Với mục tiêu duy trì và bảo tồn nghề, làng nghề, làng nghề truyền thống gắn với XDNTM, các địa phương trong tỉnh đã lồng ghép các nguồn vốn để tổ chức đào tạo nghề, hỗ trợ xúc tiến thương mại, quảng bá, phát triển thị trường, đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển làng nghề, ngành nghề nông thôn.
Một trong những mục tiêu của Chương trình XDNTM là phải chuyển dịch được cơ cấu lao động nông thôn sang hướng phi nông nghiệp. Việc phát triển nghề ở các địa phương liên quan trực tiếp đến nhiều tiêu chí quan trọng khác như: mức thu nhập bình quân đầu người, cơ cấu lao động và hình thức tổ chức sản xuất.
Vì vậy, địa phương nào có làng nghề phát triển, sẽ có nhiều điều kiện thuận lợi cho lộ trình XDNTM. Chính vì vậy, việc XDNTM gắn với xây dựng làng nghề, nhất là làng nghề truyền thống có ý nghĩa rất lớn cả về kinh tế và xã hội. Đây là giải pháp quan trọng thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nhằm tăng thu nhập, cải thiện và nâng cao đời sống cho lao động cho nông nghiệp, nông thôn.
Tại Lào Cai, nghề truyền thống rất phong phú, đa dạng, mang đậm nét văn hóa dân tộc. Các sản phẩm của làng nghề truyền thống được khách hàng trong và ngoài nước ưa chuộng. Phát triển ngành nghề truyền thống ở nông thôn nói chung và làng nghề nói riêng giữ vai trò quan trọng trong phát triển ở khu vực nông thôn.
Đến nay trên địa bàn tỉnh Lào Cai có 47 nghề truyền thống, làng nghề, làng nghề truyền thống được công nhận. Các làng nghề và làng nghề truyền thống được công nhận tập trung vào các nghề: Nấu rượu, may - thêu thổ cẩm, đan lát, chạm khắc bạc, làm hương đốt, bánh phở.
Trong đó, 3 làng nghề có sản phẩm OCOP đạt sao, gồm: Nấu rượu, xã Bản Phố (huyện Bắc Hà); nấu rượu, xã Thanh Bình (thị xã Sa Pa); chế biến miến dong, xã Bản Xèo (huyện Bát Xát). Trong đó, nhiều làng nghề đã phát triển theo hướng sản xuất nông nghiệp hàng hóa, xúc tiến thương mại, đưa sản phẩm ra thị trường. Các làng nghề có sự tham gia của gần 1.300 cơ sở sản xuất - kinh doanh, tổ hợp tác, hộ gia đình và có sự tham gia của khoảng 2.600 lao động. Nghề truyền thống giúp người dân có thu nhập bình quân 3,8 triệu đồng/người/tháng.
Tháng 9/2022, Lào Cai đã ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện chương trình bảo tồn và phát triển làng nghề giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030.
Kế hoạch được thực hiện nhằm bảo tồn, phát triển nghề và làng nghề, gìn giữ và phát huy các giá trị, bản sắc văn hóa truyền thống của các làng nghề trên địa bàn tỉnh, thúc đẩy phát triển sản xuất, nâng cao năng lực cạnh tranh, giá trị gia tăng cho các sản phẩm làng nghề. Cùng với đó, phát triển làng nghề để tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân; bảo vệ cảnh quan, không gian và môi trường, xây dựng thôn, bản, làng văn hóa, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nông thôn bền vững.
Giai đoạn 2022 - 2025, các địa phương sẽ khôi phục và bảo tồn nghề truyền thống, làng nghề truyền thống, trong đó tập trung bảo tồn và phát triển một số nghề truyền thống, làng nghề truyền thống như làm hương, làm cốm, may - thêu thổ cẩm, mây tre đan, chạm khắc bạc…
Để đạt được các kết quả này, các địa phương cùng các cơ quan liên quan đang nỗ lực duy trì và phát triển đội ngũ nghệ nhân, thợ giỏi, tạo nòng cốt thúc đẩy công tác đào tạo, truyền nghề, thực hành nghề thủ công truyền thống, lan tỏa các giá trị của di sản văn hóa nghề truyền thống trong cộng đồng, đặc biệt đối với thế hệ trẻ; bảo tồn, phát triển kỹ năng nghề truyền thống, sáng tạo thêm nhiều sản phẩm, tác phẩm mới có giá trị.
* Trang thông tin này có sự phối hợp của Văn phòng Điều phối Nông thôn mới Trung ương
Hồng Anh