Việt Nam hiện là 1 trong 30 quốc gia đầu tiên trên thế giới và là quốc gia đầu tiên của châu Á áp dụng chuẩn nghèo đa chiều, bảo đảm mức sống tối thiểu và thiếu hụt tiếp cận dịch vụ xã hội cơ bản 6 chiều về: việc làm; y tế; giáo dục; nhà ở; nước sinh hoạt và vệ sinh; thông tin. Do đó, việc thực hiện mục tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo đa chiều phải được nâng lên yêu cầu cao hơn.
Ông Lê Văn Thanh, Thứ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội cho biết: "Chương trình giảm nghèo 2021-2025 đã thay đổi căn bản về mục tiêu, yêu cầu, đòi hỏi cao hơn so với những giai đoạn trước. Đặc thù công tác giảm nghèo giai đoạn này khó hơn, yêu cầu và đòi hỏi cao hơn so với giai đoạn trước. Ngoài chiều về thu nhập còn phải giảm 6 chiều thiếu hụt dịch vụ xã hội cơ bản khác. Chuyển hoàn toàn cơ chế hỗ trợ từ cho không sang hỗ trợ có điều kiện. Vì vậy, mục tiêu của giảm nghèo không đơn thuần là giảm nghèo về thu nhập, mà cao hơn, hoàn thiện hơn và bao trùm hơn".
Tính từ tháng 1/2023 đến nay, 63/63 tỉnh/thành phố đã thực hiện chi trả không dùng tiền mặt cho các đối tượng an sinh xã hội đã có chiều hướng tăng lên rõ rệt. Đặc biệt, 14 tỉnh, thành phố đã nâng mức trợ giúp cao hơn mức quy định tại Nghị định số 20/2021/NĐ-CP4; 32 tỉnh, thành phố quy định thêm các đối tượng thuộc diện trợ cấp, trợ giúp chưa được quy định trong Nghị định số 20/2021/NĐ-CP. Tổng ngân sách chi cho thực hiện các chế độ chính sách trợ giúp xã hội khoản 2.250 tỷ đồng/tháng.
100% địa phương đã chi trả đầy đủ chế độ, chính sách trợ giúp xã hội đến 100% đối tượng chính sách. Có 61/63 tỉnh, thành phố đã thực hiện chi trả qua tổ chức dịch vụ chi trả.
"Việc triển khai đầy đủ các chế độ, chính sách trợ giúp xã hội đã góp phần ổn định đời sống, bảo đảm an sinh xã hội cho đối tượng bảo trợ xã hội, đồng thời góp phần ổn định tình hình an ninh trật tự, an toàn xã hội và ổn định chính trị đất nước", Thứ trưởng Lê Văn Thanh khẳng định.
Theo đó, giảm nghèo đa chiều để ‘không ai bị bỏ lại phía sau", Bộ Lao động Thương binh và Xã hội đang tiếp tục hoàn thiện dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 20/2021/NĐ-CP của Chính phủ quy định chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội. Dự thảo này không chỉ nâng mức trợ cấp mà còn mở rộng thêm các đối tượng hưởng chính sách
Bộ Lao động Thương binh và Xã hội đánh giá việc nâng mức chuẩn trợ cấp xã hội hàng tháng nhằm bảo đảm hỗ trợ hiệu quả một phần nhu cầu thiết yếu cho đối tượng bảo trợ xã hội là hết sức cấp bách; cần phải điều chỉnh mức chuẩn phù hợp để từng bước bảo đảm an sinh xã hội cho nhóm dân cư yếu thế.
Bộ Lao động Thương binh và Xã hội đề xuất 2 phương án điều chỉnh mức chuẩn trợ giúp xã hội. Phương án 1 là nâng mức chuẩn trợ cấp xã hội hàng tháng từ 360.000 đồng lên 500.000 đồng (tăng 39%), mức này tương đương 33% chuẩn nghèo khu vực nông thôn giai đoạn 2021-2025. Với phương án này thì số kinh phí thực hiện một năm sẽ khoảng 37.113 tỷ đồng, tăng hơn so với mức quy định hiện tại là 9.465 tỷ đồng.
Phương án 2 là nâng mức chuẩn trợ cấp xã hội hàng tháng từ 360.000 đồng lên 750.000 đồng, tương đương 50% chuẩn nghèo khu vực nông thôn giai đoạn 2021-2025. Với mức chuẩn trợ giúp xã hội là 750.000 đồng (tăng 108,3% so với mức chuẩn cũ) thì tổng kinh phí thực hiện một năm khoảng 54.000 tỷ đồng, ngân sách Nhà nước bố trí tăng thêm khoảng 26.300 tỷ đồng/năm.
Như vậy, mặc dù ngân sách Nhà nước còn khó khăn nhưng vẫn ưu tiên đầu tư cho an sinh xã hội, trợ giúp xã hội. Mức trợ giúp xã hội liên tục tăng lên sau 6 lần điều chỉnh. Mức chuẩn trợ cấp năm 2000 là 45.000 đồng/tháng, đến năm 2006 tăng lên 65.000 đồng/người/tháng, năm 2007 tăng lên 120.000 đồng tháng, năm 2010 tăng lên 180.000 đồng/tháng, năm 2013 là 270.000 đồng/tháng và lên mức 360.000 đồng năm 2021.
Theo Thứ trưởng Lê Văn Thanh, thời gian tới, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội sẽ tiếp tục triển khai thực hiện đồng bộ các chương trình, đề án, chính sách về trợ giúp xã hội, Quy hoạch mạng lưới cơ sở trợ giúp xã hội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.