{keywords}
Ảnh: Lê Anh Dũng

Canh tác thân thiện môi trường

Nhiều năm trở lại đây, với phương thức canh tác thân thiện môi trường kết hợp chế biến theo phương pháp thủ công truyền thống, hương vị đặc sắc, chè bản Ven dần khẳng định được vị thế trên thị trường, hiệu quả kinh tế vượt trội so với các giống cây trồng khác.

Bên cạnh đó, đây còn là loại cây giúp “xóa đói, giảm nghèo”, làm thay đổi diện mạo vùng quê nổi tiếng khó khăn. Từ xã có tỉ lệ hộ nghèo cao, nay đã giảm rõ rệt. Nhiều hộ có của ăn, của để, sắm được ô tô, xây nhà.

Anh Hoàng Văn Hà là điển hình cho việc chuyển đổi cây trồng khác sang cây chè. Người nông dân này chia sẻ: “Trồng chè hiệu quả gấp từ 4 lần trồng lúa, với giá bán trung bình từ 150 đến 200 nghìn đồng mỗi năm tôi thu về khoảng 200 triệu.

Một vị đại diện huyện Yên Thế cho biết, nhiều năm qua, UBND huyện đã quan tâm, chỉ đạo bằng nhiều biện pháp như: Quy hoạch, hỗ trợ mở rộng diện tích trồng chè. Tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn, hỗ trợ kỹ thuật giúp nhân dân nắm bắt, nhận thức được tiềm năng, lợi thế, thế mạnh của cây chè trên địa bàn hiện nay.

Từng bước thay đổi phương pháp sản xuất, chế biến chè khô truyền thống trở thành sản phẩm chè mang tính đặc trưng vùng miền, luôn đảm bảo chất lượng, an toàn khi sử dụng và mang thương hiệu hàng hóa cung cấp trên thị trường.

Bên cạnh đó, tăng cường tổ chức các lớp tập huấn kỹ thuật trồng, chăm sóc, chế biến cho hộ sản xuất. Chỉ đạo thực hiện Dự án hỗ trợ vốn vay cải tạo và thâm canh nương chè già; đôn đốc doanh nghiệp hoàn thành việc lắp đặt dây chuyền chế biến, tạo đầu ra ổn định cho nông dân…

Đến nay, chè bản Ven đã được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và công nghệ) cấp giấy chứng nhận nhãn hiệu “Chè xanh bản Ven"".

Ông Ninh Quang Nghiệp - Bí thư đảng ủy xã Xuân Lương thông tin: “Bên cạnh những thuận lợi về thổ nhưỡng và bí quyết để tạo nên sản phẩm chè thơm ngon, thì cây chè bản Ven cũng vấp phải một số khó khăn, nhất là vấn đề về thị trường tiêu thụ.  

Có thương hiệu không có nghĩa là việc tiêu thụ sản phẩm được nhanh chóng. Huyện và xã đang cố gắng để chè bản Ven được có mặt ở các hội chợ để giới thiệu, quảng bá sản phẩm. Chỉ khi tìm thêm được những mối liên doanh, liên kết lớn hơn, mới có thể giúp gia tăng giá trị cho cây chè bản Ven”.

Hương vị đặc biệt của chè bản Ven

Yên Thế là một trong 4 huyện miền núi của tỉnh Bắc Giang, có điều kiện thuận lợi về đất đai, thổ nhưỡng, tiểu vùng khí hậu phù hợp cho sự phát triển của cây chè. Một trong những xã tiêu biểu cho việc trồng chè là Xuân Trường - một xã chiếm đa số người dân tộc Cao Lan sinh sống.

Bao đời nay, người dân nơi đây vẫn lưu truyền câu ca: “Chè Xuân Lương, đựng ống bương, treo gác bếp, để giữ hương”.  Đó chính là bí quyết ủ chè đặc biệt của bà con dân tộc Cao Lan.

Chè Bản Ven được làm thủ công, từ cách trị sâu, chăm sóc cho tới chế biến. Khác với nhiều nơi, chè bản Ven lá to, búp xanh hơn. Sau khi pha, nước có màu xanh, đậm hương thơm.

Bí quyết ủ chè khô của bà con Cao Lan được xem là tuyệt kỹ, ít nơi nào có. Theo anh Hà, để búp chè mềm mại, xoăn chặt, chín đều, không bị gãy, người dân vò cẩn thận để cánh chè cứng chắc rồi mới đưa vào sao.

Đợi chè nguội, rải xuống nền đất đã được làm sạch khoảng 1 giờ, sàng lại cho bớt vụn rồi cất vào ống tre, ống nứa có độ dày tương đối, bịt chặt lại và đặt lên gác bếp. Nhiệt độ cao của bếp giữ cho chè tránh bị ẩm mốc, lưu trữ được quanh năm. Hương chè cũng giữ được từ 80 đến 90% so với lúc khi vừa sao.

Quá trình sao chè, giữ hương tuyệt đối không dùng phụ gia mà canh tác theo quy trình VietGap, không chất bảo quản, không phun thuốc bảo vệ thực vật, chỉ dùng các chế phẩm sinh học để chăm sóc cho cây.

Các ruộng được kiểm soát tất cả các quy trình. Mỗi đồi chè đều cắm bảng ghi rõ tên chủ ruộng, ngày phun thuốc. Khi phát hiện bệnh, tất cả các ruộng được hái chạy, sau đó, xử lý phun đồng loạt để hiệu quả hơn.

Bài: Trần Thị Thục Anh - nhóm PV
Ảnh: Vũ Việt Bảo Phùng - nhóm PV