Từ giấc mộng tan vỡ

Khoảng hơn 40 năm trước, cơn sốt tìm trầm ở khắp các cánh rừng già bạt ngàn trên dãy Trường Sơn từ Khánh Hòa đến Quảng Trị, Quảng Bình… đã kéo hàng trăm thanh niên trai tráng các làng quê nghèo miền trung du Quảng Nam lên rừng, lao theo giấc mơ đổi đời với trầm kỳ.

Làng tìm vàng trong thân cây, đổi đời nhờ tỉ mẩn đục đẽo - 1

Theo ông Trịnh Thanh Hiểu, người chế tác trầm cảnh cần có sự tỉ mỉ, kiên nhẫn thì mới theo đuổi được nghề.

Theo các cụ cao niên ở huyện Nông Sơn, thuở ấy, khắp miền Trung Phước ở địa phương này hay Đại Quang, Đại Phong (huyện Đại Lộc) sục sôi với cơn sốt tìm trầm. Khi đó rừng xanh chưa có dấu chân người. Những người đi tìm trầm (gọi là dân điệu trầm) được rừng xanh khoản đãi, nhiều người bỗng chốc đổi đời. Sự giàu có nhanh chóng trở thành nỗi ám ảnh, khát khao cho người khác.

Nhưng ít ai biết đằng sau hành trình "ngậm ngải tìm trầm" là những "luật ngầm" nghiêm ngặt, là sự đánh đổi khắc nghiệt đầy máu, nước mắt. Mỗi chuyến "điệu" trầm thường kéo dài vài ba tháng. Chốn rừng thiêng nước độc, cảnh tìm trầm đầy khắc nghiệt, hên xui như mò kim đáy bể mà người trúng kỳ nam, đổi đời chỉ đếm trên đầu ngón tay.

Nhiều thợ săn trầm trở về với căn bệnh sốt rét kinh niên, thậm chí không hiếm người đã bỏ xác chốn rừng sâu.

Làng tìm vàng trong thân cây, đổi đời nhờ tỉ mẩn đục đẽo - 2

Công đoạn tạo hình cũng tốn một thời gian với công sức khá nhiều và tỉ mỉ mới có được một sản phẩm như ý.

Khi cơn "sốt" trầm kỳ dần lắng xuống, sức tàn lực kiệt, những người đàn ông tàn tạ trở về làng xóm, giấu giấc mơ đổi đời trong chiếc ba lô cũ mèm nơi xó nhà, cúi mặt với nợ nần chồng chất.

Cực khổ là thế nhưng họ vẫn đeo đuổi, gắn kết với trầm hương như một đam mê, ngay cả khi cây dó bầu (nguồn nguyên liệu để nuôi cấy trầm - PV) tưởng đã vĩnh viễn không còn.

Năm 1985, ông Nguyễn Trường Bộ (làng Trung Phước) đã sáng chế trầm cảnh mỹ nghệ đầu tiên của làng từ cây dó bầu cổ thụ. Khối trầm cảnh khi đó được bán với giá 20 triệu đồng, tạo nên một tin sốc trong giới tìm trầm thời đó. Rồi lần lượt nhiều người tìm đến ông học nghề chế tác trầm cảnh, về mở cơ sở sản xuất.

Làng tìm vàng trong thân cây, đổi đời nhờ tỉ mẩn đục đẽo - 3

Nghề chế tác trầm cảnh có thu nhập cao hơn, ít tốn công sức lao động, song đòi hỏi tay nghề cao…

Giàu thật nhờ trầm cảnh

Thời thịnh vượng nhất của làng trầm mỹ nghệ Trung Phước là từ năm 2011 đến 2013, làng khi đó có hơn 40 cơ sở sản xuất trầm cảnh, hàng mỹ nghệ bằng trầm, thu hút hơn 300 lao động. Đời sống người dân khá lên và làng cũng đổi thay.

Một số cơ sở, doanh nghiệp lớn, doanh thu bán hàng lên đến vài chục tỷ, lợi nhuận vài tỷ đồng mỗi năm là chuyện bình thường. Từ những ngôi nhà cấp 4 đơn sơ, nhà lầu kiên cố mọc lên khắp làng, nhìn như một phố thị.

Làng tìm vàng trong thân cây, đổi đời nhờ tỉ mẩn đục đẽo - 4

Công việc của người thợ làm trầm cảnh là phải kỳ công tỉa từng chút một trên cây dó để lộ dần từng đường dẫn dầu nằm trong thân cây như những "mạch máu" li ti…

Hiện nay, làng trầm cảnh chỉ còn một số ít cơ sở duy trì sản xuất do nhiều lý do chủ quan và khách quan. Nhiều người đã chuyển đổi nghề sang trồng trọt, chăn nuôi. Làng trầm hiện còn khoảng gần 10 hộ theo nghề, giữ gìn nghề truyền thống độc đáo này.

Ông Trịnh Thanh Hiểu (61 tuổi, có 32 năm làm nghề chế tác trầm mỹ nghệ), là một trong số ít chủ cơ sở còn giữ nghề trầm cảnh. Theo ông Hiểu, tạo ra một sản phẩm từ cây dó bầu không hề đơn giản. Ngoài thời gian sinh trưởng của cây khá dài, việc tạo trầm cho cây dó sau đó cũng như công đoạn tạo hình tiếp tục tốn thời gian và công sức. Người thợ phải dành biết bao tỉ mỉ, kỳ công mới có được một sản phẩm như ý.

Làng tìm vàng trong thân cây, đổi đời nhờ tỉ mẩn đục đẽo - 5

Cây đa được tạo ra từ trầm nhân tạo. Tác phẩm mất một năm tạo hình, điêu khắc, được định giá khoảng 600 triệu đồng.

"Nghề này có thu nhập cao hơn điêu khắc gỗ bình thường song đòi hỏi tay nghề cao, người làm nghề phải có sự đam mê, lòng kiên trì lớn. Công việc này tôi làm không chỉ để mưu sinh mà còn là niềm đam mê tạo nên sản phẩm độc đáo từ chính bàn tay mình", ông Hiểu chia sẻ.

Trồng dó bầu ở đất Trung Phước đã khó, tạo trầm từ dó càng khó gấp bội. Phần lớn cây dó trắng nơi đây đều không có tinh dầu, hoặc có thì rất ít, vừa khó để tạo hình khối, màu sắc cũng như hương thơm vì tinh dầu tự nhiên của loại dó này quá ít.

Làng tìm vàng trong thân cây, đổi đời nhờ tỉ mẩn đục đẽo - 6

Qua một thời gian dài nghiên cứu, người dân đã tìm ra được cách thức nấu dầu nhân tạo. Cũng dùng tinh dầu thật, gỗ dó trắng được bỏ vào thùng nấu thủ công, chủ yếu nấu bằng cồn 90 độ. Quá trình nấu để tạo ra tinh dầu thơm cực kỳ công phu, thường mất 7 ngày đêm mới ra thành phẩm.

Để có được tác phẩm trầm cảnh đẹp, yếu tố đầu tiên là cần gốc cây dó to, có dáng đẹp tự nhiên, nhiều mắt và nhánh, còn nguyên bộ rễ. Tuổi thọ mỗi gốc trầm cảnh phải trên dưới 40 năm.

Công việc của người thợ làm trầm cảnh là phải kỳ công tỉa từng chút một trên cây dó để lộ dần từng đường dẫn dầu nằm trong thân cây như những "mạch máu" li ti…

Làng tìm vàng trong thân cây, đổi đời nhờ tỉ mẩn đục đẽo - 7

Cây trầm cảnh này được ghép từ nhiều tác phẩm khác nhau, là trầm tự nhiên, có thời gian tạo hình hơn 6 tháng, được định giá hơn một tỷ đồng.

Hàng mỹ nghệ trầm cảnh Trung Phước có đặc trưng riêng, không nhầm lẫn với bất kỳ nơi nào. Bên cạnh việc tạo các sản phẩm mỹ nghệ, các nghệ nhân nơi đây còn làm hương thơm, giác xông, hạt cườm trang sức… để xuất khẩu sang Nhật Bản, Trung Quốc và các nước Hồi giáo.

Qua 2 năm đại dịch Covid-19, việc buôn bán, xuất khẩu trầm sang nước ngoài của các cơ sở ở đây gặp khá nhiều khó khăn, các cơ sở duy trì nghề và việc làm cho lao động bằng cách chế tác các sản phẩm phục vụ thị trường trong nước.

Anh Trịnh Thanh Ý (làng Trung Phước) cho biết: "Dù thị trường trong nước khá hạn chế, nhưng các cơ sở cũng cố gắng duy trì nghề, việc làm cho nhân công. Khi tình hình thông thương được rộng mở, đặc biệt là thị trường Trung Quốc, thì làng nghề trầm cảnh mới nhộn nhịp lại".

Làng tìm vàng trong thân cây, đổi đời nhờ tỉ mẩn đục đẽo - 8

Hàng mỹ nghệ trầm cảnh Trung Phước có đặc trưng riêng, không nhầm lẫn với bất kỳ nơi nào.

Làng tìm vàng trong thân cây, đổi đời nhờ tỉ mẩn đục đẽo - 9

Bên cạnh việc tạo các sản phẩm mỹ nghệ, các nghệ nhân nơi đây còn làm hương thơm, giác xông, hạt cườm trang sức… để xuất khẩu sang Nhật Bản, Trung Quốc và các nước Hồi giáo.

(Theo Dân Trí)