Triển khai thực hiện nhiệm vụ cấp nước sạch nông thôn trong Chương trình xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025, tỉnh Lạng Sơn đặt mục tiêu đến năm 2025, 60% dân số nông thôn được tiếp cận với nước sạch đạt quy chuẩn với số lượng tối thiểu từ 40 – 60 lít/người/ngày đêm.

Bảo đảm cấp nước sạch sinh hoạt quy mô hộ gia đình cho các hộ dân tại những khu vực chưa có khả năng tiếp cận với nước cấp tập trung, vùng khan hiếm, khó khăn về nguồn nước, vùng thường xuyên bị ảnh hưởng thiên tai, hạn hán. 50% số đơn vị cấp huyện triển khai thu gom, xử lý nước thải sinh hoạt phi tập trung theo cụm hoặc khu vực phù hợp, hiệu quả...

nước sạch.jpg
Chương trình tập huấn về nước sạch và vệ sinh môi trường năm 2024 của tỉnh Lạng Sơn.

Thời gian qua, thông qua các Chương trình mục tiêu Quốc gia nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn; Xây dựng nông thôn mới, Giảm nghèo bền vững; Chương trình 134, 135... với nhiều nguồn vốn từ ngân sách Trung ương và địa phương, đóng góp của nhân dân cùng sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế như Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF), Chính phủ Úc, Hà Lan, Đan Mạch, Liên minh châu Âu (EU)... Lạng Sơn đã tập trung xây dựng các công trình nước sạch khu vực nông thôn.

Nà Mò là thôn đặc biệt khó khăn của xã biên giới Mẫu Sơn, huyện Lộc Bình với trên 90% là người dân tộc Dao sinh sống, cơ bản là hộ nghèo và cận nghèo. Theo ông Triệu Tiến Ngân, Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Nà Mò, thôn hiện có 86 hộ dân, với trên 340 nhân khẩu.

Năm 1990, công trình cấp nước được đầu tư trên địa bàn thôn, song qua thời gian dài sử dụng, hệ thống cấp nước đã xuống cấp trầm trọng. Để có nước sử dụng, nhiều hộ trong thôn phải đi bộ từ 1 - 3km để vận chuyển nước từ các khe, suối. Hộ nào có điều kiện hơn thì góp tiền đấu nối đường dây để kéo nước về dùng. Vào mùa khô, nước rất ít, gần như không đáp ứng được nhu cầu sinh hoạt, sản xuất của bà con.

Tháng 3/2023, công trình cấp nước sinh hoạt tại thôn được xây dựng với tổng kinh phí hơn 1,1 tỷ đồng do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện làm chủ đầu tư với đường ống dẫn nước có tổng chiều dài 3.415m và bể chứa nước dung tích 20m3… Công trình nhằm cấp nước cho hơn 60/86 hộ dân với trên 200 nhân khẩu tại thôn Nà Mò (các hộ khác do địa hình cách xa công trình nên tự dẫn nước nguồn về để sử dụng).

Đến tháng 12/2023, công trình được hoàn thành và đưa vào sử dụng. Thôn Nà Mò đã thành lập Tổ quản lý công trình nước sạch gồm 4 thành viên có nhiệm vụ tuyên truyền, thường xuyên kiểm tra, bảo dưỡng công trình theo định kỳ. Tại các cuộc họp thôn, trưởng thôn và các thành viên trong tổ đã tuyên truyền tới người dân cùng tham gia bảo vệ, quản lý tốt công trình, sử dụng nguồn nước tiết kiệm và hiệu quả như: tuyệt đối không chăn thả gia súc xung quanh khu vực đầu nguồn; vận động bà con không chặt phá rừng để bảo vệ nguồn nước…

Việc đưa công trình nước sinh hoạt vào sử dụng đã giải quyết tình trạng thiếu nước sinh hoạt và góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân thôn Nà Mò. Từ đó, nâng tỷ lệ người dân được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh của toàn xã đạt trên 98%, giúp bà con yên tâm lao động sản xuất, phát triển kinh tế, từng bước ổn định cuộc sống.

Hay xã Khánh Long là xã vùng ba còn nhiều khó khăn của huyện Tràng Định, nhiều năm qua, bà con luôn gặp khó khăn về nước sinh hoạt. Tháng 11/2022, công trình cấp nước sinh hoạt tập trung tại xã Khánh Long được Nhà nước đầu tư xây dựng với tổng kinh phí hơn 2,4 tỷ đồng. Công trình khởi công tháng 6/2023 với quy mô gồm: 4 bể tích nước, 4 bể lọc và hệ thống đường ống dẫn nước có tổng chiều dài hơn 8 km. 

W-20240411_115000.jpg
Việc đầu tư các công trình nước sạch sẽ góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống người dân.

Mục tiêu của công trình sẽ cấp nước cho UBND xã, Trạm Y tế xã, Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học và THCS Khánh Long với quy mô trên 570 người và 79 hộ dân với trên 300 nhân khẩu tại các thôn: Khuổi Phụ 1; Khuổi Phụ 2; Khuổi Bây B và Khuổi Sả. Đến tháng 12/2023, công trình đã hoàn thành và đưa vào sử dụng giúp cuộc sống sinh hoạt của bà con xã Khánh Long thuận lợi hơn, qua đó, củng cố niềm tin của người dân đối với Đảng, Nhà nước. 

Bên cạnh xây dựng các công trình nước sạch tại vùng khó, tỉnh Lạng Sơn cũng tăng cường công tác truyền thông về vấn đề này. Tháng 4/2024, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh tổ chức Hội nghị Triển khai kế hoạch thực hiện Đề án Truyền thông về cải thiện vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường và sử dụng nước sạch nông thôn trên địa bàn tỉnh năm 2024.

Thực hiện Kế hoạch số 15/KH-UBND (18/01/2024) của UBND tỉnh Lạng Sơn về thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới năm 2024, Trung tâm Nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh phối hợp với UBND các xã tổ chức 12 lớp tập huấn nâng cao năng lực cho cán bộ và người dân thực hiện công tác nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn từ ngày 21/5 - 7/6/2024. 

Các sự kiện đều cung cấp hiện trạng và các loại hình cấp nước sinh hoạt nông thôn, vận hành bảo dưỡng công trình cấp nước tập trung, xác định các hư hỏng thường gặp, giới thiệu vật tư và cách sử dụng, các mô hình quản lý khai thác, hướng dẫn cập nhật Bộ chỉ số theo dõi – đánh giá nước sạch nông thôn, hướng dẫn chỉ tiêu nước sạch trong xây dựng nông thôn mới. Từ đó góp phần thực hiện các chỉ tiêu về nước sạch trong xây dựng nông thôn mới tại các xã, huyện.