Những năm qua, tình hình tội phạm mua bán người, mua bán trẻ em diễn biến phức tạp, gia tăng cả về số lượng và tính chất, mức độ, quy mô. Nhiều tuyến và địa bàn trọng điểm, phức tạp mà tội phạm mua bán người thường lợi dụng hoạt động như: tuyến giao thông Hà Nội – Lạng Sơn, Hà Nội  – Quảng Ninh, Hà Nội – Lào Cai và các đường mòn cửa khẩu biên giới phía Bắc và phía Tây Nam Lào, Campuchia…

Với đặc thù là tỉnh miền núi có đường biên giới dài 231,74 km, nhiều đường mòn, lối mở, Lạng Sơn trở thành địa điểm phức tạp của tình trạng buôn bán người. Vì vậy, các cấp, ngành trong tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, hiệu quả để phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm mua bán người.

quốc khánh 1.jpg
Lực lượng công an tuyên truyền phòng, chống mua bán người trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn năm 2024.

Thượng tá Hoàng Ngọc Quang, Phó trưởng Phòng Cảnh sát hình sự, Công an tỉnh Lạng Sơn thông tin: Thủ đoạn của tội phạm mua bán người ngày càng tinh vi, xảo quyệt. Thay vì gặp trực tiếp, hẹn ở biên giới đưa sang nước khác thì hiện nay chúng sử dụng mạng xã hội (Zalo, Facebook, Tiktok…) và điện thoại thông minh đăng tải thông tin tuyển dụng đi xuất khẩu lao động, làm việc trên máy tính với mức lương cao để thu hút, tìm kiếm nạn nhân.

Các đối tượng kết bạn rồi hướng dẫn nạn nhân đến khu vực biên giới, cho người đón nạn nhân rồi đưa vào sâu trong nội địa. Nếu không còn lợi dụng được nạn nhân, chúng yêu cầu nạn nhân liên hệ gia đình gửi tiền chuộc mới thả về nước.

Thời gian qua, lực lượng công an trong tỉnh Lạng Sơn đã chủ động nắm bắt tình hình, tiếp nhận và xử lý kịp thời tin báo, trình báo về tội phạm, triển khai đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ để đấu tranh với tội phạm mua bán người.

Từ năm 2023 đến nay, lực lượng chức năng phát hiện, điều tra làm rõ 5 vụ 7 đối tượng mua bán người, mua bán người dưới 16 tuổi; tiếp nhận, giải cứu và hỗ trợ, xác minh, xác định 6 nạn nhân. Công tác rà soát, xác minh, truy bắt các đối tượng truy nã, đối tượng có liên quan đến tội phạm mua bán người được chú trọng thực hiện (3/7 đối tượng bị bắt là các đối tượng truy nã). Ngoài bị bán sang Trung Quốc, nhiều nạn nhân bị đưa sang Campuchia...

Điển hình như vụ việc anh L.D.V (SN 1990), trú tại xã Hòa Lạc, huyện Hữu Lũng quen biết người sử dụng tài khoản tên “Miên Di”. Di dụ dỗ V sang Campuchia làm công việc nhẹ nhàng, được hưởng lương cao, khoảng 46 triệu đồng/tháng.

Tháng 7/2022, V được người lạ đưa sang Campuchia làm việc. Tại đó, mỗi ngày V phải làm việc trên máy tính từ 16 - 17 tiếng, hiệu quả công việc không đạt thì bị tra tấn, đánh đập. Nếu muốn chuộc V về thì gia đình phải đưa cho họ số tiền 80 triệu đồng, đưa chậm tiền, mỗi ngày sẽ phải nộp thêm 50 triệu đồng. Mẹ V đã có đơn cầu cứu khẩn cấp gửi Bộ Công an đề nghị xem xét, giải quyết để con trai bà thoát khỏi sự giam giữ và tra tấn, sớm được trở về với gia đình. 

Trên đây chỉ là 1 trường hợp công dân Lạng Sơn bị lừa sang Campuchia. Theo thống kê chưa đầy đủ của Phòng Cảnh sát hình sự, Công an tỉnh, từ năm 2022 đến nay đã có gần 20 nạn nhân, gia đình nạn nhân trình báo về việc bị lừa bán sang Campuchia lao động.

Cùng với lực lượng công an, các cấp, ngành trong tỉnh Lạng Sơn đã chủ động vào cuộc, tăng cường tuyên truyền phòng ngừa, tham gia đấu tranh với tội phạm mua bán người; phổ biến, giáo dục pháp luật gắn với thực hiện phong trào "Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc".

Trong đó, tập trung tuyên truyền về phương thức, thủ đoạn, hậu quả, cách thức phòng ngừa, phát hiện, tố giác tội phạm mua bán người; những nguy hiểm, rủi ro, hệ lụy của việc xuất cảnh trái phép sang nước ngoài với các hình thức như: tuyên truyền miệng, phát tờ rơi, tài liệu, tọa đàm, hội thi, trên các phương tiện thông tin đại chúng, mạng xã hội… 

Từ 2023 đến nay, toàn tỉnh tổ chức được trên 16.000 cuộc phổ biến giáo dục pháp luật đến trên 1,2 triệu lượt người nghe, trong đó có nội dung phòng, chống mua bán người.

Lực lượng công an cũng tăng cường phối hợp với lực lượng bộ đội biên phòng tuần tra, kiểm soát trên các tuyến; phòng, chống xuất, nhập cảnh trái phép; làm tốt công tác quản lý nhân, hộ khẩu, quản lý cư trú, nhất là các cơ sở lưu trú gần khu vực biên giới, cửa khẩu để kịp thời phát hiện, ngăn chặn các đối tượng mua bán người qua biên giới.

Tăng cường hợp tác quốc tế trong phòng, chống mua bán người, phối hợp với công an Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây, Trung Quốc trong trao đổi thông tin, đấu tranh truy bắt tội phạm, giải cứu nạn nhân… Hiện, công tác quản lý xuất nhập cảnh, quản lý biên giới của nước ta cũng như Trung Quốc tiếp tục được thắt chặt. Trung Quốc đã cho xây dựng hệ thống tường rào thép gai, lắp đặt các hệ thống camera an ninh, bịt kín các đường mòn, lối mở nên tội phạm mua bán người qua biên giới Trung Quốc có xu hướng giảm.

Phòng chống mua bán người là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên và lâu dài. Cùng với sự vào cuộc của các cấp, ngành, mỗi người dân cần đề cao cảnh giác, phòng, tránh trở thành nạn nhân của tội phạm mua bán người.