chất lượng sản phẩm, hằng năm trước khi vào vụ, xã đã chủ động mời các hộ tiến hành ký cam kết bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm và môi trường trong quá trình sản xuất.

Ngoài ra, để hỗ trợ người dân, xã hỗ trợ 5 triệu đồng những hộ có trên 10 nhân khẩu làm mứt. Tăng cường công tác tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu sản phẩm ở các hội chợ, cung ứng cho các chuỗi siêu thị để phát triển thương hiệu ngày càng lớn mạnh và đi xa…”, ông Sinh chia sẻ thêm.

Bảo Lâm

Chi tiết loại pháo hoa người dân được phép mua chơi dịp Tết

Chi tiết loại pháo hoa người dân được phép mua chơi dịp Tết

Công ty TNHH MTV Hóa chất 21 (nhà máy Z121) thuộc Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng, Bộ Quốc phòng đã công bố một số loại pháo hoa phục vụ Tết Nguyên đán 2022.