Khu kinh tế cửa khẩu là trọng tâm chuyển dịch cơ cấu kinh tế của cả tỉnh

Lạng Sơn là tỉnh miền núi nằm ở phía Đông Bắc. Địa hình Lạng Sơn phổ biến là núi thấp và đồi, ít núi trung bình và không có núi cao. Độ cao trung bình là 252m so với mực nước biển. Giống như các tỉnh miền núi phía Bắc, Lạng Sơn là tỉnh có các dân tộc ít người chiếm số đông (84,74 % tổng số dân của tỉnh). 

Lạng Sơn còn là tỉnh miền núi có hệ thống giao thông thuận lợi, có đường biên giới chung với Trung Quốc dài 253 km; có 2 cửa khẩu quốc tế (cửa khẩu đường bộ Hữu Nghị và cửa khẩu đường sắt Đồng Đăng), 2 cửa khẩu quốc gia (Chi Ma, Bình Nghi) và 7 cặp chợ biên giới tạo điều kiện cho Lạng Sơn trở thành điểm giao lưu, trung tâm buôn bán thương mại quan trọng của tỉnh trong cả nước với Trung Quốc, sau đó sang các nước Trung Á, châu Âu.

W-tanthanh.png
Cửa khẩu Tân Thanh

Nhất là trong điều kiện hiện nay, khi Nhà nước đang thực hiện chính sách đầu tư phát triển các khu kinh tế cửa khẩu, thì Lạng Sơn càng có điều kiện để phát triển các ngành kinh tế, đặc biệt kinh tế thương mại - du lịch - dịch vụ. Khu kinh tế cửa khẩu là một trong những vùng kinh tế trọng điểm, là khu vực phát triển năng động nhất, đóng vai trò động lực thúc đẩy phát triển các lĩnh vực kinh tế - xã hội, là trọng tâm chuyển dịch cơ cấu kinh tế của cả tỉnh.

Nhờ hệ thống giao thông thuận lợi, nên việc buôn bán trong những năm qua ở đây rất sôi động, hàng hoá trong tỉnh, các tỉnh bạn trong cả nước qua Lạng Sơn xuất khẩu sang Trung với số lượng, chủng loại lớn, năm sau cao hơn năm trước. Hàng năm có hàng trăm doanh nghiệp trong cả nước tham gia xuất khẩu qua biên giới, thu hút nhiều doanh nghiệp trong nước, nước ngoài, các thành phần kinh tế tham gia kinh doanh thương mại - dịch vụ - du lịch ở cửa khẩu và trên địa bàn tỉnh. Thương mại Lạng Sơn phát triển nhanh chóng đã góp phần thúc đẩy sản xuất phát triển, nâng cao mức sống của nhân dân, tăng thu nhập cho ngân sách địa phương và trung ương. 

Thông tin tại Kỳ họp thứ 21, HĐND tỉnh Lạng Sơn khóa XVII, nhiệm kỳ 2021-2026 cho biết, năm 2024, tỉnh tiếp tục triển khai các biện pháp tháo gỡ khó khăn, phục hồi phát triển kinh tế nhanh, bền vững; đẩy mạnh phát triển kinh tế cửa khẩu, thương mại, du lịch, dịch vụ. Địa phương quan tâm đầu tư đồng bộ hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, nhất là hạ tầng giao thông, đô thị, khu, cụm công nghiệp; cải cách hành chính, tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi để thu hút đầu tư...

Lạng Sơn đặt mục tiêu, tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt từ 7-7,5%. Tổng sản phẩm bình quân đầu người trên địa bàn đạt 65-66 triệu đồng. Kim ngạch xuất khẩu hàng địa phương tăng 8-9%. Tổng thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn 7.485 tỷ đồng. Tỷ lệ hộ nghèo giảm khoảng 3%.

Khẩn trương xây dựng và kinh doanh hạ tầng các khu, cụm công nghiệp

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Lạng Sơn Hoàng Văn Nghiệm nhấn mạnh, năm 2024 có vai trò quan trọng, là năm bản lề trong việc thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020-2025. Để hoàn thành nhiệm vụ năm 2024, đồng thời đạt được các chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII đề ra, thời gian tới, tỉnh tập trung triển khai quy hoạch tỉnh Lạng Sơn thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; kịp thời rà soát, điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất phù hợp với quy hoạch tỉnh, quy hoạch vùng, quy hoạch quốc gia được phê duyệt.

Lạng Sơn chủ động triển khai đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả 3 Chương trình mục tiêu Quốc gia, Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và các chương trình, đề án về phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2025; đẩy mạnh thu hút đầu tư, bảo đảm có trọng tâm, trọng điểm, phù hợp với ngành, lĩnh vực, danh mục dự án ưu tiên thu hút đầu tư của tỉnh, khẩn trương lựa chọn các nhà đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng các khu, cụm công nghiệp.

Tăng cường hội đàm, trao đổi với phía Trung Quốc để sớm thông quan các cửa khẩu phụ 

Đặc biệt, tỉnh tập trung phát triển nhanh kinh tế cửa khẩu để thúc đẩy tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế; tăng cường hội đàm, trao đổi với phía Trung Quốc để sớm thông quan các cửa khẩu phụ trên địa bàn tỉnh, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, nâng cao hơn nữa năng lực thông quan hàng hóa.

Lạng Sơn đẩy nhanh tiến độ điều chỉnh tổng thể quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng - Lạng Sơn đến năm 2030 và điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng khu vực cửa khẩu chính Chi Ma (huyện Lộc Bình) đến năm 2045; tăng cường công tác quản lý các quy hoạch đã được phê duyệt; tạo môi trường thuận lợi trong hoạt động thương mại, dịch vụ, đẩy mạnh huy động các nguồn lực xã hội hóa để đầu tư, xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng và phát triển sản xuất kinh doanh tại khu vực cửa khẩu.

Tỉnh thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp về cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, tạo môi trường đầu tư thông thoáng, thu hút các nhà đầu tư; thường xuyên nắm bắt tình hình, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc tạo điều kiện thuận lợi để hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh khôi phục hoạt động sản xuất kinh doanh.

Yên Minh