Những năm qua, với tinh thần vượt khó, kiên trì, linh hoạt và sáng tạo, phong trào thi đua xây dựng nông thôn mới diễn ra sôi nổi ở nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn. Phong trào đã thu hút đông đảo sự quan tâm các tầng lớp nhân dân và tạo nên sức mạnh tổng hợp, góp phần thực hiện các kế hoạch xây dựng nông thôn mới của tỉnh.

Nhờ đó, bộ mặt nông thôn của tỉnh Lạng Sơn ngày càng khởi sắc, văn minh và hiện đại. Hạ tầng được đầu tư khang trang, mức sống người dân từng bước được nâng cao.

W-img-20230405-1146132-1.jpg
Tuyên truyền giúp người dân hiểu được lợi ích của việc đảm bảo vệ sinh môi trường sống.

Năm 2023, Lạng Sơn phấn đấu có thêm 10 xã đạt chuẩn nông thôn mới, tuy nhiên cả 10 xã điểm đều chưa đạt tiêu chí môi trường. Trong đó, phần lớn các xã chưa đạt các chỉ tiêu như: nhà tiêu, nhà tắm hợp vệ sinh bình quân dưới 50% (yêu cầu chỉ tiêu là trên 70%); việc thu gom, xử lý bao gói thuốc bảo vệ thực vật ở một số xã vẫn chưa thường xuyên (yêu cầu chỉ tiêu là 100%); một số xã chưa duy trì việc quét dọn, thu gom rác, giữ gìn cảnh quan đường làng, ngõ xóm…

Trước vấn đề này, các địa phương trong tỉnh đã triển khai các giải pháp truyền thông như phát tờ rơi, phát loa, lồng ghép trong các buổi sinh hoạt văn nghệ, chi bộ, phối hợp với các tổ chức hội, đoàn thể truyền thông trực tiếp tại cụm dân cư...

Công tác truyền thông, tuyên truyền đã làm thay đổi nhận thức nhân dân, giúp họ hiểu được lợi ích của việc đảm bảo vệ sinh môi trường sống. Vì vậy, các tầng lớp nhân dân đã đóng góp sức người, sức của, khẩn trương hoàn thành tiêu chí về môi trường, phấn đấu đạt kế hoạch chung về xây dựng nông thôn mới đã đề ra.

Cùng với đó, ngay từ đầu năm, Sở Tài nguyên và Môi trường Lạng Sơn đã chủ động xây dựng kế hoạch cụ thể để triển khai thực hiện các nội dung tiêu chí môi trường tại các xã điểm. Chủ động phối hợp với các cấp, ngành liên quan tăng cường tuyên truyền, vận động, tập huấn tại các xã điểm. Hỗ trợ nguồn lực từ Quỹ Bảo vệ môi trường giúp các xã thực hiện các chỉ tiêu của tiêu chí môi trường…

Sở Tài nguyên và Môi trường cũng chỉ đạo Chi cục Bảo vệ môi trường phối hợp tổ chức được 10 lớp tập huấn tại 10 xã điểm về việc thực hiện tiêu chí môi trường với trên 800 người tham gia. Ngoài ra, nhân ngày “Môi trường thế giới”, “Đại dương thế giới”, Sở Tài nguyên và Môi trường đã lồng ghép tuyên truyền, đôn đốc các xã điểm thực hiện tiêu chí môi trường bằng các việc làm cụ thể như ra quân tổng vệ sinh, thu gom rác thải, phân loại rác thải rắn, trồng cây xanh…

Bên cạnh đó, các cấp, ngành liên quan cũng tăng cường tuyên truyền, vận động, huy động sự chung sức của người dân để thực hiện tiêu chí môi trường. Từ đầu năm 2023 đến nay, các cấp, ngành liên quan đã tổ chức tuyên truyền chuyên đề, lồng ghép được 3.220 hội nghị về các nội dung liên quan đến xây dựng nông thôn mới gắn với thực hiện cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, "Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch”, "Xây dựng môi trường nông thôn xanh – sạch – đẹp" với 175.610 lượt người tham gia.

Các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh đã phát động phong trào cán bộ, công chức, chiến sĩ lực lượng vũ trang ngày cuối tuần xuống hỗ trợ các xã xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu, hướng dẫn người dân thực hiện các tiêu chí, trong đó trọng tâm là tiêu chí môi trường… 

Từ sự quan tâm chỉ đạo của các cấp, ngành và sự chung sức của người dân, việc triển khai thực hiện tiêu chí môi trường ở các xã điểm của tỉnh đã đạt được những kết quả tích cực. 

Theo ước tính, nhân dân trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn đã đóng góp ngày công, hiện vật quy đổi trị giá khoảng 26 tỷ đồng để chung sức thực hiện tiêu chí môi trường. Đồng thời, các địa phương điểm xây dựng nông thôn mới năm 2023 cũng thường xuyên duy trì phong trào ra quân dọn vệ sinh môi trường, giữ gìn cảnh quan đường làng, ngõ xóm.

Từ nguồn Quỹ Bảo vệ môi trường, các đơn vị liên quan đã hỗ trợ 10 xã điểm phấn đấu đạt chuẩn nông thôn mới gần 900 triệu đồng để xây dựng các công trình bảo vệ môi trường.

Hiện, các xã đã xây dựng được 110 bể chứa vỏ bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng; 4 lò đốt rác tập trung; 498 nhà tiêu hợp vệ sinh; 56 nhà tắm hợp vệ sinh… góp phần quan trọng giúp các xã nâng tỷ lệ nhà tiêu, nhà tắm hợp vệ sinh lên trên 70%; tỷ lệ thu gom, xử lý vỏ thuốc bảo vệ thực vật qua sử dụng đạt 100%.

Quỳnh Nga