Năm 2022 công tác lãnh đạo, chỉ đạo đối với công tác dân tộc, việc thực hiện các chính sách dân tộc trên địa bàn tỉnh đã được cấp ủy, chính quyền các cấp quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện thông qua các chương trình, kế hoạch, các văn bản chỉ đạo triển khai thực hiện các cơ chế, chính sách của Trung ương và địa phương.

Đồng bào DTTS đã và đang khắc phục những khó khăn, hạn chế để vươn lên trong cuộc sống, quyết tâm thoát nghèo, phát triển kinh tế; nhiều hộ đồng bào DTTS đã làm chủ doanh nghiệp, hợp tác xã, nhiều con em đồng bào DTTS được đi học, đi làm, trúng tuyển vào các trường đại học, cao đẳng với số điểm cao. Đồng bào DTTS đoàn kết tương trợ giúp đỡ nhau cùng phát triển, khối đại đoàn kết toàn dân tộc tiếp tục được phát huy, củng cố vững chắc. Hết năm 2022, đã có 02 xã (xã Châu Sơn huyện Đình Lập, xã Thiện Hòa huyện Bình Gia), 14 thôn ra khỏi khu vực đặc biệt khó khăn.

Các chính sách dân tộc được thực hiện nghiêm túc, kịp thời, đúng mục đích, đúng đối tượng, đạt nhiều kết quả tích cực. Các Chương trình mục tiêu quốc gia tiếp tục được quan tâm, chỉ đạo thực hiện quyết liệt. Các chính sách phát triển văn hóa - xã hội; bảo vệ môi trường được thực hiện có hiệu quả. Công tác y tế, giáo dục và đào tạo, phát triển nguồn nhân lực được quan tâm.

Công tác kiểm tra, giám sát được tăng cường từ tỉnh đến cơ sở, qua đó góp phần phát hiện, chấn chỉnh kịp thời những thiếu sót, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện các chính sách dân tộc. Công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, trợ giúp pháp lý và tuyên truyền các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước cho đồng bào DTTS được tăng cường. 

Quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội, an ninh biên giới được bảo đảm góp phần tạo môi trường an toàn, ổn định, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, thực hiện hiệu quả các chính sách đối với đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh.

Mặc dù đạt được những bước tiến dài, song tỉnh Lạng Sơn cũng thẳng thắn thừa nhận, kinh tế vùng đồng bào DTTS phát triển còn chậm, chuyển dịch cơ cấu kinh tế chưa theo kịp các vùng khác, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh chưa cao.

Trong quý I năm 2022, dịch Covid-19 lây lan nhanh, số lượng ca dương tính lây nhiễm trong cộng đồng tăng cao đã ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống, sản xuất của đồng bào DTTS trên địa bàn toàn tỉnh. Hệ thống trường học chuyên biệt (PTDTNT, PTDTBT) còn hạn chế, một số trường chưa đạt chuẩn dẫn đến tỷ lệ học sinh thụ hưởng chế độ bán trú không đảm bảo theo quy định; nguồn lực đầu tư phát triển còn hạn chế, huy động nguồn lực từ cộng đồng chưa cao. 

Tiến độ triển khai thực hiện các nội dung của Chương trình trong kỳ báo cáo còn chậm, khả năng thực hiện, giải ngân khó đạt được theo kế hoạch. 

Việc tuyên truyền về công tác dân tộc, thực hiện các chính sách dân tộc ở một số địa phương hiệu quả chưa cao dẫn đến nhận thức, ý chí vươn lên thoát nghèo của một bộ phận đồng bào DTTS còn hạn chế, còn có trường hợp không muốn thoát nghèo, không muốn ra khỏi vùng đặc biệt khó khăn để tiếp tục được thụ hưởng các chính sách hỗ trợ của Nhà nước.

Việc phân định vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2025 đã tác động phần nào đến thực hiện các nhiệm vụ, mục tiêu, chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2022; một bộ phận đồng bào DTTS chịu tác động tiếp tục có những ý kiến bức xúc, phản ứng, kiến nghị. Tình hình an ninh trật tự, an toàn xã hội ở một số địa bàn còn tiềm ẩn nguy cơ phức tạp; tình hình liên quan đến khiếu kiện còn xảy ra. Tình hình người DTTS từ nơi khác đến địa bàn tỉnh lao động, sinh sống nhưng không đăng ký tạm trú đã gây khó khăn cho công tác quản lý. 

Nguyên nhân do công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện công tác dân tộc và chính sách dân tộc của một số huyện chưa thực sự quyết liệt; Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi là Chương trình mới, khối lượng công việc rất lớn, liên quan nhiều cấp, nhiều ngành, công tác phối hợp đôi khi chưa đảm bảo chặt chẽ; Nguồn lực đầu tư vào vùng DTTS và miền núi chưa đáp ứng được nhu cầu. Đồng bào DTTS ở một số vùng đặc biệt khó khăn có trình độ dân trí thấp, địa bàn sinh sống biệt lập, ít có cơ hội giao lưu, trao đổi, hội nhập; khả năng ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất còn hạn chế.

Thực tế, một bộ phận đồng bào DTTS cư trú tại các vùng trước đây có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, nay không còn thuộc diện đặc biệt khó khăn có mức thu nhập vẫn còn rất thấp, đời sống còn rất nhiều khó khăn. Việc phân định vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2025 và thực hiện cắt giảm ngay chế độ, chính sách trước đây do ngân sách nhà nước hỗ trợ đối với các đối tượng thụ hưởng này đã tác động lớn đến đời sống của người dân, gây khó khăn cho công tác an sinh xã hội. Cấp ủy, chính quyền cơ sở ở một số nơi, chưa quan tâm sát sao công tác tuyên truyền, vận động người dân thực hiện Quyết định số 861/QĐ-TTg và Quyết định số 612/QĐ-UBDT; nhận thức, ý thức một bộ phận đồng bào DTTS vẫn còn hạn chế, chưa chủ động khắc phục những khó khăn để lao động sản xuất, chủ động vươn lên thoát nghèo, có tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào các chính sách hỗ trợ của Nhà nước.

Hồng Linh